Mẹ và Con - Bạn đã bao giờ nghe đến hội chứng sợ ma? Hãy thử xem với góc nhìn khoa học thì trẻ sợ ma là do điều gì, cần điều trị ra sao nhé!

Hội chứng sợ ma khiến bé luôn trong trạng thái hoảng sợ và ám ảnh về sự tồn tại của một hình bóng lảng vảng xung quanh. Trí tưởng tượng của trẻ nhỏ luôn phong phú nên đôi khi bé không phân biệt được tưởng tượng và thực tế. Do đó, việc bé bất an, lo lắng, sợ hãi, đặc biệt khi ở một mình trong bóng tối cũng là điều dễ hiểu. Nhìn dưới góc độ khoa học thì chứng sợ ma là một biểu hiện của bệnh tâm lý. Bố mẹ hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu hội chứng này nhé!

hội chứng sợ ma

Nguyên nhân dẫn tới hội chứng sợ ma ở trẻ

Không phải đứa trẻ nào cũng sợ ma mà tùy theo từng bé sẽ có diễn biến tâm lý khác nhau. Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chứng sợ ma ở trẻ nhỏ mà bố mẹ cần lưu ý:

  • Đau buồn và ảo tưởng trước sự ra đi của người thân hoặc người mà bé yêu quý.
  • Tìm hiểu, nghiên cứu sâu hoặc xem phim, truyện tranh về ma quỷ, yêu quái…
  • Mắc chứng lo âu, lo lắng, chấn thương hay chịu nhiều đau khổ trong quá khứ.

Biểu hiện khi trẻ sợ ma bố mẹ cần chú ý

Những biểu hiện thường thấy khi trẻ nhỏ mắc hội chứng sợ ma có thể kể đến như:

  • Lo lắng dữ dội
  • Không dám ở một mình
  • Giảm năng suất làm việc
  • Cảm thấy hoảng loạn, sợ hãi
  • Khó ngủ khi không có ai bên cạnh
  • Luôn muốn ngủ chung cùng bố mẹ và người khác
  • Không dám đi vệ sinh vào ban đêm hoặc phải có người đi cùng mới chịu
  • Thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày do thiếu ngủ

Ảnh hưởng của hội chứng sợ ma ở trẻ

Bé không dám ở một mình

Những bé có chứng sợ ma thường cảm thấy khó chịu hoặc lo lắng, khóc nhiều, quấy nhiễu khi bị bỏ lại một mình trong nhà hoặc một không gian nào đó không có người, đặc biệt vào ban đêm. Do đó, bố mẹ cũng cực hơn trong việc chăm bé vì hầu như bé thích bám dính lấy bố mẹ để tìm cảm giác an toàn.

Tránh không gian tối trong nhà

Những không gian tối như tủ quần áo, phòng, dưới gầm giường, dưới tủ, cửa sổ ngoài ban công…cũng khiến bé sợ hãi vì lo lắng sự xuất hiện của người khác. Đây là một ảnh hưởng rất thường gặp khi trẻ mắc hội chứng sợ ma.

Bé dễ hồi tưởng hình ảnh đáng sợ

Trẻ nhỏ nhớ rất lâu về những hình ảnh từ bộ phim mà các con xem dù mới một lần rồi tự mình tưởng tượng ra chơi. Chính vì điều này nên khi gặp phải bộ phim kinh dị, bé sẽ cảm thấy lo lắng, hoảng loạn vì những hình ảnh đáng sợ cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí. Từ đó gây chứng ám ảnh sợ hãi.

trẻ bị ám ảnh

Hội chứng sợ ma ở trẻ và những nỗi ám ảnh khác

Chứng sợ ma thường đi kèm hoặc sản sinh ra nhiều nỗi sợ khác, ảnh hưởng tới sức khỏe của con. Có thể liệt kê một số cái tên như:

  • Chứng sợ ở một mình: Hội chứng sợ ma ở trẻ thường khiến con  không dám ở một mình và bắt buộc phải luôn có người khác bên cạnh để cảm thấy an toàn và thoải mái hơn.
  • Chứng sợ bóng tối: Sợ ma đặc biệt vào ban đêm thì khả năng cao bé cũng sợ cả bóng tối, những không gian tối…
  • Chứng sợ những thứ đã chết: Bố mẹ đừng nghĩ con còn quá nhỏ để biết được người thân chết nhé! Bởi vì nếu là người thân yêu của con thì rất có thể con sinh tâm lý hoảng loạn, sợ những người, những thứ đã chết.
  • Chứng sợ Halloween: Trẻ nhỏ cực kỳ thích ngày này nhưng với những bé mắc hội chứng sợ ma ở trẻ thì không hề thích chút nào. Trẻ có nguy cơ cao bị các bạn trêu ghẹo hoặc tẩy chay vì nỗi sợ này.

Vượt qua hội chứng sợ ma ở trẻ, bố mẹ có thể làm gì?

Mặc dù khi tới tuổi vị thành niên thì hội chứng sợ ma ở trẻ này cũng biến mất, nhưng nếu quá kinh hãi khi con nhỏ cũng có thể sinh ra những ám ảnh kinh niên và gây suy nhược cơ thể. Do đó, bố mẹ nên quan tâm tới những nét tâm lý này của con.

dạy dỗ con cái

Tìm hiểu nguyên nhân của nỗi sợ hãi

Như đã nói ở trên, trẻ nhỏ có trí tưởng tượng vô cùng phong phú và con thường không phân biệt được đâu là thực tế với đâu là trong thế giới do con xây dựng nên. Do đó, sự hoảng sợ, lo lắng có thể bắt nguồn từ những thứ kỳ lạ cứ lởn vởn trong trí óc bé nhỏ này. Trẻ em ở từng độ tuổi sẽ có nỗi sợ khác nhau nên không có biện pháp nào là tốt nhất hay hiệu quả nhất. Bố mẹ nên tùy vào từng giai đoạn nhất định và khả năng vượt qua nỗi sợ của con để tìm ra biện pháp tốt nhất để con có thể xua tan hội chứng sợ ma ám ảnh tâm lý của bé.

