Sự phát triển và phổ biến của điện thoại đã đi kèm với hội chứng Nomophobia – hội chứng lo sợ không có điện thoại. Chúng ta vùi mặt vào điện thoại mọi lúc mọi nơi, cảm thấy lo sợ mỗi khi không có điện thoại ở bên cạnh.
Hội chứng Nomophobia có nghĩa là gì?
Nomophobia là một thuật ngữ được đặt ra vào năm 2008 bởi Cục bưu điện Anh. Vào thời điểm này, có đến hơn 1/2 người tham gia khảo sát cảm thấy rơi vào trạng thái căng thẳng khi không được sử dụng điện thoại.
Thuật ngữ này được viết tắt từ cụm từ “no mobiephone phobia”, với “no mobiephone” dùng để chỉ trạng thái không có điện thoại di động, còn “phobia” là một thuật ngữ khoa học chuyên chỉ những nỗi lo lắng, ám ảnh. Như vậy, hiểu một cách đơn giản thì hội chứng Nomophobia là hội chứng dùng để chỉ những người “không thể sống thiếu điện thoại”.
Các nghiên cứu về “bệnh” Nomophobia
Có thể nói, việc không thể sống thiếu điện thoại di động như một căn bệnh của thời hiện đại. Bởi khi công nghệ càng phát triển, chúng ta càng gắn liền với chúng và phụ thuộc vào chúng. Một số nghiên cứu khoa học cũng như số liệu đã chỉ ra rằng, hội chứng không thể sống thiếu điện thoại ngày càng lan rộng và phổ biến trên các quốc gia trên toàn cầu:
- Theo nghiên cứu của các GS Trường đại học Purdue (Ấn Độ), có đến gần 90% sinh viên tham gia nghiên cứu đã cho biết, họ luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi điện thoại không rung lên hoặc họ không nhận được thông báo từ các tin nhắn hay mạng xã hội. Thậm chí, họ còn cảm nhận thấy “tiếng rung ma”, tức nghe và cho rằng điện thoại đang rung hoặc đang đổ chuông dù thực tế điện thoại không hề có bất cứ âm thanh hay hiện tượng rung nào.
- Một số nghiên cứu tại khu vực châu Á cũng đã chỉ ra rằng, khu vực này có đến hơn 2,5 tỷ người dùng điện thoại di động. Trong đó, các quốc gia như Singapore, Trung Quốc và Nhật Bản luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ người nghiện điện thoại cao nhất thế giới.
Những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc hội chứng Nomophobia
Không phải ai cũng có thể dễ dàng nhận ra mình đã “nghiện”, đặc biệt khi điều bạn “nghiện” lại là một vật dụng quen thuộc hằng ngày như chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể “bắt bệnh” dựa trên một vài triệu chứng như:
Luôn trong tình trạng lo lắng khi điện thoại hết pin
Với chiếc điện thoại, bạn có thể liên lạc với người thân, bạn bè, kiểm tra tin nhắn từ đồng nghiệp, cập nhật tin tức trên mạng xã hội,… Vì vậy, khi chiếc điện thoại của bạn đang trong trạng thái pin yếu hoặc hết pin, bạn sẽ cảm thấy vô cùng hoảng loạn, tìm mọi cách để sạc pin nhanh nhất có thể.
Thậm chí, một số người còn luôn cố gắng để điện thoại được sạc pin thật đầy. Khi điện thoại mất đi trên 20% pin, họ sẽ tìm cách để tiếp tục sạc điện thoại nhằm hạn chế tối đa tình trạng điện thoại hết pin.
Thường xuyên kiểm tra điện thoại
Một người mắc hội chứng Nomophobia luôn kiểm tra điện thoại thường xuyên dù cho bất kỳ tình huống nào đi chăng nữa. Khi bạn đi ra ngoài hoặc đang trong bất cứ tình huống nào như đang chạy xe, đang trò chuyện cùng bạn bè, bạn cũng thường dừng lại các hoạt động của mình sau mỗi ít phút để kiểm tra điện thoại.
Luôn dành thứ tự ưu tiên cho chiếc điện thoại
Đã bao giờ bạn về nhà, việc đầu tiên bạn làm là đứng trước cửa nhà để kiểm tra tin nhắn điện thoại thay vì cởi giày dép và bước vào nhà?
Đã bao giờ việc đầu tiên khi bạn thức dậy là kiểm tra điện thoại xem trong lúc ngủ mình bỏ lỡ những gì thay vì bước xuống giường và đánh răng rửa mặt?
Nếu bạn luôn dành thứ tự ưu tiên cho chiếc điện thoại của mình, đây là một dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc chứng Nomophobia – cảm thấy lo lắng nếu sống thiếu điện thoại.
Ít giao tiếp thực tế với mọi người
Khi rơi vào trạng thái lệ thuộc vào chiếc điện thoại, bạn sẽ chỉ muốn giao tiếp với mọi người bằng cách nhắn tin, trò chuyện thông qua thiết bị công nghệ này thay vì trực tiếp giao tiếp như bình thường.
Hội chứng Nomophobia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của bạn?
Dễ bị mất ngủ
Trong năm 2020, tạp chí Journal từng có một cuộc khảo sát với 327 sinh viên về tầm ảnh hưởng của điện thoại đối với đời sống của họ. Cuối buổi khảo sát, kết quả cho thấy có đến gần 300 sinh viên (tức gần 90%) lo sợ khi không có điện thoại. Giấc ngủ của những sinh viên này cũng thường bị gián đoạn, ngủ không ngon giấc, dễ bị mất ngủ.
