Mẹ&Con – Trong việc giáo dục con cái, bất cứ ông bố bà mẹ nào cũng đều đau đầu với vấn đề trẻ nghịch ngợm, ương bướng. Trẻ quá hiếu động thực sự rất phiền toái, song thực ra đây cũng lại là một dấu hiệu tích cực. Dưới đây là những lý do.

Chia sẻ về việc giáo dục con cái, tiến sĩ tâm lí trẻ em Heather Wittenberg ở Maui, Hawaii, (Mỹ) từng nói: “Tựa như nhân cách và tính khí của trẻ bắt đầu đâm hoa kết trái, thì một số hành vi kì quặc đầy thách thức cũng nảy sinh. Điều then chốt là làm sao để tiếp nhận và khuyến khích những phẩm chất tích cực này, ngay cả khi bạn tìm cách điều chỉnh những hành động chưa đúng mực của trẻ”.

Vấn đề: Trẻ hay bịa chuyện

Không khó để nhận thấy trẻ đang bịa đặt – bất kể chúng đưa ra những tình tiết rất thuyết phục rằng… “con yêu quái” đã bóp nát cái iPhone của mẹ.

Tin tốt:

Con bạn có thể sớm biết lí luận. Nghiên cứu của tiến sĩ Kang Lee, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Eric Jackman thuộc trường University of Toronto (Canada) cho thấy:  Những trẻ bắt đầu nói dối ở độ tuổi 2 – 3, sớm hơn hầu hết bạn bè cùng trang lứa từ 1 đến 2 năm thường có chỉ số IQ và năng lực phát triển hơn, trong việc kiểm soát những hành động của mình.

Đó là vì nói dối cần khả năng nhận thức cao hơn hẳn việc chỉ đơn giản thú nhận mọi việc. Nếu bạn hỏi một đứa trẻ: “Con vẽ bậy lên tường phải không?”, cô bé ắt sẽ vừa chối bay chối biến, vừa tìm cách dựng chuyện. Hơn nữa, cô bé chắc hẳn có khả năng “đọc ý nghĩ” để nhận ra những gì bạn đã biết (“Mẹ thấy mấy cây bút lông rồi, mình không thể nói là mình chưa bao giờ cầm chúng”…). Đây là một kĩ năng mà theo tiến sĩ Lee, nó có liên quan đến sự phát triển khả năng đồng cảm.

Biện pháp:

Hãy bình tĩnh mỗi khi trẻ đặt điều, bất kể chúng bao nhiêu tuổi. Cha mẹ không nên quở phạt, hãy tận dụng cơ hội để giải thích cho trẻ biết tại sao chúng nên trung thực, bởi có như vậy mọi người mới lắng nghe những gì chúng nói sau này.

Trước khi cố hiểu cho được ngọn ngành câu chuyện, hãy bắt trẻ hứa phải nói thật. Những đứa trẻ như vậy trong các nghiên cứu của tiến sĩ Lee đã tỏ ra ít nói dối hơn hẳn.

Nên cố gắng đối thoại hơn là đôi co với chúng. Nếu trẻ lỡ ăn vụng kẹo và nói dối khi được hỏi, bạn có thể nói với trẻ rằng: “Mẹ cảm giác là con chưa xin phép mà dám ăn vụng kẹo. Con lo là sẽ gặp rắc rối nếu nói cho mẹ biết phải không?” Nếu trẻ thú nhận ngay lập tức, hãy cảm ơn vì chúng đã dứt khoát, nhưng đừng nên khen ngợi quá lố. Sau đó nhắc nhở chúng rằng: “Mẹ bao giờ cũng vui khi con nói thật!” Việc giáo dục con cái này sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn hẳn.Giáo dục con cái: Tin tốt về những đứa trẻ chưa ngoan 5

Vấn đề: Trẻ hay mách lẻo

Cục cưng thích mách lẻo của bạn luôn có điều gì đó để thông báo, chẳng hạn như: “Em cu Tí quậy quá”, “anh cu Min mở máy vi tính mà không xin phép…”.

Tin tốt:

Hành vi tố giác của trẻ  bắt đầu khi chúng lên 3 hoặc 4. Điều này cho thấy trẻ nhận ra những quy định và dần phát triển ý thức lương tâm. “Một đứa trẻ như vậy luôn muốn mọi người phải làm theo điều đúng, và đó thực sự là nền tảng để trở thành công dân tốt” – tiến sĩ Wittenberg giải thích.

Biện pháp:

Dạy dỗ, giáo dục con cái – những đứa trẻ hay mách lẻo là việc không dễ. Bạn muốn con mình không được mách lẻo nữa, nhưng trong một số tình huống chúng lại rất cần sự can thiệp của bạn, ví dụ như khi bị bắt nạt hay bị quấy rối chẳng hạn. Vậy, hãy cho trẻ biết bạn rất vui khi chúng nhận thức được những qui tắc, nhưng sau đó hãy can ngăn chúng.

Khi con bạn mách lỗi ai đó (Anh trai bé không rửa tay trước khi ăn), hãy đáp lại rằng:  “Nên rửa tay trước khi ăn. Cảm ơn con đã nhắc nhở. Bé Bi, con quên rửa tay hả?”.

Nếu trẻ mách lẻo vì những đứa bạn khác không ưa mình, hãy cho trẻ biết cần nói câu gì để tự giải quyết lấy, chẳng hạn “Mình đang chơi với trái banh đó, đưa nó lại cho mình đi”.

