Kẹt một nỗi, trẻ nít lại thường hiếu động. Con có thể cùng với bạn bè bày ra đủ trò nghịch ngợm “qua mặt” thầy cô, bảo mẫu. Số lượng học sinh đông khiến giáo viên, giám thị cũng khó lòng để mắt đến trẻ mọi lúc mọi nơi. Tai nạn vì thế có thể xảy ra cho trẻ bất cứ lúc nào. Bạn nên làm gì? Đừng chăm chăm nghĩ rằng: “Ơ, đây là trách nhiệm của giáo viên mà!!!”. Thay vì nói một cách… nhẹ tênh như thế, có lẽ bạn nên chọn cách tích cực hơn: Hướng dẫn cho bé yêu một số biện pháp an toàn, để tránh những tai nạn đáng tiếc khi con rời vòng tay của mẹ!
1. Cẩn thận cầu thang
Nếu trẻ học mẫAu giáo, thường thì cầu thang luôn có thanh chắn kỹ càng. Tuy nhiên, khi con vào lớp 1, lớp 2… rồi thì việc này sẽ khác. Trẻ có thể chạy giỡn, chơi rượt bắt với bạn bè ngay sát cầu thang và trượt chân té. Ở một số trẻ lớn hơn, khoảng lớp 3, lớp 4, đã từng có cả trường hợp trẻ thách nhau nhảy lên hoặc nhảy xuống nhiều bậc thang một lúc (nhảy 3-4 bậc thay vì bước đi từng bậc). Những trò “chơi dại” này nếu được giám thị bắt gặp, trách phạt thì may. Còn không, đã từng có những tai nạn xảy ra, chuyện trầy tay xước chân, thậm chí phải đi… bó bột vì té cầu thang không phải là không có.
>> Mẹ nên:
Ngay khi con ở tuổi mẫu giáo, bạn đã cần nhắc nhở con kỹ lưỡng chuyện đi đứng thong thả, chậm rãi khi lên xuống cầu thang. Nhắc bé vịn tay vào tay vịn, bước từng bước một. Con lớn hơn một chút, từ tuổi lớp 1 trở đi, phải nhắc nhở con tuyệt đối không được xô đẩy khi lên xuống thang. Giờ ra chơi, không được chen lấn bạn, không chơi những trò như bước nhiều bậc hay nhảy từ 3-4 bậc xuống đất. Bạn có thể giải thích cho con rõ những nguy hiểm có thể xảy ra. Ngày đầu con đi học, phải hướng dẫn con cách lên xuống cầu thang ở trường và dặn dò con chu đáo (nhất là trong trường hợp con bạn là con trai).
2. Nếu trẻ bệnh…
Nhiều phụ huynh rất… liều, con bị sốt hoặc đang có những bất thường như tiêu chảy, nôn ói thì cho trẻ uống thuốc, thấy bớt bớt liền đưa con đi học. Đây là điều rất nguy hiểm vì diễn tiến bệnh có thể trở nặng bất cứ lúc nào mà giáo viên không thể theo sát được, phòng y tế ở trường cũng chưa chắc xử lý kịp thời. Chưa kể, nếu như bệnh của trẻ là những bệnh có khả năng lây nhiễm thì chính việc ráng cho con đi học này sẽ dễ biến trường học thành… ổ dịch, bé có thể nhanh chóng lây cho rất nhiều trẻ khác.
>> Mẹ nên:
Trường hợp trẻ bệnh, tốt hơn hết nên để trẻ ở nhà. Trẻ cần được nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống theo một chế độ riêng trong những ngày này. Việc trẻ nghỉ ở nhà cũng tránh được nguy cơ lây nhiễm hoặc trường hợp bệnh trở nặng, trẻ sốt cao lên mà giáo viên không biết để kịp thời ứng phó. Trường hợp trẻ chỉ bệnh nhẹ hoặc đang có vấn đề về sức khỏe nhưng đã được xử trí và không nghiêm trọng (ví dụ trẻ bị thương ở chân nhưng đã được băng bó) thì có thể cho đến trường. Tuy nhiên, cần báo với giáo viên chủ nhiệm để có những biện pháp theo dõi, chăm sóc an toàn cho trẻ. Ví dụ như trẻ cần được cho ở yên trong lớp hoặc có phụ huynh giúp đỡ một số sinh hoạt cá nhân.
3. Nhắc con ăn uống
Nhiều trẻ được cưng chiều quá mức ở nhà có thói quen ăn uống khó khăn, dễ bị ói, ăn rất chậm, không biết xúc ăn… Việc này sẽ ảnh hưởng sức khỏe của bé, nhất là trong trường hợp lớp quá đông, giáo viên lo không xuể. Trường hợp khác, thay vì lo chu đáo cho con ăn sáng, mẹ lại cho tiền để bé có thể tự mua thức ăn ở căn-tin hoặc trước cổng trường. Điều này dẫn đến tình trạng trẻ ăn uống bừa bãi, ăn những thức ăn kém vệ sinh, dễ bị ngộ độc thực phẩm. Chưa hết, một số trẻ nhịn đói để dành tiền mua đồ chơi hay truyện tranh. Thế là vào lớp lại… té xỉu hoặc đói quá không thể tập trung học được.
