Mẹ&Con – Mỗi người đều có một hoặc một vài thú vui nhất định. Thú vui nghe nhạc, thú vui xem phim kinh dị, thú vui chụp ảnh, thú vui ngồi cà phê sáng chủ nhật, thú vui sưu tầm đồ cổ… Đủ cả!

Ngày còn độc thân, chuyện “nuôi” một thú vui thật dễ dàng. Nhưng đến khi lập gia đình, có không ít đôi vợ chồng nổi khùng lên với nhau chỉ vì không tìm được sự đồng cảm ở những thú vui. Và khi đó, thú vui không còn là chuyện nhỏ!

Suýt li hôn vì chịu không nổi “thú vui” của chồng!

Anh Đức và chị Lan Anh cưới nhau ở cái tuổi cả hai đã khá “chín muồi”: chồng 32 và vợ 29 tuổi. Thế nhưng, chỉ 5 tháng sau ngày cưới, khi vợ vừa cấn thai chưa đến 3 tuần, hai vợ chồng đã ầm ầm kéo nhau về thưa với bố mẹ hai bên về dự tính… li hôn! Tá hỏa, mọi người xúm lại khuyên can, tìm hiểu nguyên nhân. Thì đây, nguyên nhân đơn giản như… đang giỡn!

“Anh ấy mê game online. Với anh ấy, đó là thứ… thú vui không thể bỏ, không thể thiếu mỗi ngày. Đi làm về, ăn uống tắm rửa xong, 9 giờ tối là anh ấy lên ngồi luyện game đến 1 giờ sáng. Một ngày hai ngày không sao, nhưng 5 tháng rồi mọi thứ vẫn như vậy, mặc cho tôi cằn nhằn, mặc cho tôi áp dụng đủ chiêu từ ngọt ngào đến cứng rắn. Thử hỏi vậy ai mà chịu nổi. Tôi gọi thú vui đó của anh là thú vui… bệnh hoạn. Anh liền nhảy dựng lên bảo tôi biết gì mà nói. Rồi anh thiết lập cả một… khu vực chơi game, cấm tôi vào. Anh xem căn phòng ấy và khoảng thời gian ấy trong ngày là không gian, thời gian tự do sống-cùng-niềm-vui-thú!”, chị Lan Anh bực tức.

Không đến nỗi trầm trọng như chuyện vợ chồng anh Đức, chị Lan Anh, nhưng suốt 6 năm qua, anh Thông – chị Quý An (Quận 6) cũng hục hặc triền miên chỉ vì chuyện… chồng không chịu nổi cải lương, còn vợ thì mê cải lương khỏi nói, nấu cơm, tắm con gì chị cũng mở văng vẳng những đĩa cải lương. Anh Thông thở dài: “Thật ra tôi biết cái thú vui này của cô ấy từ ngày còn là sinh viên với nhau. Nhưng hồi đó cả tuần mới gặp được 1-2 lần, thỉnh thoảng ghé qua phòng ký túc xá, thấy cô ấy mở cải lương, tôi cũng chỉ cho là chuyện nhỏ. Mỗi người đều có thú vui và tôi rất tôn trọng điều ấy dù hoàn toàn không nghe được cải lương. Thế nhưng, đến khi về chung sống dưới một mái nhà, tôi mới thấy có những chuyện tưởng chẳng là gì mà cuối cùng thành… nguyên nhân gây mệt mỏi”.

Tivi ở nhà, anh đã phải mua hai cái vì vợ chồng chuyên xảy ra chuyện một bên mở cải lương, bên kia thì… nổi khùng lên vì xem không nổi. Anh phản ứng bằng cách hễ vợ mở cải lương là anh bỏ qua phòng khác, đóng cửa xem phim hoặc đá banh. Cứ thế, sống chung dưới một mái nhà mà anh chị cứ vài bữa lại hục hặc nhau. Vợ mở, chồng tắt. Vợ một phòng, chồng một phòng. Chuyện không lớn, nhưng nó cũng không hề nhỏ khi cứ gây nên cảm giác “chịu đựng” mơ hồ dưới mái gia đình.

Với những người hơi “cá tính” một chút, chuyện thú vui trái ngược càng gây nên khó khăn hơn. Như anh Tùng Quang, thú vui lớn nhất và “mạnh mẽ” nhất của anh là… sưu tầm hộp quẹt Zippo. Thu nhập không cao, nhưng anh sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc để mang về một “em” Zippo để… nâng niu. Vợ anh lại hoàn toàn không hiểu, cũng không có chút đồng cảm nào với thú vui theo chị là “quái đản” này. Chị phát khùng khi thấy chồng đưa tiền chợ tháng có tháng không, nhà cửa tuềnh toàng ở thuê, trong khi chồng quyết tâm không bán dù chỉ một chiếc Zippo trong bộ sưu tập, và dành dụm được bao nhiêu tiền là đổ dồn vào, nghe ở đâu xa có chiếc hộp quẹt lạ cũng bỏ hết công việc đến tìm, ráng mua về cho bằng được.

