Mẹ&Con - Câu trả lời với mọi “mẹ bầu” đều nên là: “Khám rồi!” nhé. Bạn nên đến “thăm” nha sĩ trước khi dự tính có thai. Còn suốt chín tháng thai kỳ, nên có chế độ chăm sóc, giữ gìn “răng cỏ” cẩn thận. Bởi vì nếu không làm như thế, khi bác sĩ nghe bạn than thở: “Nhức răng quá bác sĩ ơi!” trong giai đoạn chín tháng thai kỳ, bác sĩ cũng đành… bó tay với những cơn đau của bạn. Chăm sóc răng sữa cho con Lưu ý khi trẻ mọc răng Những vấn đề răng miệng khi mang thai

Bạn dễ gặp bệnh về răng miệng khi mang thai?

Đúng như vậy đấy. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện răng yếu hẳn đi, bạn gặp phải những cơn “ê ẩm” chịu hết nổi với răng. Trong đó, cụ thể nhất là việc thay đổi hormone trong cơ thể. Thời kỳ mang thai, lượng hormone estrogen và progesterone trong cơ thể bạn tăng nhanh làm gia tăng lưu lượng máu tới nướu, gây tình trạng viêm nướu do thai nghén. Bệnh thường khởi đầu ở tháng thứ 2, kéo dài cho đến tận tháng thứ 7, thứ 8. Nguyên nhân thứ đến khiến răng bầu yếu đi là sự thay đổi lượng Canxi. Bạn cũng biết nhu cầu Canxi cho thai nhi rất cao. Nếu cơ thể bạn không đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng thiếu Canxi thì men răng trở nên xốp hơn, dễ bị sâu hơn.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng “răng cỏ yếu ớt” là sự thay đổi thói quen ăn uống. Một số bà bầu khi ốm nghén thường thích “măm” rất nhiều món chua hoặc món ngọt. Tất cả những chất này đều có thể gây hại cho men răng, dễ gây sâu răng. Rồi thì vì ốm nghén lúc mang thai, bạn cũng dễ bị nôn. Chính những chất axit còn lưu lại trên răng sau khi bạn nôn nếu không được vệ sinh, súc miệng thật kỹ cũng có thể dẫn đến làm hỏng men răng, dễ bị sâu nữa.

kham-rang-chua-me-bau-oi

Hậu quả của việc này là gì? Bạn chắc hẳn từng nghe những câu nói lưu truyền trong dân gian: Thứ nhất đau mắt, thứ nhì đau răng. Răng đau, sung huyết, ngứa lợi, chảy máu chân răng sẽ khiến giai đoạn bầu bì của bạn vốn đã mệt mỏi càng thêm… đừ đẫn! Mất ăn, mất ngủ, cả mẹ lẫn thai nhi trong bụng đều bị ảnh hưởng sức khỏe, cực kỳ khổ sở. Mà “khổ” nhất là nha sĩ, bác sĩ đều không thể cho bạn thuốc giảm đau, không thể thực hiện việc chữa trị ráo riết, triệt để với răng lúc này (vì sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến bào thai, dọa sảy thai). Đúng nghĩa tình trạng trên chính là… “cắn răng mà chịu”.

