Mẹ&Con – Nghĩ thận chỉ là bệnh của người lớn, nhiều bà mẹ lơ là với việc kiểm tra, theo dõi, chăm sóc thận cho con…

Nhưng nếu như bạn dành ra thử một ngày, ghé qua các bệnh viện Nhi, dừng lại ở khoa thận, sẽ sững sờ khi biết tỷ lệ trẻ mắc bệnh thận, phải điều trị tại bệnh viện hoặc phải theo dõi và tái khám không hề nhỏ!

bệnh thận ở trẻ em

(Ảnh minh hoạ)

Trẻ cũng mắc bệnh thận?

Đúng thế! Tạo hóa cho con người đến hai quả thận (trong khi thực tế chỉ cần một quả thận hoạt động bình thường là có thể vẫn đảm bảo về sức khỏe). Song, điều đó không có nghĩa là bạn được chủ quan nó “dư xài”, chẳng cần để tâm. Tỷ lệ bệnh thận ở trẻ em những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Trẻ có thể mắc bệnh thận từ khi còn trong bụng mẹ, bị bẩm sinh khi mới chào đời, hoặc sinh ra bình thường nhưng sau đó lại mắc bệnh thận ở độ tuổi còn rất nhỏ.

Với bệnh bẩm sinh, thường là trẻ bị dị dạng đường tiểu, hẹp van niệu đạo, tiểu rỉ, tiểu không thành vòi… Với bệnh thận mắc sau khi trẻ đã được sinh ra, trong quá trình lớn lên thì thường là viêm cầu thận cấp. Có những bệnh, chỉ cần được phát hiện kịp thời, cho uống thuốc là khỏi hẳn. Có những bệnh cần phải phẫu thuật mới hết. Nhưng cũng có những bệnh về thận sẽ làm bé hỏng cả hai quả thận hoàn toàn, phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận mới mong trở về cuộc sống bình thường được.

Câu hỏi đầu tiên đặt ra cho mẹ là làm sao để theo dõi được thận của con có bình thường không? Khi nào cần phải quan tâm và đưa bé đến bác sĩ ngay? Hãy luôn ghi nhớ những kiến thức này, bạn không được lơ là hoặc bỏ qua nếu như thấy con xuất hiện các dấu hiệu như phù, tiểu ít, tiểu ra màu đỏ, trẻ bị nhức đầu thường xuyên, trẻ bảo với bạn rằng khi tiểu cảm giác đau, nước tiểu đục.

Bạn lưu ý đặc biệt với dấu hiệu phù. Chỉ cần thấy con khi ngủ dậy mắt hơi sưng, tay chân và bụng có dấu hiệu sưng phù thì phải đưa bé đi kiểm tra ngay. Cũng nên nhắc nhở con uống nhiều nước, uống nước thường xuyên và thỉnh thoảng phải để mắt đến màu nước tiểu của trẻ (màu nước tiểu vàng sậm nghĩa là bé uống không đủ nước). Trường hợp chỉ cần nước tiểu đổi màu bất thường, nhất là đổi sang màu giống như đỏ, bạn phải lưu ý ngay.

Có một dấu hiệu vừa nhắc ở trên có vẻ không liên quan (nhưng kỳ thực rất liên quan!) đến thận. Đó là việc trẻ thường xuyên cho biết bị nhức đầu. Trong trường hợp này, bạn phải nghĩ đến chuyện trẻ có bị tăng huyết áp không, có liên quan đến vấn đề về thận không chứ không thể chỉ nghĩ rằng do con học hành căng thẳng và… cho qua luôn được!

Với bệnh thận, biết càng sớm, điều trị càng kịp thời càng tránh được những biến chứng. Vì thế, ngoài việc đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi thấy các dấu hiệu bất thường kể trên, khoảng 6 tháng một lần, bạn nên cho con thực hiện một số xét nghiệm tổng quát như thử nước tiểu, thử máu, siêu âm… để đảm bảo rằng mọi chỉ số liên quan đến chức năng thận vẫn bình thường và trẻ có hai trái thận khoẻ.

Câu hỏi thứ hai đặt ra là: Nên làm gì khi con có kết quả xét nghiệm không tốt, hoặc được xác định là mắc bệnh thận? Không như một số bệnh khác, có những bệnh liên quan đến thận xếp vào nhóm bệnh mạn tính, nghĩa là trẻ cần được điều trị và theo dõi tái khám thường xuyên. Trong trường hợp này, bạn phải thật kiên trì và tuân thủ đầy đủ theo mọi hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý ngừng tái khám, tự ý cho trẻ uống thuốc nam thuốc bắc, hay ngưng thuốc.

