Hiểm họa khôn lường từ chiếc… giường
Bé gái bị rơi từ trên giường xuống sàn nhà trong lúc ngủ
Dù chỉ ngã từ trên giường có độ cao khoảng 45cm so với sàn nhà, nhưng đã cướp đi tính mạng của một cháu bé ngụ tại Bình Dương. Được biết, bé tên là Bùi Lê Quang D. (1,5 tuổi), đưa vào bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu do chấn thương sọ não quá nặng nên đã tử vong sau đó vài ngày.
Trường hợp khác của một bé gái 6 tháng tuổi cũng bị hôn mê vì ngạt đường thở. Nguyên nhân là do trong lúc ngủ bé bị rơi, phần mũi bị ép vào mép giường và nằm kẹt giữa thanh giường và tường. Rất may là sau 5 ngày hôn mê, bé gái đã tỉnh.
Biểu hiện sau cú ngã, mẹ cần đưa bé đến bệnh viện
Sau khi bé bị ngã, mẹ nên theo dõi sức khỏe của bé ít nhất trong vòng 24 giờ. (Ảnh minh họa).
Khi thấy trẻ bị ngã từ trên giường, ghế cao, võng… mẹ nên chú ý quan sát biểu hiện của con sau khi ngã. Nếu trẻ ngã đập vào đầu hoặc lưng, phụ huynh lập tức đưa bé đến bệnh viện thăm khám kịp thời. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu sau:
– Bất tỉnh, ngừng thở hoặc thở khó khăn, nhịp thở không đều.
– Lỗ tai, lỗ mũi chảy nước trong hoặc chảy máu.
– Bé ngủ nhiều, lơ mơ, không nhanh nhẹn hoặc mẹ khó đánh thức bé dậy.
– Có biểu hiện kém tập trung, không nhìn vào mắt bố mẹ khi được gọi tên.
– Đồng tử hai mắt không đều, nhạy cảm với ánh sáng.
– Màu da chuyển từ hồng sang nhợt nhạt, tím tái.
– Khóc kéo dài hoặc khóc thét nhiều giờ đồng hồ.
– Đi loạng choạng, mất thăng bằng, di chuyển mất phương hướng.
– Nếu trẻ nôn trên 5 lần trong thời gian ngắn hoặc nôn kéo dài hơn 6 giờ, rất có thể cú ngã đã ảnh hưởng đến não của bé.
Nếu trẻ có dấu hiệu nôn mửa hoặc co giật, hãy để trẻ nằm nghiêng và giữ cổ của trẻ được thẳng. Điều này sẽ hạn chế dịch nôn mửa trào ngược vào thực quản làm bít đường thở.
Trường hợp trẻ khóc ngay sau khi ngã, mẹ có thể yên tâm phần nào vì chứng tỏ bé vẫn còn tỉnh táo để phản ứng lại. Ngay lúc này, mẹ hãy nhẹ nhàng ôm lấy bé, bắt đầu vỗ về để bé bớt sợ hãi.
Khi trẻ khóc không quá lâu và tiếp tục ăn ngủ bình thường, có thể cú ngã đã không gây nên những chấn thương nghiêm trọng. Nhưng mẹ vẫn phải quan sát phản ứng của con trong vòng 24 giờ tiếp theo. Đồng thời, hạn chế cho trẻ chơi các trò chơi vận động mạnh để giảm nguy cơ mắc phải các chấn thương nặng.
Để bảo vệ con mình không bị té ngã từ trên cao xuống đất, bố mẹ cần phải:
Khi cho bé ngủ riêng cần chọn giường có thanh chắn hai bên để đảm bảo an toàn. (Ảnh minh họa).
– Giữa mép giường và vách tường không nên có khe hở, mùng màn phải được chèn kín ở 4 góc. Trong lúc ngủ, bố mẹ chú ý tới các vật dụng như chăn, khăn, màn… có thể che mũi dễ khiến bé bị ngạt.
– Không để trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh ngủ một mình mà phải có người lớn trông chừng. Nếu trường hợp phải để bé ngủ một mình, bố mẹ thường xuyên kiểm tra, để thấy rằng bé có đang ngủ tốt hay không.
– Để bé ngủ trong cũi riêng, đảm bảo 4 mặt của chiếc cũi phải được che chắn cẩn thận và chắc chắn. Cũi trẻ em thường có nhiều nấc, mẹ có thể điều chỉnh độ cao thấp phù hợp với độ tuổi của con.
– Giai đoạn bé đã biết lẫy, biết trườn, khi ngủ nên có hai gối to để chặn hai bên hông con. Đồng thời dùng gối hay bất kì vật gì tạo thành một rào chắn vững chắc ngay thành giường.
– Khi bé ngủ trên chiếc ghế sô pha dài hay giường nên có thêm một tấm nệm lót trên sàn nhà để khi bé không may té xuống đất thì vẫn có vật đỡ.
– Trường hợp bé ngủ cùng với bố mẹ, nên cho trẻ nằm phía trong hoặc ở giữa để chặn các bên, không bị rơi xuống đất.