Những bệnh răng miệng thường gặp trong thai kỳ là: Sâu răng, viêm nướu và mòn răng. Chưa hết nhé! Nếu không được chăm sóc cẩn thận, “răng cỏ” bị bỏ bê, thì sau khi em bé chào đời, bạn sẽ còn tiếp tục phải hốt hoảng trước hậu quả, vì nhận ra những chiếc răng chắc khỏe, sáng bóng thuở nào của mình rủ nhau… lung lay và từ biệt! Nói chừng ấy nguyên nhân và hậu quả chủ yếu để bạn cảm thấy… sợ, và hiểu rằng việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng trước khi mang thai cũng như trong suốt chín tháng thai kỳ vô cùng quan trọng. Có nhiều việc phải làm để bảo vệ hàm răng chắc khỏe trong suốt thai kỳ. Bạn có thể tham khảo ở phần tiếp theo của bài này. Tuy nhiên, việc đầu tiên không thể bỏ qua là phải giữ vệ sinh răng miệng bằng việc chải răng, súc miệng đều đặn mỗi ngày. Nhiều thai phụ khi thấy lợi viêm, chảy máu dẫn đến sợ đánh răng, khiến tình trạng viêm nhiễm càng trở nên nặng nề hơn. Bạn có thể chọn các loại bạn chải có lông thật mềm, hoặc cũng có thể dùng một miếng băng gạc, quấn quanh ngón tay, sau đó bôi kem lên và “đánh răng” bằng cách đặc biệt này. Ngoài ra, để đảm bảo đủ canxi khi mang thai, mỗi ngày bạn cần “nạp” vào tối thiểu 1.500mg Canxi. Canxi được đưa vào cơ thể thông qua những món ăn như sữa, sữa chua, phô mai, tôm cua cá, xương hầm, một số loại rau củ quả. 

Chăm sóc răng miệng đúng cách cũng như khám răng định kỳ rất quan trọng trong suốt quá trình mang thai. Nếu mẹ bị bệnh nha chu trong thời kỳ mang thai, bé có nguy cơ sinh thiếu tháng, nhẹ cân. 

Chăm răng trong chín tháng

Vào đầu thai kỳ, bạn nên đến bác sĩ nha khoa để lấy vôi răng, làm sạch răng. Để phòng sâu răng và viêm lợi, bạn cần đặc biệt chú ý vệ sinh răng miệng, nhất là sau khi ăn bằng cách đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày để loại bỏ mảng bám trên bề mặt của răng.

kham-rang-chua-me-bau-oi

Bạn nên chọn loại bàn chải mềm, chải răng theo chiều từ chân răng dọc theo kẽ răng, chải nhẹ nhàng để không làm tổ thương đến lợi, không để bã thức ăn và bựa răng “cố thủ” ở kẽ răng. Nếu các bã thức ăn còn sót lại trong kẽ răng, chúng sẽ lên men và sản sinh ra axit có lợi cho sự sinh trưởng của vi khuẩn bám bám ở mặt răng, làm viêm lợi nặng thêm và có thể gây xuất huyết răng lợi, đồng thời ăn mòn răng dẫn tới sâu răng.

Thay vì dùng tăm, bạn có thể dùng chỉ nha khoa để làm sạch các kẽ răng mà bàn chải chưa chải sạch được. Dùng bàn chải chải nhẹ lên lưỡi để làm sạch các mảng bám trên lưỡi. Ngậm nước súc miệng diệt khuẩn (hoặc nước muối pha loãng) sau khi chải răng. Các loại nước diệt khuẩn này sẽ giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn là tác nhân chính gây mảng bám răng và viêm nướu. Với ưu thế ở dạng dung dịch, nước diệt khuẩn có thể thâm nhập vào những ngóc ngách sâu bên trong khoang miệng mà bàn chải và chỉ nha khoa không thể đến được. Bạn cũng nên sử dụng nước súc miệng sau khi bị nôn do thai nghén để bảo vệ men răng.

Về chế độ ăn uống, bạn nên hạn chế những thực phẩm chứa đường. Thay vào đó, nếu thèm ngọt, bạn nên ăn trái cây tươi, uống nước ép trái cây không đường (chỉ sử dụng lượng đường trái cây có sẵn trong quả), nhai một số loại chewing-gum có tác dụng chống sâu răng. Không nên ăn các loại thực phẩm quá nóng, quá lạnh vì răng lúc này rất yếu. Nếu bạn có thói quen uống nước đá thì hãy chịu khó quay về với nước sôi để nguội, nước suối đóng chai không ướp lạnh. Chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ quen thôi. Đừng quên rằng việc hạn chế nước đá, uống nước ở nhiệt độ bình thường không chỉ tốt cho răng miệng mà còn tốt cho sức khỏe của bạn nói chung.

