Mẹ&Con - Sao lại là “góa phụ”? Vì những người vợ này có chồng cũng như không! Cứ nghĩ game chỉ là một trò chơi của con nít, người lớn chẳng qua giải trí tí chút sau giờ làm việc, chẳng hại gì đến ai. Song kỳ thực, đang xuất hiện ngày một nhiều hơn những “góa phụ” game. Nghĩa là họ có chồng đấy, song đi làm tất bật một mình, về nhà tất bật một mình, đón con, cho con ăn, cho con ngủ, dạy bảo con, cả việc thanh toán những chồng hóa đơn cao ngất cũng chỉ có… một mình!

Anh ấy còn bận… chơi game!

Nghe thật hài hước, thế mà cuối cùng đấy lại là chuyện thật. Cô giáo chủ nhiệm lớp 5/1 trường Tiểu học L. cho biết: “Suốt năm học, tôi phải mời phụ huynh lên gặp rất nhiều lần vì bé Tuấn Anh có dấu hiệu học hành sa sút, vô lớp hay ngủ gật, thỉnh thoảng cau có gây sự với bạn. Đáng nói là trước đó thằng bé học hành rất tốt, năm lớp 4 còn được đánh giá như một trong những học sinh giỏi nhất lớp nữa. Tôi liên tục mời phụ huynh để trao đổi về tình hình học tập của cháu, với hi vọng phối hợp giữa gia đình và nhà trường tìm ra giải pháp tốt nhất vực cháu lên. Thế nhưng, gần cả chục lần mời phụ huynh đều chỉ có mẹ cháu đến. Ban đầu, chị ấy chỉ im lặng nghe và hứa về nhà sẽ quan tâm cháu kỹ hơn. Nhưng đến một bữa, chị ấy òa khóc trước mặt tôi và bảo: Cô xem, về đến nhà chỉ có một mình tôi lo từ A đến Z tất cả mọi thứ. Tôi còn thời gian đâu mà dạy bảo, kèm cặp thằng bé nữa. Ngay cả tiền học cho nó, chi tiêu trong gia đình cũng chỉ có mình tôi lo. Ông chồng tôi suốt ngày dán mắt vào game, chỉ biết có game, tiêu tốn bao nhiêu tiền bạc cũng chỉ cho game… Thằng bé thấy bố mẹ cứ cãi nhau miết, nó lại càng nản và ảnh hưởng tâm lý nên mới học hành sa sút đến thế”.

Làm một khảo sát nhỏ: “Chồng bạn có chơi game không?”, sẽ nhận được một kết quả rất đáng… hết hồn! Phải có đến hơn 50% các đức lang quân ở những thành phố lớn chơi game với mức độ nhiều ít khác nhau. Ban đầu, hầu như chẳng bà vợ nào phàn nàn, càm ràm hay lo lắng quá về sức hút của trò chơi này. Nhiều chị, như chị Bích Ngọc (Quận 10) còn tự tin: “Ôi, ổng mê game vậy mà… đỡ. Đi làm về là không bù khú bạn bè chi hết, về thẳng nhà ngay. Chẳng bồ bịch lăng nhăng, chẳng nhậu nhẹt say xỉn. Chỉ về nhà, mở máy tính lên và dán mắt vào đấy. Thôi thì cũng được, dẫu sao giải trí ở nhà cũng trong tầm kiểm soát của mình. Chứ ngăn ổng chơi game, ổng chuyển sang mê cái khác thì còn mệt hơn!”.

Khi chong me choi game

(Hình minh họa)

Đúng! Quả thật nếu chồng chỉ mê ở mức độ dành mỗi tối nửa tiếng đến 1 tiếng đồng hồ cho game như một trò giải trí thì đâu có gì đáng nói! Vấn đề là rất nhiều bà vợ không hình dung được sức hút ghê gớm của trò chơi này. “Tôi không thể tưởng tượng rồi đến một ngày, anh ấy lơ là cả công việc ở công ty, chỉ chực chờ tìm cách trốn ra quán cà phê để… chơi game. Kết quả công việc bê trễ, công ty cho nghỉ việc, tôi cứ tưởng anh ấy phải thấy đó là một sự cố thảm hại để tìm cách thay đổi. Song… Không hề! Được nghỉ việc, anh ta càng rảnh. Buổi sáng của anh ta bắt đầu lúc 10 giờ, sau khi đánh răng, rửa mặt, ăn sáng xong là… dán mắt vào máy tính chơi game. Chơi cho đến khi mệt nhoài, xuống lục cơm ăn xong quay trở lại máy tính… chơi tiếp! Anh ấy có thể chơi game đến 12-14 tiếng/ngày mà không chán. Việc này kéo dài đến 3 tháng trời ngay trong nhà tôi!”, chị N.T.H.T (Quận 8) ấm ức kể lại.

