Con trai tôi 5 tuổi. Tôi cho cháu học mẫu giáo ở trường quốc tế, với hi vọng con được chăm sóc chu đáo và có sự dạn dĩ, tự tin như các bé nước ngoài. Đến giờ, điều này có vẻ đạt hiệu quả tốt. Bé rất thích bày tỏ “chính kiến” của mình, có thể tự tin và thoải mái “tranh luận” với cô, với các bạn…
Tuy nhiên, tôi không biết có phải vì “dạn dĩ” quá hay không mà bây giờ cháu có thói quen rất hay… bắt bẻ và chỉnh người lớn mà không hề kiêng dè gì cả. Người lớn nói chuyện với con, vài câu là bé có thể “bắt bẻ” ngay: “Cô nói sai rồi. Không phải vậy mà…!”, “Bà nội bốc tay vô thức ăn như vậy là kém vệ sinh”…
Tôi rất lo vì ranh giới “dạn dĩ” với “vô lễ” trở nên ngắn dần. Đã có nhiều người lớn góp ý với tôi, nói là con cứ “nói tay đôi” với ông bà, cô dì chú bác. Tôi thì thấy những điều con nói hầu như là đúng (ví dụ con thấy bà bốc tay chưa rửa vào thức ăn và “bắt bẻ”) nhưng rất ngại con bị nói là vô lễ. Tôi nên làm thế nào với bé?
T.T.N.H
(Quận 7)
Chào bạn!
Người Việt Nam nói chung vẫn giữ cách suy nghĩ khá truyền thống, rằng trẻ nhỏ nên “gọi dạ bảo vâng”, người lớn nói gì thì vâng dạ theo nấy là ngoan. Chính vì vậy, có thể nhiều người sẽ cảm thấy rất khó chịu khi gặp những cháu bé thích “bắt bẻ”, thích chia sẻ những quan điểm riêng của trẻ một cách “bình đẳng”.
Đây là một khó khăn không phải của riêng bạn mà còn là của chính bé, khi bị mâu thuẫn giữa hai “văn hóa” khác nhau ở trường và ở nhà: Ở trường, cháu được khuyến khích tương tác, tranh luận, thậm chí là tranh luận với giáo viên, khuyến khích bày tỏ ý kiến của mình và được người lớn lắng nghe. Ngược lại, ở nhà, gia đình có xu hướng mong muốn cháu “ngoan ngoãn”, không “sửa lưng” người lớn, bảo gì nghe nấy, kể cả khi có ý kiến khác biệt với người lớn cũng cần chờ đến khi được hỏi mới nói hoặc giữ im lặng…
Hãy đặt mình vào con, bạn sẽ hiểu hơn những khó khăn của trẻ và biết cách “uốn nắn” con khéo léo, không làm trẻ bị sốc vì cảm giác mâu thuẫn trong lòng.
Chẳng hạn, bạn có thể lắng nghe con và chia sẻ với con khi bé cảm thấy có người lớn nào khác làm gì đó “sai” (theo cách hiểu của bé) nhưng hướng dẫn con hãy nói riêng điều này với bố mẹ thay vì nói thẳng với người lớn đó.
Hãy tạo một thỏa thuận giữa hai mẹ con, rằng khi con cảm thấy không thích điều gì hoặc ai đó làm gì mà con cho là “không đúng” thì nên nói nhỏ, nói riêng với mẹ hoặc có cách “bày tỏ” mềm mại hơn, chẳng hạn: “Ở trường, cô giáo nhắc con không nên bốc tay vào thức ăn như vậy!”.
Bạn cần kiên trì và đừng quá căng thẳng vì chuyện này. Thực tế, bước qua giai đoạn 5-7 tuổi, bé đã am hiểu khá nhiều chuyện xung quanh cuộc sống. Vốn từ vựng và cách diễn đạt ngôn ngữ của bé cũng thành thạo hơn. Vì vậy, thói quen “thích chỉnh sửa người khác” chỉ là cách bé chứng tỏ bản thân mình và là một phần của sự phát triển. Bạn có thể uốn nắn nhưng đừng quát mắng, nặng lời với con. Cứ khéo léo và kiên trì, lớn hơn chút nữa, khi nhận thức được nhiều hơn, bé sẽ tự điều chỉnh được mình.