Mẹ&Con – Nghe đến hiện tượng thiếu máu sinh lý ở trẻ sơ sinh, phụ huynh đừng vội hốt hoảng, lo lắng bởi nguyên nhân nằm ở hai chữ “sinh lý”, nghĩa là ở sự phát triển tự nhiên của cơ thể bé.
Thiếu máu sinh lý là gì và nguyên nhân gây ra?
Thiếu máu là tình trạng có ít số lượng hồng cầu hay ít số lượng hemoglobin (Hb) hơn bình thường trong máu. Hemoglobin là một loại protein có chứa sắt trong hồng cầu có chức năng vận chuyển oxy tới các mô.
Hiện tượng thiếu máu xảy ra khi số lượng hemoglobin trong máu quá thấp, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không cung cấp đủ oxy cho cơ thể dẫn tới tình trạng da xanh tái, mệt mỏi và cảm giác kiệt sức.
Có 2 nguyên nhân chính gây ra hiện tượng thiếu máu sinh lý ở trẻ là:
• Do sự thay đổi của cơ quan tạo máu
Trong thời kỳ bào thai, gan lách là cơ quan tạo máu chủ yếu. Chúng sẽ được thay thế bằng tủy xương khi trẻ chào đời. Tủy xương có chứa các tế bào chuyên biệt tạo ra các tế bào máu. Tuy nhiên, trong giai đoạn lúc mới sinh đến khi bé 3–4 tuần tuổi; tủy xương chỉ có thể sản xuất được rất ít tế bào hồng cầu mới. Điều này khiến số lượng hồng cầu trong máu của bé thấp trong 2 đến 3 tháng đầu đời.
• Do sự chuyển đổi của thức ăn
Nếu xét nghiệm máu ở giai đoạn bé từ 6 tháng tuổi trở lên có thể liên quan đến quá trình chuyển đổi thức ăn. Từ 6 tháng tuổi, trẻ bắt đầu ăn dặm với đa dạng thực phẩm thuộc 4 nhóm đạm, béo, bột, rau. Tuy nhiên, do khả năng tiêu hóa; hấp thu các chất dinh dưỡng chưa hoàn chỉnh nên bé có thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho việc tạo máu. Điển hình như sắt, vitamin C, axit folic.
Các dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị thiếu máu sinh lý
Cũng giống như thiếu máu bệnh lý, các dấu hiệu của thiếu máu sinh lý mà phụ huynh có thể quan sát được như: da xanh xao, lòng bàn tay nhợt, bé khó ngủ, khó tập trung, chơi đùa mau mệt hơn những trẻ khác.
Ngoài ra, tim đập nhanh cũng là một triệu chứng của thiếu máu, bởi vì thiếu máu là do thiếu hồng cầu chuyên chở oxy đến các cơ quan, dẫn đến cơ thể thiếu hụt oxy. Để bù lại sự thiếu hụt ấy, tim đập nhanh lên để đẩy máu đi với tốc độ nhanh hơn.
Những trẻ nào có nguy cơ cao bị thiếu máu sinh lý
• Trẻ sinh non và nhẹ cân từ 2 tháng tuổi trở lên
Lượng tích trữ sắt của trẻ sinh non chỉ kéo dài khoảng 2 tháng sau sinh. Mẹ cần biết điều này càng sớm càng tốt để phối hợp cùng với bác sĩ chuyên khoa chủ động bổ sung sắt cho bé sau đó.
• Những trẻ uống sữa bò trước một tuổi
Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng nếu vì lý do nào đó phải cho trẻ uống sữa bò trước một tuổi là một thiệt thòi. Sữa bò có rất ít chất sắt và gây trở ngại trong việc hấp thu chất sắt của cơ thể. Sữa cũng có thể gây kích ứng niêm mạc ruột của trẻ, gây chảy máu.
• Thức ăn dặm của trẻ không bổ sung chất sắt
Sắt là một nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho quá trình tạo máu trong cơ thể, nhất là đối với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển. Thiếu sắt sẽ gây ra thiếu máu nói chung, trong đó có hiện tượng thiếu máu sinh lý nói riêng, gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống của trẻ.
Hiện tượng thiếu máu sinh lý ở trẻ em có đáng lo?
Điều đáng mừng là thiếu máu sinh lý ở trẻ em không ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Con vẫn ăn, ngủ tốt, vui chơi, phát triển cân nặng; chiều cao bình thường. Nếu được cân bằng dinh dưỡng, tích cực bổ sung dinh dưỡng tốt cho việc tạo máu, tình trạng thiếu máu này sẽ hết khi bé khoảng 2 tuổi. Vậy, dinh dưỡng thế nào sẽ tốt cho trẻ thiếu máu sinh lý?
– Ưu tiên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt như gan, trứng, thịt đỏ, đậu, đỗ, khoai lang và các loại rau xanh đậm. Mẹ nên tự nấu để đảm bảo đủ dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên lạm dụng cháo, bột dinh dưỡng bán sẵn.
– Cho trẻ ăn hoặc uống nước ép của các loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, đu đủ, chuối, để bổ sung vitamin C, hỗ trợ hấp thu chất sắt.
– Tích cực cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn. Mẹ cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và duy trì cho đến khi trẻ được 24 tháng tuổi.
Nếu việc thay đổi dinh dưỡng không có kết quả, bác sĩ có thể cho trẻ uống các chế phẩm có bổ sung chất sắt. Ngoài ra, trẻ cũng cần được theo dõi chặt chẽ để loại trừ thiếu máu bệnh lý, điển hình như thiếu máu huyết tán. Hiện tượng thiếu máu sinh lý không đáng lo như bạn nghĩ.