Mẹ&Con – Kinh tế khủng hoảng. Hàng loạt công ty giải thể, đóng cửa. Lương bổng chẳng thấy tăng mà còn cắt giảm.

Chưa hết! Một ngày không đẹp trời, chồng bạn về nhà với gương mặt nặng như đeo chì, buông thõng một câu rằng: “Mất việc rồi. Từ tháng sau thất nghiệp!” Vâng, một thử thách không hề dễ chịu đã đến với gia đình bạn rồi đấy!

Mệt lắm rồi mà chồng cứ… kiếm cớ “gây”!

Có một thực tế rất rõ ràng, gánh nặng cơm áo gạo tiền ảnh hưởng không nhỏ chút nào đến hạnh phúc gia đình. Đừng bảo cuộc sống luôn hoàn hảo với “một túp lều tranh hai trái tim vàng” nữa! Đang có con nhỏ mà kinh tế gia đình lại xáo trộn, bạn cảm thấy chới với, mất bình tĩnh, thậm chí trở nên “cáu bẳn” với người thân của mình ngay.

Nếu người vợ thất nghiệp thì còn đỡ, vì chỉ có một tỷ lệ nhỏ phụ nữ đang là trụ cột, thu nhập chính của gia đình. Thêm nữa, tâm lý của người Á Đông, chuyện vợ nghỉ ở nhà ít lâu, để chăm sóc chồng con, phụ thuộc một chút vào chồng cũng không có gì là hiếm. Tuy nhiên, khi các anh chồng chẳng may thất nghiệp thì tình hình “bi đát” hơn nhiều.

Chị Uyên Minh (Quận 6) tìm đến Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình một buổi trưa với đôi mắt sưng húp, dấu hiệu của những trận khóc quá nhiều trước đó. Chỉ cần nghe vài câu an ủi, chị đã vỡ òa: “Ảnh thất nghiệp đã 3 tháng nay. Ba tháng như cực hình với em vậy đó. Em đã phải đi làm rất mệt, về nhà nhận thêm việc làm thêm đủ kiểu để xoay xở kinh tế gia đình. Con thì còn nhỏ. Thế mà ảnh cứ kiếm chuyện gây hoài. Bữa cơm nấu hơi ít đồ ăn một chút, ảnh hất luôn cả mâm, gầm lên bảo em coi thường ảnh đang thất nghiệp, không kiếm ra tiền nên bắt ảnh ăn toàn những thứ ảnh không thích chứ gì. Em về nhà, thấy ảnh ngồi chơi không trong khi nhà cửa bề bộn, em cằn nhằn vài tiếng sao anh không giúp em dọn dẹp, thế là ảnh tát tai em ngay, bảo là ảnh không phải đứa osin ở nhà cho vợ nuôi đâu!!!”.

Lý giải cho tâm lý này, chuyên gia tâm lý Trần Thị Quỳnh Dao cho biết: “Đàn ông rất dễ tự ái, mặc cảm khi thấy mình không lo về kinh tế cho gia đình được nữa. Vì mặc cảm, họ dễ… đổi tính, cứ cố gắng gây chuyện, cố gắng tỏ rõ sự gia trưởng, quyền hành của mình trong nhà bằng những cách rất tiêu cực như đánh vợ, quát tháo, không thèm đụng tay vào bất cứ việc nhà nào dù dư thời gian và sâu thẳm trong lòng cũng rất muốn san sẻ với vợ. Những phản ứng này nếu gặp người vợ đã quá mệt mỏi với áp lực công việc, thiếu một chút tinh tế nữa thì bùng lên như… lửa gặp xăng ngay!”.

Một chuyện nhỏ chẳng đáng là gì cũng có thể thành cái cớ để cãi nhau. Ức chế dồn dập đến với cả hai bên khi ai cũng mặt nặng mày nhẹ vì lo âu. Chồng chịu không nổi dù một câu than thở rất “đơn giản” của vợ: “Qua tuần sau lại đóng học phí cho con rồi!”, hay “Sao tiền điện tháng này nhiều thế?”. Vợ, nếu mềm mỏng một chút thì còn đỡ. Chẳng may gặp người trực tính nghĩ sao nói vậy, sẽ thấy chồng mình sao mà… sĩ diện hão. Lời qua tiếng lại những chuyện tưởng chừng rất nhỏ như: “Sao anh không đi nộp hồ sơ xin việc đi?”, “Anh phỏng vấn thế nào mà cứ bị bay hoài thế nhỉ?” cũng thành các trận giông bão đùng đùng.

Anh T.L (một người chồng ở tuổi 32 từng trải qua cảnh bỗng dưng… mất việc) bộc bạch: “Thật sự với đàn ông, không có cái cảm giác sốc nào cho bằng cảm giác mình không còn là trụ cột gia đình, là nơi nương tựa cho vợ con nữa. Không dễ chấp nhận sự thật này, nhiều người dễ phản ứng bằng cách nhậu nhẹt bê tha, đánh vợ đánh con, làm hỏng cả hạnh phúc gia đình nhiều năm gìn giữ. Tôi cũng từng trải qua những ngày tháng ấy. Tuy chỉ có 6 tháng mà thật sự tôi thấy nó kéo dài như thể… 6 năm!”

