Theo phân tích từ các chuyên gia tâm lý, cáu gắt là cảm xúc vốn quen thuộc, phát sinh bởi những yếu tố tác động từ bên ngoài hoặc bên trong chính cơ thể mỗi người, như đời sống công sở căng thẳng, bệnh lý hạ đường huyết hay thay đổi nội tiết tố bất thường…
Nếu thường xuyên nổi nóng, hay cáu gắt liên tục trong một thời gian dài, rất có thể bạn đang gặp phải một vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe như nhiễm trùng, đái tháo đường…hoặc cùng có thể là dấu hiệu của một số rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu…
Hôm nay, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con đi tìm những nguyên nhân gây nên tình trạng hay cáu gắt, từ đó có cách khắc phục hiệu quả nhất nhé!
Tại sao chúng ta hay cáu gắt?
Hay cáu gắt, nổi nóng, mất kiểm soát…là cảm xúc được phát sinh từ nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó có 8 nhóm nguyên nhân cơ bản sau:
Do áp lực cuộc sống
Khi bạn phải liên tục chịu đựng áp lực, căng thẳng về tinh thần trong suốt một thời gian dài có thể khiến tính tình trở nên nóng nảy, dễ bực bội và hay cáu gắt.
Cụ thể, những lo lắng, căng thẳng đó có thể đến từ đời sống hàng ngày, hoặc liên quan đến học tập, công việc, hôn nhân hoặc một sang chấn tâm lý nào đó trong quá khứ. Theo đó, một người nếu trải qua một cuộc sống với chồng chất áp lực có thể gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc. Về lâu dài có thể dẫn tới nguy cơ chai sạn cảm xúc.
Cáu gắt do trầm cảm và những cảm xúc tiêu cực
Trầm cảm được xem là một trong những tình trạng sức khỏe có thể dẫn đến hàng loạt cảm xúc tiêu cực như mệt mỏi, lo lắng, buồn bã và hay cáu gắt.
Theo các chuyên gia, hay cáu gắt là triệu chứng thường xuất hiện trong rối loạn trầm cảm, đặc biệt là với nam giới. Bên cạnh đó, triệu chứng này còn thường đi chung với những cảm xúc như dễ gây hấn, thích hiểm, và thậm chí có khuynh hướng lạm dụng chất gây nghiện.
Hay cáu gắt do lo lắng quá nhiều
Nếu bạn cảm thấy lo lắng liên tục trong một thời gian dài, thì đây là một cảm xúc bất thường và tình trạng này rất có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống như hiệu suất công việc, các mối quan hệ cá nhân và sự tập trung cho các hoạt động hàng ngày.
Ngoài ra, nếu tình trạng lo lắng trở nên ngày càng nặng nề và kéo dài hơn 6 tháng, bạn có thể đang đối mặt với chứng rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), mà một trong những biểu hiện của GAD chính là cảm thấy trống rỗng, buồn chán, dễ khóc và thường xuyên cáu gắt.
Cáu gắt do rối loạn sợ chuyên biệt
Chứng rối loạn sợ chuyên biệt có thể hiểu là nỗi sợ, hoặc sự ác cảm mãnh liệt đối với một đối tượng nào đó. Đối tượng này có thể là người, vật, hoặc một tình huống nào đó bất kỳ. Cụ thể, những người mắc chứng rối loạn sợ chuyên biệt có thể cảm thấy sợ hãi và lo lắng tột độ về một số yếu tố như sợ máy bay, sợ không gian kín, sợ độ cao, sợ kim tiêm, sợ máu…
Người mắc rối loạn sợ chuyên biệt thường suy nghĩ nhiều. Việc tiếp xúc với các tác nhân gây sợ hãi sẽ khiến họ dễ cảm thấy hoảng loạn, khó chịu và hay cáu gắt hơn bình thường.
