Mẹ&Con - Đau vùng thắt lưng là nỗi ám ảnh triền miên của nhiều thai phụ, đặc biệt trong những tháng cuối thai kỳ. Để đối phó với chúng, bạn cần đến một số kiến thức quan trọng đấy! Khi đàn ông được thử nghiệm... đau đẻ Các phương pháp giảm đau khoa sản thường dùng - Chương trình truyền hình làm mẹ Bí quyết giảm đau lưng cho bầu công sở

Sao lại đau đến thế?

 

Càng vào giai đoạn cuối của thai kỳ, hiện tượng đau lưng càng rõ rệt. Một số người thậm chí đau lan xuống cả vùng chân. 

 

Nguyên nhân đầu tiên và cơ bản nhất chính là việc cơ thể bạn trở nên nặng nề. Bạn mang trong mình một bào thai. Càng về những tháng cuối, khi thai lớn lên thì độ cong sinh lý của sống lưng thai phụ cũng thay đổi theo.

Bạn hình dung tử cung to khiến trọng tâm cơ thể thai phụ đổ về phía trước. Đương nhiên, để đảm bảo sự cân bằng cho cơ thể thì đầu và vai của thai phụ phải ngửa về đằng sau. Chính cái “dáng” nói trên khiến độ cong của eo tăng lên, làm cho chứng đau mỏi xuất hiện.

giam-dau-vung-that-lung

Nguyên nhân kế đến, trong suốt chín tháng thai kỳ, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi về hormone. Một vài hormone tiết ra khi mang thai có tác dụng làm cho da căng để sự trao đổi chất diễn ra và em bé có thể lớn lên được dễ dàng nhưng nó lại làm mất cân bằng tự nhiên trong cơ thể người mẹ, tạo nên những cơn đau ở thắt lưng. 

Đau lưng là triệu chứng phổ biến khi mang thai do tử cung và bụng to lên chèn vào cột sống, các cơ cột sống vùng thắt lưng giãn ra quá mức hoặc do giãn khớp cột sống.

Cuối thai kỳ, chuẩn bị sinh nở, 1 hormone khác cũng được tiết ra càng lúc càng nhiều làm cho bọc ối vỡ ra và đứa bé có thể lọt lòng dễ dàng.

Một nguyên nhân khác, dây chằng ở xương chậu thai phụ cũng bị giãn ra, khớp xương lỏng lẻo nên khiến cho nhiều thai phụ bị đau mỏi suốt ở khu vực từ thắt lưng xuống hai chân như thế. Ngoài ra, còn có thể do mẹ bầu uống không đủ sữa, không đảm bảo đủ lượng Canxi cho chính mình, dẫn đến xương như “yếu” hẳn đi. Thông thường, đến tháng thứ 5, cơn đau vùng thắt lưng sẽ mỗi lúc một tăng cho đến khi sinh. Cơn đau sẽ xuất hiện vào cuối ngày, khi mà cơ thể người mẹ bắt đầu mệt mỏi. 

Làm gì để bớt… đau?

Thật không dễ chịu chút nào khi vùng thắt lưng cứ âm ỉ một cơn đau. Nhiều thai phụ chia sẻ lắm lúc cảm thấy như muốn “điên” lên khi cơn đau cứ “hoành hành”, khiến không ăn không ngủ gì nổi cả.

Để đối phó tạm thời với cơn đau thắt lưng, bạn có thể nhờ người thân xoa bóp nhẹ nhàng giúp ở vùng bị đau. Nhưng chú ý là chỉ xoa bóp nhẹ nhàng bằng tay, không sử dụng dầu xoa bóp, tinh dầu massage hay bất cứ loại dầu nóng nào.

giam-dau-vung-that-lung

Về “phương án” lâu dài, đơn giản là hãy… đọc thật kỹ lại lần nữa những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau thắt lưng, để tìm cách hạn chế chúng. Ví dụ như để ngăn ngừa thiếu Canxi, bạn nên chú ý bổ sung Canxi đầy đủ, uống đủ lượng sữa cần thiết hoặc ăn thêm các thực phẩm giàu Canxi như hải sản, cua, cá…

Những tháng cuối thai kỳ, nên giảm dần các hoạt động đi lại nhiều, để tránh lưng phải “gánh” tất cả trọng lượng của em bé (nửa người phía trên cứ ngả về sau, dẫn đến lưng phải cong về phía trước nhiều hơn dễ gây đau mỏi). Mẹ bầu cũng nên nhờ đến người nhà để tránh lao động quá sức, tránh thường xuyên căng thẳng, mỏi mệt sẽ làm các cơn đau lưng ngày càng nặng nề hơn. 

