Nếu bạn đã từng đọc đâu đó về hội chứng “dì ghẻ“, bạn có thể lầm tưởng nó với Hội chứng Cinderella. Nếu như hội chứng “dì ghẻ” được cho là trạng thái tâm lý ghen ghét, kì thị, tị nạnh con riêng của chồng vì không chung huyết thống, thì Cinderella lại hoàn toàn không liên quan đến những suy nghĩ tiêu cực được áp đặt trên con trẻ một cách tàn độc. Một người phụ nữ được chuẩn đoán là mắc phải hội chứng này bởi họ có xu hướng mong chờ, dựa dẫm vào sức mạnh của “hoàng tử” – chồng hoặc người yêu của mình.
Cinderalla có phải một hội chứng tâm lý đáng sợ?
Hội chứng Cinderella, hay chứng rối loạn tâm lý Cinderella, là tình trạng một người phụ nữ sợ hãi sự độc lập và luôn thầm mong một “hiệp sĩ” ở bên và chăm sóc cho mình. Nguồn gốc của thuật ngữ “Cinderella complex” được xuất phát từ một cuốn tiểu thuyết bí ẩn về một vụ án giết người.
Trong cuốn sách The Cinderella Complex: Women’s Hidden Fear of Independence, xuất bản năm 1981, tác giả Dowling đã đưa ra giả thuyết rằng phụ nữ ngày xưa, do bị ảnh hưởng bởi quan niệm, phong tục truyền thống nên dần hình thành ý nghĩ phụ thuộc vào người khác – đặc biệt là nam giới – vì sự an toàn và về mặt tinh thần và thể chất của họ. Dowling đã sử dụng hình ảnh nhân vật trong truyện cổ tích Cinderella, cô gái đã chịu nhiều ngược đãi từ người mẹ kế, nhưng cuối cùng được cứu và chăm sóc bởi một chàng hoàng tử quyến rũ điển trai. Người phụ nữ mắc phải hội chứng Cinderella sẽ làm mọi điều để giữ chân người đàn ông mà họ nghĩ rằng có thể bảo vệ mình.
Chính tác giả Dowling cũng là người trải qua thời gian mắc Hội chứng Cinderella. Cô quyết định chuyển đến sống với một người đàn ông sau khi cô sống độc lập được vài năm. Tác giả tâm sự “Khoảnh khắc có cơ hội được dựa vào ai đó, tôi đã ngừng tiến về phía trước – và lúc đó cũng chính khoảng thời gian tôi đánh mất chính mình, rồi dần chìm vào bế tắc. Tôi không còn tự mình đưa ra quyết định, cũng hiếm khi đi đâu một mình, hay hiếm khi đi thăm bạn bè. Một mặt tôi cảm thấy sung sướng vì không phải bận tâm lo lắng về công việc và mọi thứ bộn bề ngoài kia, tôi dần yêu thích việc nấu ăn, đi chợ, dọn dẹp, chăm nom vườn tược nhà cửa. Một mặt khác tôi cảm giác mình đã đánh mất con người sôi nổi, năng động, trẻ trung của mình ngày trước…Tuy vậy tôi không thể tách mình ra khỏi sự bảo bọc của người đàn ông mình đã lấy làm chồng.”
Dấu hiệu của một người mắc Hội chứng Cinderella
Ngay cả những phụ nữ có vẻ độc lập cũng có thể gặp phải các dấu hiệu của Hội chứng Cinderella. Mặc dù không có danh sách đầy đủ các triệu chứng hội chứng này được các nhà nghiên cứu chỉ ra, nhưng một phụ nữ mắc chứng tâm lý phức tạp này có thể cảm thấy:
- Lo lắng khi sống một mình
- Khó khăn hoặc không thể tự mình đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc đời
- Gặp khó khăn trong việc thấu hiểu bản thân
- Thích thực hiện vai trò truyền thống của người nội trợ và người mẹ đến mức “bỏ rơi” những hoạt động lành mạnh ngoài xã hội
- Hiếm khi hoặc không bao giờ hoạt động bên ngoài vùng không gian quen thuộc
- Bí mật hoặc công khai bày tỏ mong muốn được chăm sóc mạnh mẽ
Như vậy những người này thường có xu hướng yêu thích công việc nội trợ và làm mọi việc để giữ chân người chồng, người yêu và để được chìm đắm trong vòng tay ấm áp, chở che của đối phương.