Vấn đề: Trẻ tỏ vẻ phách lối

Dù trẻ chỉ nói “Đến phiên tui”, “Làm đi”, hoặc “Tui sẽ lại đóng vai mẹ”, nhưng thái độ phách lối của chúng có thể khiến bạn bè, anh chị em, và thậm chí cả bạn nữa cảm thấy xa lánh.

Tin tốt:

Tính khí chuyên quyền của trẻ ngụ ý rằng những kĩ năng lãnh đạo đang định hình, giúp chúng tạo được vị thế. Tuy vậy, thùy trán trước của chúng (vùng não cho phép tư duy kĩ lưỡng mọi sự trước lúc phản ứng) vẫn chưa hoàn thiện.

Mọi chuyện sẽ khác khi trẻ vào lớp 2, lúc ấy cách suy nghĩ của chúng sẽ hợp lí hơn và mong muốn hòa nhập với mọi người sẽ giúp trẻ điều chỉnh hành vi của mình.

Biện pháp:

Khi trẻ khăng khăng đòi điều hành trò chơi với các bạn, hãy giáo dục con cái đi đúng hướng bằng việc để cả nhóm tự tìm cách giải quyết. Nhưng nếu bé vẫn cứ lớn tiếng, đó là lúc phụ huynh nên can thiệp. Hãy thử nói gì đó đại loại như: “Bé My, sao con không chơi cái trò mà ai cũng chơi chung được?” Sau đó, hãy dạy chúng nói nhỏ nhẹ. Bạn có thể nói: “Nếu con nói năng phách lối, giọng con sẽ như vậy nè… giờ con thử nói nhẹ nhàng hơn mẹ nghe coi nào?”.

Giáo dục con cái: Tin tốt về những đứa trẻ chưa ngoan 6

Vấn đề: Trẻ phớt lờ bạn

Khi chơi với bạn bè của chúng, trẻ dường như không nghe, không quan tâm tới lời nói của cha mẹ? Bạn không biết phải làm sao, không cho trẻ chơi nữa hay cứ bực tức cả buổi không làm gì được?

Tin tốt:

Chúng đang xây dựng các mối quan hệ bạn bè. Trẻ thường thích thú với những gì bạn chúng nói, làm, ăn và mặc. Theo tiến sĩ Lawrence J. Cohen, nhà tâm lí học ở Brookline, Massachusetts thì “Trẻ không thể cùng lúc vừa hướng chú ý đến bạn bè chúng, vừa chú ý tới phụ huynh ít nhất cho đến khi chúng vào lớp một, khi chúng biết phân bổ sự chú ý tốt hơn”.

Biện pháp:

Mặc dù bạn vừa không muốn quấy rầy những gắn kết tình bạn đang nảy nở của con, nhưng cũng có lúc bạn cần trẻ lắng nghe. Vậy hãy thử làm gì đó bất ngờ để thu hút sự chú ý của chúng xem nào? Hãy hát hoặc nói bằng giọng vui nhộn khi gọi trẻ. Bên cạnh đó, thay vì gọi với từ xa hãy đến gần hơn rồi gọi chúng. Chỉ lớn tiếng gọi khi có chuyện khẩn cấp hoặc vì sự an toàn của trẻ.

Vấn đề: Trẻ hung hăng

Mặc dù bạn không cho phép con mình được vật lộn, xô đẩy… nhưng đối với trẻ thì gây gổ đánh nhau là chuyện hoàn toàn không thể tránh khỏi, nhất là đối với bé trai và điều này khiến bạn khá nhức đầu trong việc giáo dục con cái?

Tin tốt:

Theo Tiến sĩ Nancy K. Freeman, phó giáo sư về giáo dục mầm non của trường University of South Carolina ở Columbia chia sẻ về việc giáo dục con cái thì: “Những trẻ “giỏi” hoạt động thể chất sẽ sở hữu được những kĩ năng xã hội nhất định, chẳng hạn như biết cách giao tiếp không lời, biết cách đánh giá mức căng thẳng của cuộc chơi và biết cách dừng lại khi bạn bè chúng muốn giải lao.

Nô đùa cũng giúp trẻ kiểm soát cảm xúc. Sau khi phát cáu lên từ trò chơi đụng bị, trẻ phải học cách làm cho bản thân bình tĩnh, điều đó giúp chúng ngấm dần kĩ năng tự xoa dịu chính mình”.

Biện pháp:

Hãy đảm bảo trẻ được chơi đùa với bạn bè ở khu vực thoáng đãng, an toàn và luôn để mắt đến chúng. Hãy can thiệp nếu bạn phát hiện chúng vừa khởi sự gây gổ đánh nhau hoặc mặt mũi hầm hầm – tiến sĩ Cohen khuyến nghị.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên vạch ra những giới hạn tại nhà: Nếu trẻ cứ nhảy xổ vào bạn mà không báo trước, hãy nói “Vậy là hung hăng quá đó. Con có thể làm bể đồ đạc. Chúng ta ra ngoài chơi nào” và kéo tay trẻ đi theo.

Bất cứ đứa trẻ nào cũng có những ưu khuyết điểm. Và việc trẻ chưa ngoan, chưa làm đúng ý cha mẹ chưa chắc đã không tốt, quan trọng hơn hẳn vẫn là tư duy giáo dục con cái của mỗi người.

Bài viết liên quan