Mẹ cần biết

Hội chứng đau thắt lưng chậu đặc trưng bởi đau nhiều vùng xương mu và hai bên chậu. Theo nghiên cứu của tác giả Elisabeth K. Bjelland, các sản phụ có hội chứng đau thắt lưng chậu thường yêu cầu được sinh mổ vì họ sợ sinh bình thường sẽ bị đau trong và sau sinh.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy nguy cơ đau vùng chậu nặng 6 tháng sau sinh ở người lên chương trình sinh mổ cao gấp 2-3 lần người sanh thường. Điều này nghĩa là bạn không nên “căn cứ” vào chuyện mình thường đau ở vùng thắt lưng để quyết định sinh mổ. Những sản phụ đau vùng chậu thắt lưng nếu sinh mổ sẽ làm tăng nguy cơ không hồi phục. Ngoại trừ những lý do y khoa phải mổ lấy thai, thì sinh thường luôn là lựa chọn an toàn nhất cho những sản phụ có đau vùng chậu thắt lưng nặng trong thai kỳ.

Mẹ bầu lưu ý

– Hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu trong chín tháng thai kỳ. Tư thế ngồi phải thật vững sao cho hai chân có thể nâng lên nhẹ nhàng. Chọn ghế ngồi có phần tựa và đặt thêm chiếc gối nhỏ phía sau lưng, tránh ngồi khom lưng.

– Khi nằm không nên nằm giường cứng mà nên có nệm chắc, không quá mềm, quá dày và có quá nhiều lò xo đàn hồi. Nên nằm nghiêng, không nên nằm ngửa khi ngủ. Có thể đặt thêm gối ở giữa hai đầu gối và vùng xung quanh bụng hoặc sử dụng gối ôm dài.

– Khi cần lấy một vật ngoài tầm tay thì không nên với, rướn người. Tốt nhất nên nhờ người khác lấy giúp. Ai cũng sẽ sẵn lòng giúp bạn.

– Khi đi lại, đứng, ngồi… nên cố gắng giữ cho phần lưng thẳng.

– Không nên ngồi xổm. Cần nhặt một vật dưới đất thì từ từ khuỵu chân xuống chứ không cúi lưng như lúc chưa mang thai. Thực hiện điều này từ những tháng đầu thai kỳ, khi cơ thể vẫn còn nhẹ nhàng chứ đừng đợi đến lúc bụng đã lớn.

– Không nên mang các loại giày cao gót.

– Không nên làm các việc nặng trong nhà, chọn các việc làm nhẹ nhàng, phù hợp.

– Thường xuyên luyện tập các các bài thể dục nhẹ (đi bộ, thể dục tay không, yoga, bơi lội…) một cách thường xuyên.

– Cuối thai kỳ, nên nghỉ ngơi tăng cường. Ngồi hoặc nằm nên có gối tựa phù hợp (thiết kế riêng cho bầu) để phần thắt lưng đỡ đau mỏi. 

– Khi lên xuống cầu thang nên đặt hai chân trên một bậc rồi mới bước tiếp. Tránh thay đổi tư thế đột ngột.

– Nên chọn quần áo thoáng rộng dễ mặc, giày đế bằng, quai dễ xỏ… Khi mặc quần áo, mang giày… cần ngồi xuống hoặc đứng ở nơi có chỗ dựa.

– Giữ ấm cơ thể và vùng lưng. Tắm nước ấm cũng là cách giúp bạn giảm bớt cơn đau.

– Nếu có biểu hiện đau tăng, đau âm ỉ kéo dài, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa sản để khám và được tư vấn điều trị.

Tags:

Bài viết liên quan