Nhờ bác sĩ tư vấn giúp khi trẻ sốt thì nên chăm sóc và theo dõi như thế nào? Vì con tôi 4 tháng tuổi và thỉnh thoảng bé vẫn sốt (có khi sốt nhẹ, có khi sốt cao). Tôi vẫn chăm sóc bé rất kỹ lưỡng, nhưng vẫn lo…
Hà Quỳnh Dao
(Quận 11)
Bạn để ý, bất cứ lúc nào trẻ có hiện tượng bị sốt, khi sờ trán của trẻ thấy nóng, các bậc cha mẹ cần lập tức cặp nhiệt độ cho trẻ để đánh giá sự chênh lệch nhiệt độ cơ thể mỗi giờ về tình trạng tăng thân nhiệt có nhanh hay không. Không nên tự sờ bằng tay và đánh giá chủ quan.
Không đắp kín chăn cho trẻ, ngược lại nên cho trẻ mặc vừa đủ ấm nhưng thoáng. Nếu trẻ toát mồ hôi nhiều, cần bình tĩnh và lấy khăn khô lau cổ, nách, bẹn và toàn cơ thể của trẻ. Trường hợp trẻ sốt nhưng chân tay vẫn ấm, hồng hào thì chưa có vấn đề gì, cha mẹ có thể chăm sóc tại nhà. Ngược lại, nếu thấy trẻ mệt mỏi, lờ đờ, cần đưa ngay tới bệnh viện để cấp cứu. Trẻ nhỏ sốt trên một ngày (dù chỉ sốt nhẹ) cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ để theo dõi nghiêm ngặt.
Nên tăng cường cho trẻ bú (nếu dưới 6 tháng tuổi) hoặc uống nước (nếu trên 6 tháng tuổi) để bù lại lượng nước cơ thể trẻ mất đi trong giai đoạn sốt. Một số trẻ lớn hơn (2-3 tuổi) khi sốt sẽ nói với mẹ rằng bé lạnh. Tuy nhiên như đã nói từ đầu, không nên đắp kín chăn cho bé. Chỉ cần để bé ở nơi kín gió, thoáng đãng, mặc quần áo đủ ấm. (Đắp chăn gây tăng thân nhiệt và khiến nguy cơ sốt cao quay trở lại, dễ xảy ra tình trạng co giật).
Lưu ý, lau người cho bé đang sốt nên là nước ấm chứ không phải nước lạnh hay nước đá. Vị trí lau thường xuyên nên là dưới 2 nách, bẹn, trán, cổ, tay chân… Khi bé vẫn sốt nhiều có thể lau khắp người.