“Học” mê thứ… bạn đời của mình mê!

Nghe có vẻ “hài hước”, nhưng theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh, đây lại là một kỹ năng quan trọng. Vợ chồng chung sống dưới một mái nhà, tình yêu không thể là mối dây duy nhất liên kết vì theo tháng năm, tình yêu có thể sẽ dần nhạt phai đi. Điều còn lại lúc này tạo nên không khí thoải mái và gắn kết chính là cảm giác “hợp” nhau, cảm giác thấu hiểu, chia sẻ được hoặc chí ít là tôn trọng, dung hòa được ở mức tương đối những sở thích, cá tính, nếp sống của nhau.

Chiu dung thu vui

(Ảnh minh họa)

“Nếu bạn và người bạn đời của mình có những thú vui chung, niềm đam mê, sở thích chung về một lĩnh vực bất kỳ nào đó, đây sẽ là lợi thế bất ngờ cho mối quan hệ vợ chồng. Bởi lẽ, bạn sẽ dễ dàng hiểu và cảm thông được với những điều anh ấy / cô ấy thích. Thậm chí khi cùng nhau bàn bạc, cùng nhau chia sẻ những thú vui, bạn còn nhận ra tình cảm của mình càng lúc càng nồng mặn hơn. Tuy nhiên, không phải đôi vợ chồng nào cũng may mắn được như thế…”, chuyên gia tâm lý Minh Hạnh nhắn nhủ.

Chồng thích thứ A, vợ thích thứ B. Chồng đam mê một thú vui mà vợ cho là quá tốn kém, là vô bổ, là không thực tế… thì rạn nứt sẽ vô tình nảy sinh, theo cảm giác “chịu đựng” lẫn nhau. Thông thường, phụ nữ sau khi lập gia đình hay có những nếp nghĩ, những lo toan vô cùng “đời thường”: Hôm nay đi chợ hết bao nhiêu, tiền điện nước tháng này đóng chưa, con cái sẽ phải ăn uống, học hành thế nào… Trong khi đó, không ít đức lang quân vẫn xem gia đình chỉ như một phần trong đời, một phần khác – họ xem trọng không kém, chính là những sở thích, thú vui, đam mê từ thời còn độc thân!

Bắt chồng từ bỏ hẳn những thú vui không khác nào “cực hình” với anh ấy. Cảm thấy vợ “lằng nhằng”, toàn nhắc chuyện cơm áo gạo tiền, nhiều anh đâm… bực, thấy bức bối như bị tước đoạt “quyền tự do”. Nên làm thế nào trong hoàn cảnh này? Chuyên gia tâm lý Minh Hạnh đưa ra lời khuyên: “Một trong những cách hữu hiệu chính là học cách dung hòa, thậm chí cố gắng hiểu cho được thú vui từ người bạn đời của mình. Trừ khi đó là một thú vui gây hại, còn lại bạn có thể thử dẹp bỏ những thành kiến trong lòng, thử tìm hiểu xem sao. Một khi đã hiểu, bạn sẽ dễ dàng cùng chồng cân nhắc, điều chỉnh lại, sao cho thú vui ấy vẫn có đất tồn tại, nhưng phù hợp với nếp sống thực tế, hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình…”.

Như câu chuyện của anh Trọng – chị Yến Linh (Quận 9). Anh mê nuôi chim kiểng, chị lại rất khó chịu với chuyện “tốn tiền vô ích” này. Thế nhưng, sau những lời khuyên nhủ, phân tích của người thân, bạn bè, thay vì suốt ngày làm ầm lên với chồng chuyện anh tốn tiền vào chim kiểng ra sao, chị nhẫn nại cùng với anh chăm sóc, tìm hiểu về từng giống chim kiểng anh nuôi.

“Tự nhiên riết rồi cũng thấy hay hay, vui vui. Thấy mình chịu quan tâm, chịu chia sẻ một cách đầy tôn trọng với chồng những thú vui, ảnh cũng bớt… bướng, bớt kiểu tự ái cùn, chịu nghe lời tôi thủ thỉ rằng chỉ dành khoản tiền hợp lý, vừa phải vào những thú vui thôi. Rốt cuộc, ai cũng có những đam mê, sở thích nhất định. Đã không thể bắt họ bỏ, thì quan trọng là tập cách… sống chung với lũ. Đôi khi, tôi cũng tự an ủi mình: Thú vui của chồng cũng chẳng hại gì, thà để ảnh nuôi một thú vui lành mạnh và thoải mái chia sẻ với vợ con còn hơn vợ chồng cứ hục hặc nhau suốt ngày chỉ vì những chuyện nhỏ xíu xiu như thế!”, chị Yến Linh cười, tự rút ra cho mình những điều “chiêm nghiệm”.

Tags:

Bài viết liên quan