Người phụ nữ mạnh mẽ có mắc Hội chứng Cinderella?
Trong xã hội ngày nay, những người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ và bản lĩnh chưa hẳn rằng sẽ không mang Hội chứng tâm lý như Cinderella. Có thể người phụ nữ ấy không trải qua những vết thương tâm lý từ gia đình để sau này cần một sự bù đắp từ bờ vai vững chãi của một người đàn ông. Mà trong quá trình sinh sống, mưu sinh, bươn chải và khẳng định giá trị của chính mình, người phụ nữ mạnh mẽ đã tạm phải khoác lên mình một cái đầu lạnh, một chiếc vỏ bọc của sự kiên cường. Đến một lúc nào đó, họ chợt nhìn lại và cảm nhận bản thân đang dần trở nên khô cằn, hay nói cách khác không còn nhận thấy sự nữ tính vốn có bên trong. Tuy một người phụ nữ thành đạt sẽ khó lòng nào rời bỏ tham vọng công việc, nhưng cũng vì trong nhiều khoảnh khắc thiếu thốn sự yêu thương và chăm sóc từ người khác mà cũng sẽ có xu hướng muốn dựa dẫm vào một người đàn ông.
Khác với kiểu phụ nữ truyền thống trong câu chuyện cô bé Lọ Lem là bị động chờ nhận được tình cảm, những người phụ nữ mạnh mẽ và thành công trong cuộc sống sẽ là những người cho đi. Điều này tốt trong cuộc sống kinh doanh và nghề nghiệp. Nhưng đối với chuyện tình cảm thì lại khác, sự kỳ vọng và yêu cầu được quan tâm của họ quá lớn đến mức không có mối quan hệ nào có thể duy trì lâu dài, và kết quả là họ có nhiều cuộc tình hoặc hôn nhân không hạnh phúc.
Để tránh những cảm giác đau đớn trong tình cảm, một số phụ nữ có nhiều tham vọng trong sự nghiệp cố gắng đảm nhận nhiều công việc nhà hơn bất kỳ người đàn ông có sự nghiệp nào. Nỗ lực điên cuồng để trở thành bà nội trợ và siêu nhân xuất phát từ nhu cầu chứng minh nữ tính của một người phụ nữ tham vọng được công nhận bởi những đóng góp của mình.
Lời kết
Suy cho cùng, lý do khiến những người phụ nữ không có can đảm tự đứng trên đôi chân của mình đó là bởi vì họ đã trải qua một tuổi thơ bất hạnh, không cảm nhận sâu sắc được tình cảm gia đình chuẩn mực. Người mẹ kế, hoặc người cha dượng đã không mang đến một hình tượng đẹp trong tâm trí của những nàng Cinderella để lại những chấn thương tâm lý và nó không thể nào vơi đi và đế khi trưởng thành thì lại mong mỏi có được sự chăm sóc, che chở, bảo vệ từ một nửa mà mình yêu thương.
Để vượt qua Hội chứng Cinderella, người phụ nữ sẽ cần bắt đầu nhìn vào sự tổn thương ẩn chứa bên trong, chấp nhận những gì đã trải qua và để nó ở lại quá khứ. Sau đó xây dựng niềm tin ở chính bản thân mình. Chỉ bằng cách khám phá sâu thẳm tâm hồn mình, tìm cách sửa chữa nó và xây dựng lại hệ tư duy mới thì sự tự tin của họ mới dần quay trở lại để tự chủ về mặt tình cảm và cuộc sống.