Không đến mức độ nghiện game như thế, nhưng tình cảnh của chồng chị Lam Anh (một nhân viên ngân hàng ở Quận 3) cũng bi đát không kém. Sau khi kết hôn chưa đầy 1 năm, chị nhận ra thời gian của hai vợ chồng dành cho nhau ngày một ít dần. “Ngoài giờ làm việc, anh ấy chỉ biết đến game. Không gì có thể dứt anh ấy ra khỏi game. Tôi muốn về thăm bên ngoại cuối tuần. Thế là sáng sớm anh ấy chở tôi về nhà ba mẹ, sau đó xin phép đi… công việc một chút. Thực chất là đi vào một quán net và ở nguyên đấy cho đến tận 9 giờ tối mới lò dò quay lại để đón tôi về. Ngày thường cũng chẳng khá hơn. Anh có thể chơi game từ 7 giờ tối đến 11 giờ đêm. Tôi đã làm mọi cách, từ nhăn nhó, ngọt ngào, càu nhàu đến cả dọa li dị. Đáp lại, anh ấy vẫn… dán mắt vào game!”.

Sống cùng… “con nghiện”!

Đã có những đôi vợ chồng đưa nhau ra tòa vì… game. Trước nỗ lực hòa giải, trước những lời nói vào mong hàn gắn của hai gia đình, chị Nguyễn Thanh B. (Quận 9) vẫn quả quyết: “Con đã cố gắng nhiều lắm rồi. Nhưng bây giờ thì không thể nữa. Con thì một mình gánh vác đủ mọi việc của gia đình. Không người chia sẻ những buồn vui, không người chia sẻ gánh nặng kinh tế, những lúc đó anh ấy ở đâu? Con không muốn con trai mình mai này mê game như bố nó…”.

Nhiều người bảo chị… dại, chỉ có “chừng ấy” thì việc gì phải li dị, rằng mê game thôi chứ có phải say xỉn, nghiện ngập thứ gì đâu. Nhưng có là người trong cuộc mới thấy, đâu phải một ngày một tháng mà chị ra quyết định như thế. Bốn năm trời ròng rã, ban đầu thì chị cũng như nhiều chị em khác, dùng cách khóc lóc, giận dỗi. Rồi sau đó thì ngọt ngào khuyên nhủ. Cũng không được, chị lại tìm cách quấy rầy anh mỗi khi anh ngồi vào máy tính. Kết quả là anh… bỏ ra tiệm net để chơi cho “yên tĩnh”(!). Thằng con trai thấy bố chơi game cũng bắt chước chơi theo. Mẹ la thì lớn tiếng nói lại ngay: “Bố cũng chơi mà!”.

Chị bộc bạch: “Nhiều lúc tôi thấy cô đơn một cách kinh khủng ngay chính trong căn nhà của mình. Tôi đã cố dùng đến cả những biện pháp như giao việc nhà cho anh ấy, giao việc trông con cho anh ấy, dùng thằng bé như vũ khí để kéo bố nó ra khỏi trận đồ của game. Song, thật sự vượt qua chuyện mê game được hay không, điều chỉnh lại cuộc sống của mình được hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh của người đàn ông. Đừng suốt ngày ra rả với chúng tôi rằng phải lạt mềm buột chặt, phải ngọt ngào dịu dàng, dùng mọi chiêu thức để kéo anh ấy quay về với cuộc sống gia đình. Tôi đã cố gắng, nhưng nếu anh ấy không nỗ lực thì mọi thứ chỉ bằng thừa. Đến một lúc, tôi nhận ra rằng anh ấy không phải là bờ vai cho mình tựa vào nữa!”.