>> Mẹ nên:
Dù bận rộn đến đâu, bạn vẫn nên cố gắng đảm bảo cho con có được bữa sáng tại nhà. Bữa sáng cần đầy đủ chất, đủ cho bé no đến trưa để có sức học tập. Có thể cho con mang theo một hộp sữa hoặc một chiếc bánh nhỏ để ăn thêm vào giờ ra chơi nếu đói. Cũng nên mang theo cho bé một bình nước lọc, để con có thể uống lúc khát thay vì đi uống các bịch nước trà đá, nước ngọt, xi-rô bán ở căn-tin. Tuyệt đối không nên cho trẻ tiền quà vặt để tránh cho con chuyện ăn vặt lung tung, dễ bị ngộ độc thực phẩm. Nhắc nhở con không ăn thức ăn người lạ đưa, không ăn các món ăn bạn bè đưa ra mời mọc nếu các món này bán ngoài cổng trường.
4. Lưu ý nhà vệ sinh
Không ít các nhà vệ sinh tại các trường tiểu học rất… mất vệ sinh. Trẻ không có nước dội hoặc dội tràn lan, dễ trơn trợt. Đây cũng là môi trường đầy ắp vi trùng, vi khuẩn, dễ khiến trẻ bị nhiễm bệnh. Thêm vào đó, tình trạng nhà vệ sinh với mùi hôi nồng nặc khiến trẻ e ngại, nhịn tiểu dẫn đến mắc các bệnh về đường tiết niệu không phải là chưa xảy ra. Một số tai nạn khác có thể gặp phải với chuyện nhà vệ sinh là một số bé còn rất vụng về, ở nhà cái gì cũng được mẹ lo cho nên khả năng tự phục vụ kém. Bé đi vệ sinh xong không biết tự lau rửa cho mình. Có “tai nạn” hi hữu từng xảy ra là một bé trai lớp 1 vẫn lúng túng với dây kéo quần, lại không được mẹ cho mặc quần lót ở trong nên kéo và… kẹt luôn vào bộ phận sinh dục đến nỗi phải khóc thét lên.
>> Mẹ nên:
Mẹ cần cố gắng giúp trẻ có những kỹ năng tự lập càng sớm càng tốt. Những việc cơ bản như đi vệ sinh thế nào, dội rửa ra sao, cẩn thận với dây kéo quần… nên được tập cho con ngay khi có thể. Trước ngày khai giảng, nên đưa trẻ vào làm quen với trường và làm quen với… nhà vệ sinh. Để ý các yếu tố nguy hiểm để nhắc nhở con. Ví dụ nếu thấy sàn nhà vệ sinh rất trơn thì nhắc con phải đi chậm rãi từng bước. Nhắc nhở trẻ sau khi đi vệ sinh xong phải rửa tay sạch sẽ. Trong cặp của con cũng nên có khăn giấy để bé tiện sử dụng khi cần.
5. Cẩn thận bàn ghế
Bàn ghế nói riêng và những vật dụng trong lớp như kệ tủ, các kệ đồ chơi, tủ đựng mền gối… nói chung thường an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, nếu con bạn quá hiếu động và thích bày những trò nghịch ngợm thì đây lại là những thứ dễ gây tai nạn cho bé. Cụ thể như đã từng có trường hợp những bé trai trong lớp đùa giỡn, chạy nhảy trên bàn ghế. Bàn ngã, bé té nhào, bị bàn đè trúng nên chấn thương càng nặng hơn. Một số bé khác thích lén thầy cô với tay lên các kệ cao để lấy đồ chơi. Kết quả là… kệ ngã đè trúng bé!
>> Mẹ nên:
Dặn dò con không được tự ý lấy bất cứ thứ gì trong lớp mà không hỏi ý cô giáo, nhất là những thứ trên kệ tủ cao. Không được chạy giỡn trên bàn. Nếu phải vệ sinh trực nhật, cũng cần cẩn thận để không làm đổ ngã bàn ghế. Đừng tưởng tai nạn này chỉ xảy ra với trẻ nhỏ. Nhiều bé lớn hơn, đến lớp 4, lớp 5 vẫn có thể gặp phải tai nạn này.
6. Cẩn thận người lạ!
Tuy hiếm xảy ra, nhưng chuyện trấn lột, bắt cóc trẻ em vẫn đã từng xuất hiện ở cổng trường. Bé đến lớp với một đôi bông tai vàng đeo trên lỗ tai, hay một chiếc đồng hồ “xịn” có thể trở thành con mồi cho kẻ xấu ngay. Nhiều trẻ từng bị dụ dỗ, cho bánh kẹo rủ rê, rồi lên xe để kẻ xấu chở đi. Bạn không thể chỉ trông chờ vào giáo viên, bảo mẫu, bảo vệ vì số lượng học sinh rất đông, nhất là giờ mới vào học hoặc giờ ra về. Và con của bạn có thể trở thành nạn nhân nếu không cẩn thận!
>> Mẹ nên:
Tuyệt đối không cho con mang nữ trang, tiền hay bất cứ đồ vật quý giá nào đi học. Cần tập cho con thói quen, khi đưa trẻ đến cổng trường thì trẻ phải nhanh chóng vào thẳng trong lớp của mình ngay, không la cà ngay trước cổng trường. Giờ về, trẻ cũng cần đứng trong khuôn viên trường để chờ phụ huynh, không đi ra ngoài. Hướng dẫn con hiểu rõ không được đi với người lạ, không ăn bất cứ bánh trái nào người lạ đưa cho. Nhắc con chỉ đi về với ba mẹ, hoặc ông bà. Nếu có người lạ nào hỏi han hoặc rủ rê, kể những chuyện như “ba mẹ nhờ cô đến đón con”, trẻ cần chạy ngay đến chỗ cô giáo hoặc bảo vệ để chờ ba mẹ hoặc xin gọi điện cho ba mẹ.