Mẹ&Con thân mến!
Bé gái nhà tôi năm nay 6 tuổi, chuẩn bị bước vào lớp Một. Bé có tính hay giận, mỗi lần giận lại rất dai. Bé thường ngồi vào một góc nhà gục mặt, người lớn hỏi gì cũng không chịu trả lời. Có khi bé ngồi cả tiếng đồng hồ với tư thế như vậy. Là mẹ, tôi vừa xót con vừa giận con. Cứ phải dỗ dành ngon ngọt thì con mới chịu hòa nhập lại. Nhưng tôi không thể lần nào cũng dỗ dành vì có khi lỗi là do con gây nên, nếu cứ giải quyết tạm thời như vậy tôi lo sau này con sẽ không chịu nhận mình sai, điều này ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của con. Vậy tôi phải làm sao cho con từ bỏ tính giận dai? Rất mong lời khuyên từ chuyên viên tư vấn.
Thu Hà (Q.3)
Chị Thu Hà thân mến!
Thông thường và đôi khi như một phản ứng tự nhiên, một đứa bé có thể bày tỏ sự không đồng ý hoặc không hài lòng bằng cách “không kết nối” với thế giới người lớn xung quanh – có thể là đối tượng trực tiếp gây ra những sự không hài lòng theo cách nhìn của bé. Như vậy trong một chừng mực nhất định, có lẽ chị không cần lo lắng một cách quá mức đến những ảnh hưởng “nghiêm trọng” về sau liên quan đến vấn đề phát triển nhân cách của con gái.
Không rõ là chị đã có bao giờ thử tìm một cách thức khác thay cho việc phải “dỗ dành ngon ngọt” không, nếu chưa chị có thể xem điều tôi đề cập ở đây như là một gợi ý bao gồm các bước cụ thể (ngoài ra chị có thể tìm thêm những cách thức khác tùy vào từng bối cảnh cụ thể trong gia đình, như: Xem xét lại xem điều bé giận có thật sự hợp lý không? Có một lưu ý nhỏ là có thể có phụ huynh cho rằng “trẻ con không được quyền giận dỗi”, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng cần biết rằng bất kỳ ai cũng có quyền giận dỗi và việc giữ im lặng chỉ là một trong cách thức phản ứng “tối ưu nhất” mà một số trẻ lựa chọn; Nếu điều làm bé giận dỗi là hợp lý thì chắc chắn điều nên làm là xin lỗi bé về chuyện cụ thể đó; Giải thích cho bé một cách nhẹ nhàng, bình tĩnh và rõ ràng về việc bé giận dỗi như vậy là được hay không được, đồng thời cũng nói cho bé biết là ba mẹ không muốn thấy con “ngồi vào góc và gục mặt” như vậy nhưng thay vào đó là nói ra điều con đang giận; Đôi khi cũng có thể để bé được quyền thể hiện cách thức giận dỗi theo ý bé, có thể ngồi bên cạnh và cho bé biết là ba mẹ sẽ ngồi đây đợi con 5 phút hay 10 phút sau đó nếu con tiếp tục như thế thì ba mẹ sẽ đi làm việc và con có thể ngồi đó cho đến khi nào con cảm thấy hết giận thì nói cho ba mẹ biết!
Chắc chắn ai trong hoàn cảnh của chị cũng sẽ cảm thấy giận và xót con nhưng đó mới là vấn đề và là công lao thật sự của việc giáo dục và nuôi dưỡng con cái. Cảm xúc của một đứa trẻ có thể không ổn định hoặc cân bằng được như một người lớn, do đó sự bình tĩnh và không quá lo xa sẽ có ích hơn trong việc giải quyết các cách thức phản ứng khác lạ của con cái. Trong những giai đoạn tiếp theo của sự phát triển, con gái của chị có thể sẽ thay đổi cách thức thể hiện sự giận dỗi. Dù thế nào, kiên nhẫn và nhẹ nhàng trong cách giải quyết các vấn đề của con cái là những yếu tố rất có giá trị cho sự thành công.
Chuyên viên tư vấn tâm lý Ngô Minh Uy Hội khoa học Tâm lý – Giáo dục TP.HCM