Hỏi: Con tôi được 13 tháng tuổi nhưng vẫn chưa biết nói. Trước đây khi nấu cháo cho con, tôi thường nêm bột ngọt, có phải điều này làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu?
Hạnh Thu (Bình Dương)
Không ít gia đình vẫn dùng bột ngọt làm gia vị thường xuyên. Một số người ăn bột ngọt có thể gặp các triệu chứng sau: cảm giác nóng sau cổ, cánh tay hay sau ngực, đau ngực, nhức đầu, nôn ói, tim đập nhanh, chóng mặt, ác mộng và co thắt phế quản ở người bị bệnh suyển. Tuy nhiên, nó có hại đến tế bào não trên người không thì chưa được chứng minh. Mặt khác, có rất nhiều thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày cũng có chứa glutamte giống bột ngọt như nước tương, cà chua, đậu, bắp, sữa, trứng, thịt gà, thịt bò… Vì vậy, việc sử dụng bột ngọt là tùy thuộc vào từng gia đình và mỗi thành viên, nếu cần bạn có thể giảm bớt lượng bột ngọt sử dụng hoặc ngưng không dùng nữa.
Thông thường các bé khoảng 12 tháng tuổi là bắt đầu biết nói bập bẹ từng từ nhưng có những cháu đến 16-18 tháng tuổi mới biết đi, biết nói. Tuy có chậm hơn một chút nhưng vẫn nằm trong giới hạn bình thường do đó bạn đừng quá lo lắng và nên dành nhiều thời gian nói chuyện với cháu.
ThS. BS. Lê Nguyễn Thanh Nhàn (BV Nhi Đồng 1)
Hỏi: Thỉnh thoảng, con tôi thường hay bị chảy máu cam vô cớ (chỉ dụi mũi thôi đã bị rồi), tôi lo không biết cháu có bị chứng bệnh gì không?
Kim Thành (Q.1)
Chảy máu mũi là triệu chứng của nhiều bệnh, ở trẻ, triệu chứng này thường là chảy máu mũi vô căn. Đây là nguyên nhân thường gặp và lành tính nhất, tuy nhiên bệnh hay lặp đi lặp lại do vậy thường làm các bậc phụ huynh lo lắng. Ngoài ra cũng có một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như dị vật mũi, viêm mũi xoang, một số bệnh lý huyết học (suy tủy, thiếu các yếu tố đông máu), các loại u và một số bệnh lý dị dạng mạch máu mũi, suy dinh dưỡng…
Khi bé bị chảy máu mũi, bạn nên xác định bên chảy máu để cầm máu. Đa số là chảy máu mũi vô căn do vỡ điểm mạch mũi trước nên bạn chỉ cần cho bé nằm nghỉ và dùng ngón tay trỏ đè cánh mũi vào vách ngăn trong 10 phút điểm mạch sẽ tự ngưng chảy máu. Tuyệt đối dặn dò kỹ không cho bé nuốt máu vào bụng vì sẽ gây nôn ói làm nặng thêm tình trạng của bệnh. Nếu sau 10 phút máu vẫn còn chảy, bạn nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
BS Nguyễn Trương Khương (BV Nhi Đồng 1)
Hỏi: Tôi nghe nói thời điểm này các bé đang bị bệnh trái rạ nhiều lắm, sao “phòng” mà vẫn cứ “bị”. Bé của tôi chưa bị trái rạ, có thể phòng cho bé được không?
Ngọc Nhã (Tiền Giang)
Thông thường, trái rạ là bệnh lành tính, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm cho bé như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Nhiễm trùng nốt rạ còn có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da.
Tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể được chủ động phòng tránh bằng cách tiêm ngừa vắc xin. Vắc xin trái rạ được khuyên dùng cho bé từ 12 tháng tuổi trở đi và cho tất cả những ai chưa từng bị trái rạ. Bạn nên tiêm ngừa sớm cho bé chứ không nên đợi xảy ra dịch rồi mới đi tiêm ngừa.
BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn (Viện Pasteur TPHCM)