Khi chong mat viec

(Ảnh minh hoạ)

Cư xử sao trong giai đoạn nhạy cảm này?

Không phải vô cớ khi liệt kê ra các cột mốc quan trọng trong cuộc sống vợ chồng, các chuyên gia tâm lý luôn luôn nêu lên “cột mốc” một trong hai vợ chồng thất nghiệp (cùng với các “cột mốc” như sinh đứa con đầu lòng, cãi nhau lần đầu, có ý nghĩ li hôn lần đầu…). Thất nghiệp tưởng là chuyện chẳng có gì, song lại ảnh hưởng sâu sắc đến hạnh phúc gia đình. Nó có thể là thứ gia vị giúp tình cảm vợ chồng sâu sắc, gắn bó nhau hơn, bởi lẽ cùng nhau trải qua những tháng ngày đồng cam cộng khổ. Song, nó cũng có thể là cơn sóng thần phá hủy chóng vánh đến mức không tin được một hạnh phúc gia đình.

Anh P. (Quận Gò Vấp) không khỏi buồn khi nhắc lại chuyện nhà mình: “Vợ chồng lục đục suốt, dù thật ra tôi chỉ thất nghiệp 8 tháng và tiền dành dụm của vợ chồng vẫn còn. Chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng gây nhau. Thấy vợ có ý coi thường mình, tôi càng chán, tình cảm trở nên nhạt nhẽo hẳn. Đỉnh điểm là một trận cãi vã long trời lở đất khi cô ấy đi làm về quá muộn, tôi cằn nhằn và cô ấy quát lên rằng anh giỏi thì anh đi làm kiếm tiền thay tôi nuôi con đi, chứ cứ ở đây mà trách móc gì! Chúng tôi ly thân, sau đó ly hôn khi tôi tìm được việc làm mới tốt hơn sau 8 tháng!”

Làm thế nào để vợ chồng vượt qua giai đoạn khó khăn này? Chuyên gia tâm lý Quỳnh Dao gợi ý: Hãy động viên một cách nhẹ nhàng, giúp chồng lấy lại tinh thần. Những cử chỉ quan tâm của vợ lúc này rất ý nghĩa vì nó khiến chồng nhận ra tình yêu của bạn dành cho anh ấy vẫn tràn đầy và bạn sẵn sàng bước tới cùng anh ấy. Trong giai đoạn đó, những lời cằn nhằn đầy sốt ruột nên được… cất kỹ trong lòng, đừng nên thốt ra. Thực tế, chỉ trừ khi chàng lười “hết thuốc chữa”, còn lại, không người đàn ông nào không âm thầm nỗ lực tìm kiếm một công việc phù hợp cho mình. Những câu hỏi của vợ kiểu như: “Hôm nay anh tìm việc thế nào? Lại không được à? Không biết đến bao giờ anh mới lại có việc làm nhỉ?” chỉ có tác dụng đổ… xăng vào lửa!

Cũng cần lưu ý rằng có thể chồng sẽ “rảnh” hơn, nhưng bạn đừng ép anh ấy gánh tất tần tật công việc nội trợ trong nhà chỉ vì lý do “em phải đi làm còn anh thất nghiệp”. Chàng có thể phụ bạn một số việc, nhưng bạn cần chứng tỏ bạn rất nhiệt thành với việc nhà, rất hiểu trách nhiệm của mình là chăm sóc cho tổ ấm chứ không hề đẩy hết sang anh ấy ngay khi có thể.

Ngoài ra, hai vợ chồng nên chọn lúc bình tĩnh, cùng ngồi xuống với nhau để bàn xem nên chi tiêu thế nào trong vài tháng tới. Có thể sẽ phải cắt giảm một số khoản, nhưng bạn chỉ nên bàn một vài lần như vậy, sau đó cứ thế mà làm. Đừng để xảy ra cảnh ngày nào cũng hỏi chồng về chuyện kinh tế, thu chi, kiểu như: “Mai lại đóng tiền nhà rồi, làm sao bây giờ anh?”, “Hôm nay giá thịt lại tăng đấy…”, “Em hết cả tiền rồi!”. Điều đó sẽ gây khủng hoảng tâm lý cho cả hai người chứ không còn là “bàn bạc” nữa.

Vậy đấy! Chồng mất việc là một giai đoạn khó khăn cho cả gia đình. Khó khăn vì thiếu thốn chỉ là một phần, phần khác – nặng hơn – vì đây là “thước đo” để đo lường tình yêu, sự quan tâm lẫn nhau, cách ứng phó, cư xử… Nói như lời một người vợ: “Mỗi khi nhớ lại, tôi đều hãi hùng với những căng thẳng, áp lực của giai đoạn này. Nhưng trên hết, tôi nhận ra chính nhờ phép thử ấy mà vợ chồng càng hiểu nhau hơn, thương nhau hơn. Sau này, có lần tôi nghe chồng tâm sự với một người bạn: Trải qua giai đoạn mất việc tạm thời, càng thấy thương vợ mình. Cái nghĩa vợ chồng gắn kết bền sâu chính là nhờ đã cùng vượt qua gian nan, cùng an ủi nhau từng lúc khó khăn như thế…”

Tags:

Bài viết liên quan