Một chuyện khác cần lưu ý là trẻ mắc bệnh thận cần có chế độ ăn càng lạt (ít muối) càng tốt. Bạn nên nhớ kỹ chuyện này để từ lúc con còn nhỏ đã nên tập cách nêm nếm thật lạt cho con, giúp trẻ quen với khẩu vị này. Nêm nếm theo miệng của người lớn vừa ăn thì với trẻ em đã cực kỳ mặn. Không chỉ phải để ý đến chuyện hạn chế mắm muối trong bữa cơm bình thường mà ngay cả các món ăn vặt như bánh snack chẳng hạn cũng cần để ý, vì thực tế bánh snack có lượng muối rất cao.

Đừng để đến khi quá muộn!

Thận có khả năng hoạt động bù trừ nên phải sau một thời gian tổn thương kéo dài, điều trị không đúng cách mới dẫn tới suy thận mạn. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu bất thường về thận, bạn cần phát hiện sớm, điều trị tích cực, tuân thủ tốt y lệnh của bác sĩ để tránh cho con kết cục đáng tiếc.

Ngăn ngừa cho con thế nào?

Như đã nói, những bệnh thận thường gặp nhất ở trẻ em là nhiễm trùng đường tiểu, viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư. Ngoài những bệnh mang tính bẩm sinh thì bạn vẫn có thể có một số cách thức để ngăn ngừa cho con, chăm sóc thận cho con tốt nhất. Chuyện đầu tiên bạn có thể làm là cho trẻ uống nhiều nước. Nhiều bé mê chơi, đến khi thật khát mới chịu uống nước. Bạn nên để ý điều này để cho con uống đủ lượng nước cần thiết.

Các bệnh thận thường gặp ở trẻ em là viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, nhiễm trùng đường tiểu. Kế đến, nhắc nhở con chuyện không được nhịn tiểu, phải đi tiểu khi có cảm giác “buồn tiểu”. Nhiều bé đi học, do ở trường nhà vệ sinh quá dơ, bé sợ nên không chịu uống nước hoặc nhịn tiểu. Có khi cả buổi học ở trường cũng không hề đi tiểu. Nhiều ngày như thế có thể dẫn đến những bệnh lý về tiết niệu hoặc về thận.

Về chế độ ăn uống, như đã nhắc ở phần trên, cần cho trẻ ăn càng lạt càng tốt. Bạn đặc biệt lưu ý trong trường hợp con có dấu hiệu béo phì. Vì béo phì sẽ dễ đưa đến cao huyết áp và sẽ ảnh hưởng đến thận của trẻ về sau. Đừng cho con ăn các loại thức ăn nhanh, gà rán, bánh pizza, khoai tây chiên… vì các loại thức ăn này đều dễ gây béo phì và thường có hàm lượng muối rất cao tạo cảm giác ngon miệng, rất nguy hại cho thận của bé.

Một nhắc nhở quan trọng khác là bạn cần giữ vệ sinh cho con, vì một số bệnh ngoài da như ghẻ hay viêm họng có thể dẫn đến viêm thận. Cũng không được tự ý cho con uống các loại thuốc nam, thuốc bắc của các thầy “lang vườn” vì những loại lá thuốc không rõ nguồn gốc này có thể ảnh hưởng đến thận của bé như chơi. Nhiều bà mẹ thấy con còi cọc cũng bốc thuốc cho uống, thấy con tiểu dầm hay mắc một số bệnh thông thường cũng bốc thuốc cho uống. Chẳng những không khỏi mà còn có thể ảnh hưởng đến hai quả thận của con.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành

Chú ý hội chứng thận hư

– Hội chứng thận hư có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ từ 2-5 tuổi và bé trai dễ mắc phải hơn bé gái (cao gấp 2 lần bé gái).

– Cho đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng gây ra hội chứng thận hư. Do đó, bạn cần chú ý đến triệu chứng lâm sàng. Nếu bất ngờ thấy bé tiểu ít, tăng cân nhanh, phù ở tay, chân, mi mắt… cần đưa trẻ đến ngay bác sĩ để chẩn đoán, kiểm tra.

– Việc điều trị hội chứng thận hư cần thực hiện triệt để, tích cực sau khi được chẩn đoán. Mẹ không được tự ý cho trẻ ngưng thuốc hoặc ngưng điều trị, rất nguy hiểm cho con. Thông thường trẻ sẽ hết phù và hết tiểu đạm trong vòng một tháng.

– Nếu điều trị kịp thời, trẻ bị hội chứng thận hư sẽ khỏe mạnh trở lại và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, lưu ý là khoảng 80% sẽ bị tái phát. Vì vậy, việc tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng của con là việc cần làm nghiêm túc.

> Mách mẹ cách phòng ngừa muỗi đốt, bảo vệ con khỏi virus lây bệnh nguy hiểm

Tags:

Bài viết liên quan