Hay cáu gắt do thiếu ngủ
Theo các chuyên gia, thiếu ngủ là một trong những biểu hiện của rối loạn giấc ngủ. Lúc này, bạn thường cảm thấy trằn trọc, thao thức và rất khó để đi vào giấc ngủ; giấc ngủ không sâu, dễ thức giấc giữa đêm và khó trở lại giấc ngủ…Việc không ngủ đủ giấc có thể dẫn đến cảm giác khó chịu, dễ cáu gắt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.
Ngược lại, chất lượng giấc ngủ tốt, ngủ đủ giấc có thể giúp cải thiện sức khỏe thể chất lẫn tinh thần một cách hiệu quả. Khiến tâm trạng chúng ta được cải thiện, nâng cao sự tập trung, hỗ trợ hoạt động của các tế bào miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, trầm cảm…Và dĩ nhiên, tình trạng hay cáu gắt cũng được khắc phục đáng kể.
Do hạ đường huyết
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng hay cáu gắt có thể kể đến là hạ đường huyết. Đây được xem là vấn đề dễ tác động đến tình trạng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chúng ta.
Tính trạng hạ đường huyết thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường, do sử dụng insulin hoặc một số loại thuốc điều trị không đúng cách. Khi lượng đường trong máu thấp, nó có thể gây ra những triệu chứng như: cáu gắt, lo lắng, mất tập trung, tim đập nhanh, chân tay run, đau đầu, chóng mặt…
Bên cạnh đó, hạ đường huyết cũng được xem là nguyên nhân ảnh hưởng đến giấc ngủ. Và nếu không ngủ đủ giấc, chúng ta sẽ trở nên dễ cáu gắt hơn bình thường.
Hay cáu gắt do mất cân bằng nội tiết tố
Những người bị mất cân bằng nội tiết tố có thể biểu hiện nhiều triệu chứng thể chất lẫn tâm thần khác nhau. Trong đó, tình trạng hay cáu gắt là triệu chứng phổ biến. Bởi theo các chuyên gia, những tình huống căng thẳng, thiếu ngủ và chế độ dinh dưỡng không khoa học chính là những yếu tố trực tiếp gây nên sự rối loạn hormone.
Ở nam giới, khi nồng độ estrogen tăng cao hoặc mức testosterone xuống thấp cũng là nguyên nhân dễ gây cáu gắt.
Do hội chứng tiền kinh nguyệt
Bên cạnh các nguyên nhân gây cáu gắt kể trên, triệu chứng tiền kinh nguyệt (tình trạng mất cân bằng hormone) cũng là nguồn cơn dẫn đến thay đổi tâm trạng theo hướng tiêu cực, khiến nữ giới lúc này trở nên mệt mỏi, dễ cáu gắt hơn bình thường.
Làm gì để khắc phục tình trạng hay cáu gắt?
Để hạn chế và chấm dứt tình trạng dễ nổi nóng, cáu gắt…việc đầu tiên bạn cần làm là xác định chính xác nguyên nhân là gì. Điều này sẽ giúp cho quá trình điều trị diễn ra đúng trọng tâm, giúp nhanh chóng xóa bỏ những triệu chứng gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm thần của bạn.
Đối với những người hay cáu gắt do vấn đề sức khỏe tâm thần (trầm cảm, rối loạn lo âu, lo lắng quá mức…) thì nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra, kê đơn thuốc tích hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đến gặp các bác sĩ tâm lý để trải lòng. Điều này sẽ giúp giảm bớt một số triệu chứng như sợ hãi, lo lắng, bất an bên trong bạn.
Đối với những người hay cáu gắt do mất cân bằng nội tiết tố, bạn nên tập trung thay đổi chế độ ăn uống, điều chỉnh lối sinh hoạt theo hướng tích cực hơn. Điều này sẽ giúp cảm xúc, mà cả thể chất của bạn được cải thiện đáng kể.
Tóm lại, tâm trạng khó chịu, dễ nóng giận và hay cáu gắt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của chúng ta. Do đó, việc tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ không chỉ giúp bạn cải thiện cảm xúc, mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện các mối quan hệ xung quanh.