Mẹ&Con - Bạn mang thai lần 2 khi bé yêu mới gần 1 tuổi. Bạn phải chuẩn bị những gì để giúp "chị 2" không bỡ ngỡ khi nhà có thêm thành viên mới? Chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi sắp có em Con anh con em Dạy con cách tặng quà

Con chưa tròn 1 tuổi thì tôi đã mang thai bé thứ hai. Tôi nghe nói điều này rất dễ gây nên những cú “sốc” tâm lý cho trẻ, khiến trẻ dễ bị tự kỷ, dễ cảm thấy cô đơn. Tôi muốn ngăn ngừa việc này từ đầu nên quyết tâm sẽ chuẩn bị tâm lý thật tốt cho bé, giúp bé đón nhận việc có em một cách vui vẻ, không có cảm giác bị “bỏ rơi”. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp các việc tôi nên làm cho bé lúc này…

Trịnh Hoa Trang Anh
(Quận 5)

 chuyen gia mevacon

Trong khoảng 2 năm đầu đời, bé rất cần sự “toàn tâm toàn ý” của bố mẹ dành cho mình, để có thể phát triển hoàn thiện không chỉ thể chất mà cả tinh thần, trí tuệ. Việc có em sớm là một “thiệt thòi” cho con. Nhưng dẫu sao thì cũng không thể thay đổi gì nữa nên việc quan trọng hiện giờ bạn cần làm là “bù đắp” cho bé và tranh thủ chuẩn bị tâm lý cho con thật tốt.

Bạn có thể thực hiện theo những hướng dẫn sau:

– Cố gắng tìm người giúp việc hoặc ông bà phụ giúp để đỡ đần bớt việc, tranh thủ dành thời gian cho đứa con đầu lòng của bạn càng nhiều càng tốt, chơi đùa với bé, giúp bé cảm thấy mình vẫn luôn được quan tâm.

Giúp bé làm quen dần từng bước với cuộc sống độc lập bằng cách cho trẻ ngủ riêng, tự xúc ăn sớm… vừa để tập quen khi mẹ có em bé, vừa giúp trẻ xây dựng tính độc lập ngay từ nhỏ.

Giúp trẻ cảm nhận trước những gì đang diễn ra trong bụng mẹ: Trong lúc trò chuyện với con, bạn có thể cho bé sờ nhẹ vào bụng mình, hoặc áp tai lên đó để nghe những cử động của em bé. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy thân quen và thích thú với em bé trong bụng.

– Nói nhiều lần theo kiểu mưa dầm thấm lâu để bé hình dung được sẽ có “em”. Kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích, cho bé xem những bức ảnh về “em bé”. Thời điểm này có thể bé hiểu nhưng khi bạn nói với bé suốt chín tháng thì bé sẽ trở nên bớt bỡ ngỡ, không lấy gì làm bất ngờ nữa với việc mẹ có thêm “em bé” khác.

– Làm cho bé trở nên quan trọng bằng cách hỏi ý kiến của bé về việc liên quan đến em: đặt tên, mua sắm quần áo, nôi… Bạn cũng nên dắt con đến chơi nhà một vài người bạn của bạn có em bé mới sinh, như vậy bé sẽ đỡ ngỡ ngàng hơn khi tiếp xúc với em mình.

– Luôn nói với con mỗi ngày rằng bố mẹ rất yêu con. Hôn bé trước khi bé đi ngủ, tạo cho con cảm giác gần gũi với bố mẹ và không lo lắng với việc bị “bỏ rơi” khi mẹ có em.

– Sau khi sinh bé thứ hai, bạn vẫn cần dành thời gian quan tâm nhiều đến bé đầu lòng, nhận ra mọi thay đổi bất thường về mặt tâm lý ở con nếu có. Trường hợp bạn cảm thấy khó khăn, lúng túng, cần đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý chứ không nên bỏ qua. 

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp
(BV Nhi Đồng 2) 

Tags:

Bài viết liên quan