Cách ăn uống của bạn trong thai kỳ cũng giúp ích rất nhiều cho sức khỏe răng miệng. Bạn cần chú ý chọn ăn những thức ăn mềm, thức ăn đã được nấu nhừ, ít phải nhai nhiều để tránh tổn thương răng lợi và giúp dễ tiêu hóa. Cần ăn đầy đủ chất bổ dưỡng, đặc biệt là canxi là chất rất cần cho bạn và thai nhi. Khi thai nhi được 4 tháng thì răng và xương của thai nhi bắt đầu hấp thu canxi. Từ tháng thứ 7 đến khi ra đời, thai nhi cần nhiều canxi và phốt pho hơn nữa. Bạn có thể cung cấp các chất này qua thức ăn hàng ngày, đặc biệt là sữa và các chế phẩm của sữa.

Bạn nên ăn nhiều trái cây và rau xanh tươi giàu vitamin C, hoặc uống bổ sung vitamin C để hạ thấp tính thông thấu của thành huyết quản mao dẫn. Có những loại rau củ rất tốt cho răng miệng mà bạn nên lưu ý để bổ sung vào “thực đơn” của mình như:

– Ổi:Được xem là loại trái cây giàu vitamin C nhất, trong ổi có chứa một hàm lượng lớn vitamin tổng hợp có tác dụng như một thứ thuốc kháng khuẩn hiệu quả. Vị chát của ổi cùng với vitamin C giúp sạch răng, ngừa viêm lợi và chảy máu chân răng.

– Trà xanh: Chất fluor và catechins trong trà xanh có tác dụng chống oxy hóa và tiêu diệt mạnh mẽ các loại vi khuẩn được hình thành do nước bọt và thức ăn thừa bám lại. Những chất này được xem là kháng sinh tự nhiên chống sâu răng hữu hiệu.

– Rau thơm: Các loại rau thơm như húng, mùi, thì là, tía tô… ngoài công dụng làm gia vị cho món ăn còn có tác dụng bảo vệ lợi không bị vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt khi ăn các món nội tạng động vật, rau thơm ngăn ngừa sự “làm tổ” của vi khuẩn trong kẽ răng.

– Hành tây: Vị hăng của hành tây là khắc tinh của hầu hết các loại vi khuẩn trong khoang miệng. Chính vì thế, món sa-lát hành tây là cách hữu hiệu để phòng tránh sâu răng và đặc biệt nó tẩy sạch mảng bám gây bệnh nha chu, làm ố vàng men răng.

Đặc biệt, bạn lưu ý trong suốt giai đoạn mang thai và cho con bú sau khi sinh không tự ý dùng thuốc, nhất là tetracyclin, vì thuốc này sẽ làm cho răng con bạn sau này có màu nâu hoặc đen. Bạn sẽ phải hạn chế tối đa phải nhổ răng trong thai kỳ, nhất là trước tháng thứ 4 và sau tháng thứ 7. Nếu nhổ răng vào những thời điểm này rất dễ dẫn đến tình trạng sảy thai hoặc sinh non. Do đó, tốt hơn hết là từ khi bắt đầu có ý định mang thai, bạn đã phải đi khám răng, chữa hết mọi vấn đề về răng miệng. Bằng cách đó, bạn sẽ giảm thiểu được các vấn đề nảy sinh về răng miệng trong quá trình mang thai. Ngoài ra, nên khám răng miệng định kỳ 6 tháng/lần và bất cứ khi nào bạn thấy đau, thấy chảy máu lợi hay những trục trặc khác. Nha sĩ phát hiện vấn đề càng sớm càng điều trị cho bạn dễ dàng hơn. 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thành
BV Đại Học Y Dược

Tags:

Bài viết liên quan