Mang thai có thể mang lại nhiều cảm xúc lẫn lộn. Bạn vui vẻ, hào hứng nhưng đôi khi cũng lo lắng. Và cảm giác lo lắng khi mang thai thực sự đáng lo ngại nếu bạn liên tục cảm thấy bồn chồn, lo âu về những chuyện xảy ra trong thai kỳ. Vậy làm sao để giúp bạn xua tan những nỗi lo không đáng có khi đang mang thai?
Nguyên nhân gây lo lắng khi mang thai là gì?
Có nhiều yếu tố có thể gây ra cảm xúc lo lắng khi mang thai, khiến điều này trở thành một trải nghiệm phức tạp và mang tính cá nhân. Sự kết hợp của những thay đổi về thể chất, nội tiết tố và cảm xúc khi mang thai có thể dẫn đến mức độ lo lắng tăng cao.
Lo lắng khi mang thai có thể là do những vấn đề về sức khỏe và hạnh phúc của em bé, dự đoán về việc sinh nở, các biến chứng khi mang thai và sự không chắc chắn khi trở thành bố mẹ. Điều này thường đặc biệt dễ gặp ở những người lần đầu làm mẹ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp dù mang thai lần 2 hay lần 3 thì chị em vẫn cảm thấy lo lắng như lần đầu tiên.
Và sự lo lắng khi mang thai có thể trở nên trầm trọng hơn do sự thay đổi nội tiết tố cũng như các yếu tố khác như lo lắng về tài chính, thiếu sự hỗ trợ từ người bạn đời của mình, gặp các vấn đề trong công việc do mang thai,…
Các yếu tố nguy cơ gây lo lắng khi mang thai là gì?
Nỗi sợ hãi khi mang thai không phải là chuyện của riêng ai. Hầu như bất kỳ người phụ nữ nào cũng trả qua cảm xúc lo lắng trong thai kỳ. Tuy nhiên, nỗi sợ này có thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu bạn có các yếu tố nguy cơ như:
- Từng mắc chứng rối loạn lo âu trước đây
- Đang trải qua những thay đổi hoặc sự kiện căng thẳng trong cuộc sống
- Tình trạng sức khỏe trong thai kỳ không ổn định
- Từng bị sảy thai trước đó
- Nồng độ nội tiết tố thay đổi đột ngột
- Tiền sử gia đình có người mắc chứng rối loạn lo âu hoặc trầm cảm
- Gặp căng thẳng ở nơi làm việc hoặc thậm chí ở nhà
- Thiếu sự hỗ trợ từ người bạn đời hoặc gia đình
- Từng trải qua một mối quan hệ lạm dụng
- Gặp vấn đề tài chính
- Thiếu dinh dưỡng hợp lý
Tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai của bạn và góp phần làm tăng nguy cơ phụ nữ mang thai có nhiều cảm xúc lo lắng hơn trong suốt thai kỳ.
5 bí quyết giúp giảm cảm giác lo lắng khi mang thai
Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng khi mang thai, bạn sẽ muốn biết cách đối phó với tình trạng này trước khi sự lo âu quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cả bạn và thai nhi. Cảm giác lo lắng khi mang thai nếu không được kiểm soát, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng trong thai kỳ.
Những biến chứng này có thể là sinh non, nhẹ cân và các vấn đề về phát triển ở trẻ. Đối với người mẹ, lo lắng khi mang thai có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ, tăng hormone gây căng thẳng và khó đương đầu với những thử thách khi mang thai.
Nhìn chung, việc biết cách xoa dịu lo lắng khi mang thai là điều vô cùng quan trọng. Bạn phải cố gắng hết sức để vượt qua cảm giác lo lắng trước khi những nỗi lo này lấn át bạn. Dưới đây là một số cách để đối phó với sự lo lắng khi mang thai mà bạn có thể thử áp dụng:
Thực hành chánh niệm và thiền định
Mọi bà mẹ tương lai đều có thể trải qua nỗi sợ hãi khi mang thai. Ở một mức độ nào đó, có thể hiểu được tại sao các bạn lại lo lắng nhiều đến như thế. Suy cho cùng, bạn đang mang một đứa trẻ đến với thế giới này và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống mới này.
Bằng cách thực hành chánh niệm và thiền định, bạn có thể giảm đáng kể mức độ lo lắng khi mang thai. Những kỹ thuật này giúp bạn làm dịu tâm trí, ổn định cảm xúc, mang lại cảm giác bình yên và thư giãn hơn. Bạn có thể nâng cao sức khỏe của mình và giảm bớt lo lắng bằng cách thực hành các bài tập thở sâu, thiền có hướng dẫn và các bài tập yoga cho bà bầu.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất khi mang thai mà còn giúp kiểm soát đáng kể sự lo lắng. Endorphin là chất cải thiện tâm trạng tự nhiên mà cơ thể chúng ta giải phóng khi tập thể dục và vận động. Bạn có thể đi bộ nhẹ nhàng hay chọn một bài tập nào đó phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình để kích thích cơ thể giải phóng endorphin, giúp bạn hạn chế cảm xúc lo lắng khi mang thai.
Ngoài ra, tập thể dục có thể làm giảm đáng kể hormone gây căng thẳng và giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ lo lắng trong thai kỳ. Tuy nhiên, đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ về những bài tập thể dục phù hợp, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ sảy thai cao.
Nhờ sự hỗ trợ của mọi người
Khi nỗi lo về việc mang thai tấn công, điều cần thiết là phải có những người đồng hành bên cạnh để hỗ trợ bạn. Đó có thể là người bạn đời của bạn, các thành viên trong gia đình từng có kinh nghiệm sinh con hoặc bạn bè của bạn. Trong những thời điểm khó khăn nhất của bạn suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, họ có thể giúp bạn đối phó với sự lo lắng của mình.
Đừng ngần ngại liên hệ với những người thân yêu của bạn và cho phép họ giúp đỡ bạn để xua tan nỗi lo lắng khi mang thai bạn nhé. Hãy cứ thoải mái nói chuyện cởi mở về những lo lắng và sợ hãi của bạn để mọi người có thể chia sẻ, hỗ trợ hoặc chí ít là để bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp
Đối phó với sự lo lắng khi mang thai có nhiều cách. Nếu sự lo lắng của bạn không thuyên giảm kể cả khi đã tâm sự với người thân thì bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp. Đừng ngại liên hệ với một chuyên gia tâm lý hay bác sĩ sản khoa để chia sẻ về tình trạng của mình và tìm phương pháp cải thiện thích hợp.
Thực hành các kỹ thuật chăm sóc bản thân và thư giãn
Dành thời gian chăm sóc bản thân và thư giãn là điều cần thiết, đặc biệt là khi mang thai. Hãy tham gia các hoạt động mang lại niềm vui và sự thoải mái, chẳng hạn như đọc sách, tắm nước ấm, tận hưởng sở thích hoặc dành thời gian hòa mình với thiên nhiên. Đặc biệt, bạn nên nhớ ưu tiên giấc ngủ ngon và tạo thói quen ngủ sâu để giảm bớt lo lắng khi mang thai.
Cảm giác lo lắng khi mang thai là hoàn toàn bình thường. Bạn có thể cảm thấy đơn độc với những cảm xúc của mình, nhưng không phải vậy. Ở một mức độ nhất định, hầu hết các bà mẹ tương lai sẽ cảm thấy lo lắng khi mang thai. Tuy nhiên, đừng để những nỗi lo lấn át niềm vui khi mang thai. Hãy tìm những biện pháp để giải tỏa cảm xúc của mình và tận hưởng thai kỳ bạn nhé!