Để lý giải hiện tượng này, đồng tác giả nghiên cứu và phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Hendrix ở Conway, Jennifer Peszka cho rằng, việc giấc ngủ bị ảnh hưởng là do họ thường kiểm tra điện thoại, bao gồm cả thông báo trên mạng xã hội, tin nhắn, email,… trước khi ngủ dù đã lên giường, tắt đèn và chuẩn bị ngủ.
Điều này khiến người mắc chứng Nomophobia tiếp tục lướt điện thoại thêm nhiều giờ liền, thường xuyên giật mình giữa đêm để kiểm tra điện thoại hoặc không dám tắt chuông điện thoại khi ngủ vì sợ mình sẽ bỏ lỡ những thông báo quan trọng.
Rơi vào trạng thái căng thẳng
Hội chứng Nomophobia có thể đẩy bạn rơi vào rối loạn lo âu trầm cảm nếu bạn không “cai nghiện” được thói quen sử dụng điện thoại liên tục của mình. Việc lo lắng khi không có điện thoại bên mình hay cảm thấy bất an nếu không có thông báo điện thoại sẽ khiến bạn mệt mỏi, luôn suy nghĩ về vấn đề này.
Ảnh hưởng đến công việc
Khi tâm trí luôn đặt vào điện thoại, bạn sẽ không thể tập trung làm tốt vấn đề được giao. Cũng chính vì thế, bạn không thể hoàn thành tốt công việc của mình và khiến công việc không đạt được chất lượng như mong muốn.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Những người thường xuyên phải suy nghĩ nhiều, căng thẳng, mệt mỏi sẽ dễ bị suy nhược cơ thể, không thể hấp thụ đầy đủ dưỡng chất khi ăn uống. Hơn nữa, khi mắc hội chứng Nomophobia, bạn thường có thời gian ngủ ngắn, cơ thể không thể tái tạo năng lượng, khiến bạn thường xuyên uể oải, đau đầu,….
Chưa kể, việc bấm điện thoại thường xuyên còn khiến bạn dễ bị hoa mắt, thị lực kém, đau vai gáy,…
Mất khả năng giao tiếp
Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bạn mắc “bệnh” lệ thuộc quá mức vào điện thoại chính là bạn chỉ cảm thấy thoải mái khi giao tiếp qua điện thoại. Lâu dần, bạn sẽ không tìm được cách để trao đổi thông tin, trò chuyện trực tiếp với người khác. Điều này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của bạn, khiến bạn gặp khó khăn trong việc giãy bày suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Chúng ta có thể “chữa bệnh” lệ thuộc vào điện thoại hay không?
Để giải thích về hội chứng Nomophobia, Tiến sĩ chuyên ngành An ninh mạng thuộc Đại học North America (Mỹ), John Laprose cho biết, nguyên nhân chính khiến chúng ta ngày càng lệ thuộc vào điện thoại nằm ở chính chúng ta.
Chúng ta chạm vào smartphone khoảng hơn 2.500 lần/ngày, nhiều hơn 100 lần ta động chạm người ta thương yêu. Một khi bạn khởi động smartphone, bạn sẽ không thể dừng sử dụng – TS John Laprose chia sẻ. Vì thế, việc có lệ thuộc vào điện thoại hay không gần như phụ thuộc vào chính bản thân bạn.
Tắt thông báo điện thoại sau 9 giờ tối
Để có thể “cai nghiện”, hãy tập thói quen tắt hết toàn bộ thông báo điện thoại sau 9 giờ tối hoặc trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút. Như vậy, bạn sẽ không bị các thông báo tin nhắn, cuộc gọi làm phiền, khiến bạn buộc phải sử dụng điện thoại. Lâu dần, bạn có thể cải thiện được tình trạng dùng điện thoại quá thường xuyên của mình.
Để điện thoại ở những nơi khó chú ý đến
Nếu đã xác định mình đang rơi vào hội chứng Nomophobia, bạn nên tập “cách ly” điện thoại bằng cách để điện thoại ở những khơi bạn khó thấy. Khi điện thoại không ở trước mắt, bạn sẽ quen dần với việc không có điện thoại bên cạnh.
Tham gia nhiều hoạt động khác
Để có thể phân tán sự chú ý của bản thân, bạn có thể đăng ký tham gia các hoạt động ngoài trời, đi học nấu ăn, đi du lịch hoặc bất kỳ hoạt động nào bạn yêu thích, miễn là các hoạt động này không yêu cầu bạn sử dụng điện thoại. Như vậy, bạn có thể giảm thiểu thời gian và sự tập trung của mình cho chiếc điện thoại mà bạn vẫn luôn cảm thấy “gắn bó”.
Trò chuyện trực tiếp nhiều hơn
Giao tiếp xã hội nhiều hơn cũng là một cách để bạn không lệ thuộc vào điện thoại, từ đó giảm bớt các căng thẳng, lo lắng nếu một ngày điện thoại hết pin hoặc rơi vào tình huống không thể sử dụng điện thoại trong một thời gian dài.
Điện thoại thông minh ra đời đã giúp cuộc sống của chúng ta dễ dàng và thoải mái hơn. Tuy nhiên, hãy sử dụng điện thoại một cách thông minh thay vì lệ thuộc chúng, để bản thân rơi vào hội chứng Nomophobia bạn nhé!