Hăm tã là gì?
Hăm tã là hiện tượng viêm da do kích ứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong độ tuổi từ 0 – 24 tháng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện da liễu về hăm tã thì có đến 35% trẻ ở giai đoạn từ 6 đến 9 tháng tuổi đã từng bị hăm tã ít nhất 1 lần.
Hăm tã tuy không phải là bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các bé. Khi bị hăm tã, bé thường xuyên quấy khóc và hay giật mình khi ngủ. Không những thế, khi bé đau rát và khó chịu, cảm giác ngon miệng của bé cũng vì thế mà giảm đi. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, bé có thể bỏ ăn, sụt cân… ảnh hưởng đến phát triển thể chất của bé.
Để phòng tránh những hậu quả đáng tiếc do hăm tã gây ra, không gì hơn là mẹ chủ động phòng chống ngay từ đầu. Chủ động phòng chống bao giờ cũng tốt hơn bị động đối phó. Chuyên đề về hăm tã trên Mẹ &Con kì này sẽ mổ xẻ 360ovề hăm tã và cùng mẹ tìm ra cách bảo vệ tốt nhất cho làn da bé yêu nhé.
Vì sao bé bị hăm tã?
Làn da của bé yêu, đặc biệt là bé từ 0 đến 24 tháng tuổi, mỏng gấp 5 lần so với người lớn, các cơ chế bảo vệ của da bé cũng còn rất non yếu và khả năng chống lại vi khuẩn cũng như các chất độc hại trong môi trường vẫn còn rất kém. Vì vậy, bất kỳ sự bất cẩn hoặc thiếu kinh nghiệm nào của bố, mẹ cũng vô tình tạo điều kiện cho hăm tã xuất hiện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng hăm tã ở trẻ, trong đó hai nguyên nhân chủ yếu là:
• Các Enzym có hại trong chất thải của chính bé:
Để da bé tiếp xúc quá lâu với chất thải là yếu tố quan trọng nhất khiến da bé bị tổn thương và dẫn đến hăm tã. Môi trường ẩm thấp nhân tạo bên dưới các tã lót không phải là môi trường thích hợp với làn da của bé. Vì vậy, khi bố mẹ không thay tã thường xuyên cho bé, làn da bé sẽ phải liên tục tiếp xúc với các enzyme trong phân hay nước tiểu còn lưu trú trong tã giấy. Các enzyme này sẽ kích ứng trực tiếp bề mặt da bé, khiến cho da bị tổn thương, tạo ra những nốt mẫn đỏ và thế là hăm tã hình thành.
• Sự ma sát giữa da bé và tã giấy:
Chất liệu tã giấy luôn là một tiêu chí đáng quan tâm khi bố mẹ chọn mua tã giấy cho bé. Bố mẹ thường ưu tiên các loại tã có chất liệu mềm mại, có độ thấm hút tốt để bảo vệ làn da bé luôn được thoải mái, khô ráo. Tuy nhiên, trên thực tế dù tã có mềm mại thế nào đi nữa thì cũng không thể êm ái như làn da của chính bé. Vì vậy, khi bé liên tục cử động, sự ma sát giữa da và tã sẽ tạo nên những vết mẫn đỏ hay vết trầy xướt làm cho da bé bị tổn thương. Trong môi trường ẩm, bí khí, lẫn chất thải, thì một làn da bị tổn thương sẽ càng mau bị hăm tã hơn bao giờ hết.
Cách phòng ngừa hăm tã
Làn da bé yêu rất mỏng manh, lớp màng bảo vệ tự nhiên còn non yếu vì vậy rất dễ bị các tác nhân kích ứng từ môi trường bên ngoài tấn công, từ đó dẫn đến hăm tã. Vì vậy, để bảo vệ tối ưu cho làn da bé, bố mẹ cần bôi thuốc chống hăm lên vùng da quấn tã trước mỗi lần quấn tã.Thuốc chống hăm sẽ tạo cho da một lớp màng bảo vệ mà da bé còn thiếu, bảo vệ da bé khỏi sự tấn công của các tác nhân kích ứng từ môi trường bên ngoài.