Mẹ và Con - Mỗi chúng ta không nên có tâm lý "đã thoát COVID", "không bao giờ nhiễm lại" mà cần bảo vệ sức khỏe thật tốt, chuẩn bị tinh thần vì ai cũng có thể tái nhiễm COVID-19 thêm một hoặc nhiều lần khác.

Nhiều người chủ quan cho rằng, sau khi dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã tiêm đầy đủ 3 mũi vaccine phòng ngừa thì không còn nguy cơ dương tính. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều người tái nhiễm COVID-19 chỉ trong một thời gian ngắn. Đặc biệt, các F0 “đời đầu”, chưa nhiễm Omicron thì vẫn có khả năng “đụng độ” biến chủng này.

Tái nhiễm COVID-19 nghĩa là…

Theo định nghĩa từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tái nhiễm COVID-19 nghĩa là một người từng xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau đó hồi phục rồi bị nhiễm lại. WHO khuyến cáo, con số những người từng nhiễm COVID-19 sau đó tiếp tục tái nhiễm với biến chủng Omicron đang ngày một tăng cao.

tái nhiễm covid

Một số nghiên cứu được thực hiện với quy mô toàn cầu cũng đã chỉ ra rằng, biến thể Omicron hoàn toàn có thể vượt qua hàng rào miễn dịch được tạo ra bởi vaccine.

Đây cũng chính là lý do số ca tái nhiễm COVID-19 ngày một tăng cao. Sau khi lấy mẫu ngẫu nhiên nhiều hộ gia đình trên khắp cả nước, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh báo cáo số ca tái nhiễm đang gia tăng mạnh mẽ trong một vài tháng gần đây.

Cụ thể, từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022 – giai đoạn biến thể Omicron “hoành hành” thì nguy cơ tái nhiễm tăng cao hơn đến 16 lần.

Tại Nam Phi, các khảo sát trên người có kết quả tái nhiễm COVID-19 cũng cho thấy, Omicron có thể tấn công hệ miễn dịch của chúng ta một cách mạnh mẽ, kể cả với những người từng nhiễm và có “hàng rào bảo vệ tự nhiên”.

F0 tái nhiễm, chuyện “thường ngày ở huyện”

Vì sao F0 vẫn có thể tái nhiễm COVID-19?

Các chuyên gia y tế cho rằng, miễn dịch được tạo ra khi nhiễm COVID-19 sẽ không có tính bền vững mà sẽ suy giảm dần nồng độ kháng thể trong máu. Một vấn đề khác là do các biến chủng của COVID-19 sẽ biến đổi không ngừng, thậm chí càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh.

Các chủng mới có thể né tránh được miễn dịch có trước đây trong cơ thể người bệnh và thâm nhập vào trong các tế bào nhanh đến mức kháng thể chưa kịp đáp ứng.

Vì sao F0 vẫn có thể tái nhiễm COVID-19

Đây chính là lý do F0 hoàn toàn có thể tái nhiễm COVID-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM, những người có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch kém hoặc những người chưa tiêm vaccine thì nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn so với những người khác.

Ngoài ra, những người có bệnh lý nền (đái tháo đường, tăng huyết áp,…), người hay dùng thuốc ức chế miễn dịch, người trên 65 tuổi… cũng có nguy cơ cao tái nhiễm COVID-19.

Do đó, không nên chủ quan cho rằng, mình đã tiêm vaccine và từng nhiễm bệnh nên không cần tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe.

F0 tái nhiễm có nghiêm trọng hơn không ?

Nhiều người thắc mắc rằng nếu tái nhiễm lại lần 2 thì bệnh có nặng hơn, những triệu chứng nghiêm trọng hơn không vì kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ người bệnh khỏi lần lây nhiễm thứ hai, thứ ba,….?