Tâm sự với con

Hãy để con nói về nỗi sợ hãi, lo lắng của mình rằng sợ điều gì, lý do tại sao, cảm giác như thế nào. Sau đó bố mẹ có thể kể cho con nghe về những nỗi sợ bạn từng gặp phải khi còn nhỏ. Điều này sẽ giúp bé cảm thấy tin tưởng và dễ đồng cảm hơn.

Đừng ngó lơ khi con sợ

Khi bé tỏ ra sợ hãi với những thứ mà bố mẹ nghĩ rằng chẳng có gì nghiêm trọng thì cũng đừng nên thờ ơ. Thay vào đó, bố mẹ nên nói chuyện và để bé giải thích. Thêm vào đó, đừng cười nhạo, trêu chọc con vì nỗi sợ không vơi bớt mà còn khiến lòng tự trọng của bé vô tình bị tổn thương, thậm chí sinh ra những cảm xúc tiêu cực khi lớn lên.

Đưa ra những lời khuyên đúng đắn

Khi trẻ mắc hội chứng sợ ma, tâm lý của con thường khó ổn định như bình thường. Vì thế, thay vì quát nạt khi bé tỏ ra rụt rè, lo lắng chẳng hạn như “lớn rồi còn sợ” hay “có gì đâu mà sợ” thì bố mẹ nên nói với con đó là chuyện hết sức bình thường. Việc kìm nén không cho con bộc lộ cảm xúc có thể khiến trẻ tin rằng sợ hãi, lo lắng là sai lầm cần phải giấu giếm, không chia sẻ với ai.

trẻ sợ ma

Đừng ép trẻ đối mặt trực tiếp với nỗi sợ

“Lấy độc trị độc” không phải là cách nên làm nếu trẻ chưa sẵn sàng tâm lý cho chuyện đối mặt này. Đừng bắt bé phải ra ngoài tối một mình, đi lấy đồ vật trong đêm hoặc tự đi vệ sinh buổi tối một mình…Điều này chỉ khiến nỗi sợ của bé ra tăng nhanh chóng. Vậy nên, hãy cho bé thời gian thích ứng dần dần và luôn bên cạnh ủng hộ con.

Không cho con xem những nhân vật đáng sợ

Trẻ nhỏ thường dễ nhầm lẫn giữa thực tế và tưởng tượng. Do đó, trước khi bé có thể nhận biết được sự khác nhau này thì bố mẹ không nên cho bé xem sách báo hay tivi có hình ảnh đáng sợ vì bé có thể mơ hoặc nghĩ ra bởi điều này làm tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ ma ở trẻ. Thêm vào đó, bố mẹ có thể giúp bé hiểu được sự khác nhau giữa phim ảnh, sách báo với thực tế bằng cách giải thích quá trình làm phim cũng như các thể loại hoạt hình trên tivi.

Đi “bắt quái vật” cùng con

Bạn có biết, những đứa trẻ mắc hội chứng sợ ma thường bị ám ảnh với mọi thứ xung quanh mình? Với những nơi như phòng ngủ, gầm giường, tủ đồ… nếu con thường xuyên nói có ma hoặc sợ hãi ở đâu đó thì bố mẹ hãy dắt con đi lòng vòng quanh đó. Nhẹ nhàng cùng con khám phá mọi ngóc ngách, âm thanh và thảo luận, tìm hiểu về những thứ con sợ hãi, lo lắng so với những thứ trước mặt.

Nói đùa về những nỗi sợ

Để bé tự miêu tả về những con quái vật đang làm phiền con, sau đó bố mẹ có thể hóa chúng thành những chi tiết gây cười là cách giúp bạn giúp con khi biết con mắc hội chứng sợ ma ở trẻ em. Ví dụ như hãy nói với con rằng có thể con quái vật đang đi tìm nhà vệ sinh. Tuyệt đối không dọa con rằng con quái vật sẽ bắt con nếu con không ngoan vì làm thế chỉ khiến con lo lắng, sợ hãi hơn. Thêm nữa, bố mẹ có thể vạch một hàng rào quanh giường trẻ và nói rằng ma không thể nào vượt qua được hàng rào đó.

trẻ em sợ ma

Nhắc con rằng, bạn luôn bên cạnh bé giúp cải thiện hội chứng sợ ma ở trẻ nhỏ

Hãy luôn chắc chắn là con hiểu rằng bố mẹ luôn ủng hộ và bảo vệ con trong mọi trường hợp. Cảm giác có bố mẹ bên cạnh, trẻ sẽ thấy yên tâm hơn cho dù sự bảo vệ đó chủ yếu mang tính tinh thần.

Hội chứng sợ ma ở trẻ nhỏ có thể xuất phát từ nhiều lý do khách quan hoặc chủ quan, nhưng chủ yếu là do trí tưởng tượng “bay cao bay xa” ở bé. Do đó, bố mẹ không cần quá hốt hoảng đi tìm tới các nghi thức tôn giáo, mà thay vào đó kiên nhẫn để dạy dỗ và cùng con vượt qua nỗi lo lắng này nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.