May mắn hơn chị B., chị Phan Thị L.H (Quận Gò Vấp) cũng từng có giai đoạn thành “góa phụ” game. Nhưng sau năm lần bảy lượt ngọt ngào khuyên bảo không được với chồng, chị đành hướng mình vào những mối quan tâm khác và những công việc khác. “Ban đầu anh ấy vẫn chơi game thâu đêm, nhưng rồi anh ấy nhận ra khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng lớn. Sau giờ làm việc, tôi tranh thủ lo liệu việc nhà, đưa con đi xem phim, đi học tiếng Anh chung với con – mẹ một lớp, con một lớp. Rồi thì tôi cùng con đi bơi ngày Chủ nhật, tôi làm quen dần với việc mình có một ông chồng như chiếc bóng ở trong nhà, ngoài cái máy tính không biết đến gì khác. Cứ như vậy, đến một bữa, anh ấy ôm con và con bé đẩy bố ra. Nó bảo bố vào ôm cái máy tính đi. Anh ấy nổi cáu, nhưng đồng thời cũng giật mình hiểu rằng mình đã đánh đổi cả những phút giây đầm ấm với gia đình cho thế giới game nhiều quá. Từ sau đó, anh ấy tự điều chỉnh dần thời khóa biểu, cai game… Nhưng thú thật, tôi nghĩ tôi là một trong số hiếm hoi những phụ nữ may mắn có chồng tự biết sốc và tự biết quay về như thế!”.

4 tuyệt chiêu “trị” chồng mê game 

Chồng mình mê game lắm. Mình cũng rất bực mình, cũng cãi nhau rất nhiều rồi nhưng không có hiệu quả. Mình tức quá thế là cũng… chơi game (chơi trò dễ thôi). Anh đi ngủ mình vẫn ngồi chơi, đến giờ cơm mình không đi nấu, vẫn ôm máy tính. Được gần 1 tháng thì anh không chịu nổi nữa vì thấy mình không quan tâm gì đến anh, thích chơi điện tử hơn chồng, vợ chồng không quan hệ gần gũi nhau. Tụi mình cãi nhau một trận kịch liệt. Nhưng sau đó thì anh ấy… không cho mình chơi game nữa và cả anh cũng chỉ còn chơi đúng 1 tiếng mỗi ngày! 

Hình như mình và chồng chẳng nói chuyện gì cả mấy tháng trời. Lúc mình ngủ thì anh thức, còn lúc mình thức thì anh ngủ. Sau cùng, thay vì tiếp tục càu nhàu gây hấn, mình hướng mình sang những mối quan tâm khác để thấy cuộc sống tốt đẹp hơn. Mình dành thêm thời gian đi học, tập thể dục, chơi với con. Đến một lúc, anh ấy chợt giật mình “tỉnh mộng”, nhận ra là đã tốn quá nhiều tiền bạc và thời gian cho cái trò chơi vô bổ đó. Nhìn anh ấy bệ rạc, nhàu nhĩ vì thiếu ngủ, trong khi mình ngày một tươi tắn và vui vẻ với cuộc sống không hề có anh ấy, thế là anh ấy điều chỉnh… 

Mình quyết định ly thân, đưa con về bên ngoại và báo tình trạng của anh ấy cho gia đình chồng biết. Ban đầu anh ấy hùng hồn lắm, bảo muốn ly dị thì cho ly dị luôn! Thế nhưng, chỉ sau vài tuần lễ vắng bóng mình và con trong nhà, ăn uống thất thường, anh ấy nhận ra việc chơi game không còn thích thú như ban đầu nữa. Anh ấy bắt đầu chán game, tự giảm bớt và tự thay đổi mình. Được khoảng 2 tháng thì anh ấy gọi điện cho mình và xin lỗi mình, nói muốn mình về nhà trở lại. 

Mình lấy con ra dọa. Mình nói anh ấy tự hình dung đến một ngày con cũng mê game như thế đi, thì sẽ làm thế nào? Mình cũng yêu cầu anh mỗi ngày dành 2 tiếng để dạy con học, phụ vợ làm việc nhà từ 7 giờ đến 9 giờ tối. Sau khoảng thời gian đó thì anh có thể “tự do”. Ban đầu cũng khó khăn lắm. Vì sau 9 giờ là anh ấy chơi game miết đến 11-12 giờ. Nhưng dần dần, anh ấy tự bớt lại (có lẽ vì thấy mệt quá, cũng có thể vì nhận ra cuộc sống gia đình còn nhiều thứ khác thú vị hơn game). Bây giờ anh ấy chỉ chơi thỉnh thoảng mà thôi.

Tags:

Bài viết liên quan