Với người từng nhiễm và bị tái nhiễm COVID-19, các đợt nhiễm sau thường sẽ có triệu chứng nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên dù cho trước đây từng gặp biến chủng nào đi chăng nữa. Tuy kháng thể không ngăn được tình trạng tái nhiễm COVID-19 nhưng vẫn có thể ngăn được tình trạng bệnh chuyển nặng hoặc giảm nguy cơ tử vong.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không được chủ quan bởi vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân sau khi tái nhiễm COVID-19 gặp những biến chứng nặng. Việc tình trạng tái nhiễm có các hội chứng hậu covid-19 nghiêm trọng hay không còn tùy thuộc vào hệ miễn dịch, cơ địa, bệnh nhân có bệnh nền hay không, thời điểm mắc bệnh có gần nhau hay không,…

Việc tái nhiễm có thể khiến virus tấn công vào hệ miễn dịch của cơ thể, khiến các bệnh nền tái phát và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn.

Vì thế, người từng có bệnh nền, người cao tuổi, hệ miễn dịch suy yếu không được có tư tưởng mình từng nhiễm bệnh là đã “thoát” COVID mà cần tiếp tục cải thiện sức khỏe, phục hồi sau COVID cũng như bảo vệ bản thân tránh nguy cơ tái nhiễm COVID-19.

tái nhiễm covid có nghiêm trọng hơn không

Cần làm gì để tránh nguy cơ bị tái nhiễm COVID-19?

Bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm COVID-19 và bất kỳ F0 nào cũng có thể tái nhiễm COVID-19. Vì vậy, quan trọng là phải biết cách ứng phó và sống chung với đại dịch sao cho đúng.

Một số bí quyết để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe mà bạn có thể áp dụng để phục hồi hậu COVID và hạn chế nguy cơ tái nhiễm gồm có:

  • Tập thở: Tập thở có thể hạn chế tình trạng hụt hơi, khó thở, mất mùi hậu COVID-19, để phổi hoạt động hiệu quả hơn. Có thể bắt đầu bằng các bài tập đơn giản, hít sâu vào rồi thở đều, lặp đi lặp lại nhiều lần rồi tăng nhịp độ lên nhanh hơn.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Nên ăn uống đa dạng các món ăn, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và rau xanh. Nói không với rượu bia và các chất kích thích.
  • Nghỉ ngơi nhiều: Người từng là F0 nên dành thời gian nghỉ ngơi, không được làm việc quá mức, không thức quá khuya,…
  • Tập thể dục: Vận động, tập thể dục là một trong những giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả để tăng cường sức đề kháng, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và hạn chế nguy cơ tái nhiễm COVID-19.
  • Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách: Dù từng là F0 thì vẫn cần phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, đặc biệt là những nơi đông người, nơi có F0,… Hơn nữa, không nên tụ tập khi không cần thiết mà vẫn cần giữ khoảng cách 2m để tránh nguy cơ lây nhiễm.
  • Rửa tay thường xuyên: Sau khi ho, hắt hơi hoặc chạm vào các đồ vật “trung gian lây bệnh” như tay nắm cầu thang, nút điều khiển thang máy, điện thoại… cần rửa tay với xà phòng và nước hoặc dung dịch rửa tay có chứa cồn (nồng độ cồn tối thiểu 60%).
  • Tiêm phòng đầy đủ: Sau khi là F0, cơ thể sẽ tự sinh ra kháng thể nhưng vì nồng độ kháng thể này sẽ suy giảm dần theo thời gian nên tốt nhất vẫn phải thực hiện tiêm vaccine đầy đủ để tránh tái nhiễm COVID-19.
  • Thường xuyên xét nghiệm: Người từng dương tính với virus SARS-CoV-2 không nên chủ quan, không xét nghiệm mà vẫn phải test nhanh hoặc test PCR khi có các triệu chứng như ho, ngạt mũi, mệt mỏi, sốt,…

Rửa tay thường xuyên

Bất kỳ ai từng là F0 cũng có thể bị tái nhiễm. Do đó, không nên có tâm lý “đã thoát COVID”, “không bao giờ nhiễm lại” mà cần bảo vệ sức khỏe thật tốt, chuẩn bị tinh thần vì bạn hoàn toàn có thể tái nhiễm COVID-19 thêm một hoặc nhiều lần khác. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe, sẵn sàng vượt qua đại dịch nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.