Học thêm từ lâu đã trở thành truyền thống giáo dục của các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đương nhiên, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của học thêm trong việc giúp các bé củng cố kiến thức. Từ đó, trở thành nền tảng giúp con đạt được kết quả học tập tốt hơn. Thế nhưng, liệu con có thực sự cần học thêm như một nhu cầu cấp bách như nhiều người vẫn nghĩ?
Học thêm có phải lựa chọn cần thiết cho con?
Câu trả lời là con cần học thêm. Thế nhưng, không phải những môn văn hóa có trong sách giáo khoa, có ở trường lớp. Đồng ý là ở trên lớp các thầy cô có thể không dạy hết hay cố tình “giấu” bớt bài, nhưng kiến thức là quá mênh mông mà việc học trên lớp chỉ chiếm một phần trong số đó. Do đó, một đứa trẻ đứa trẻ “thành công” không phải do con có điểm số cao, mà vì con giàu trải nghiệm thực tế, kỹ năng sống.
Tất nhiên việc học ở mỗi cấp là khác nhau. Trẻ cấp 1 đến trường chủ yếu là để làm quen với việc học. Trẻ cấp 2 bắt đầu hình thành thói quen học. Lên cấp 3, con vừa cần kiến thức vừa cần phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học… Tuy nhiên, thay vì tìm tới những trung tâm học thêm để gây áp lực cho học sinh, bạn nên dạy con cách phân phối thời gian học một cách khoa học và cùng con rèn luyện ngay từ bé nhé.
Làm sao để con không bị căng thẳng về việc học thêm?
Bước 1: Lập thời gian biểu
Lập thời gian biểu giúp phụ huynh và con cái bao quát việc học. Khi làm việc này, bạn cần đáp ứng những tiêu chí sau:
- Dành thời gian học các môn đều như nhau, không phân biệt môn này chính, môn này quan trọng
- Đọc bài, ôn bài, học thuộc bài trước khi lên lớp
- Cố gắng làm bài tập sớm trước 1-2 hôm để nếu trước ngày lên lớp xảy ra chuyện đột xuất ( ví dụ đi chơi, nhà cúp điện…) thì con cũng đã hoàn thành rồi
- Chia rõ cả thời gian vui chơi, thể thao, đọc sách và làm việc nhà
Trong quá trình thực hiện bảng thời gian biểu, mẹ cần theo thật dõi sát sao. Đồng thời, mẹ cũng phải kiên nhẫn, không mắng mỏ, đánh đập khiến con nản hay sợ học.
Bước 2: Tạo hứng thú đọc sách
Đọc sách đôi khi còn đem tới nhiều tri thức hơn việc học thêm thụ động. Vì thế, bố mẹ hãy tạo hứng thú đọc sách cho con bằng cách chỉ đọc một nửa câu chuyện trong sách và bỏ lửng đi làm việc khác. Trí tò mò sẽ khiến con mở sách ra và đọc nốt phần còn lại. Lặp đi lặp lại điều này sẽ dần xây dựng được thói quen đọc sách cho con.
Ngoài ra, bố mẹ có thẻ thường xuyên dẫn con tới thư viện làm thẻ hoặc đi nhà sách. Việc tự đi bộ trong những nơi đầy sách và mùi thơm sách mới chính là niềm vui nho nhỏ của bọn trẻ đấy!
Bước 3: Đưa kiến thức đã học vào thực tiễn
Với những bé nhỏ đang học toán, thay vì chỉ làm bài tập và đi học thêm, phụ huynh có thể cho bé tiền lẻ để tự đi mua kem hoặc kẹo bánh mà mình thích. Đây là cách giúp con vừa học cách tính nhẩm các phép toán, vừa rất thực dụng. Bạn cũng có thể mua một quả địa cầu về và chỉ cho con cách tìm hiểu về địa lý. Hãy thử rủ con chơi trò đóng vai. Như vậy, con có thể nhớ bài tốt hơn và thêm hứng khởi trong việc học tập.
Bước 4: Tham gia thể thao, nghệ thuật
Thể thao rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Cụ thể, bóng bàn giúp giảm khả năng cận thị và bóng rổ giúp bé tăng chiều cao. Thông qua thể thao cũng huấn luyện các con về tính bền bỉ, sự kiên trì, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong một tập thể thay vì thắng – thua đơn thuần.
Bên cạnh đó, nếu con thích hát, vẽ, nhảy…những môn nghệ thuật thì hãy ủng hộ ước mơ trong các bé thay vì buộc con đi học thêm các môn học trong trường bạn nhé!
Bước 5: Luôn duy trì việc tâm sự riêng với con
Điều quan trọng trong tất cả mối quan hệ là lắng nghe và trao đổi. Có người nói thì phải có người nghe và ngược lại. Duy trì thói quen tâm sự với con để giúp con cái và bố mẹ hiểu nhau hơn. Đôi khi cũng sẽ có những hiểu lầm, cãi vã nhưng trên hết người lớn phải thực sự kiên nhẫn, bình tĩnh, không to tiếng và biết nhận lỗi sai của mình. Khi làm vậy con cái có xu hướng học theo, lắng nghe và mọi chuyện sẽ trở lại bình thường.
Bước 6: Đừng quên công việc nhà
Làm việc nhà giúp con khéo léo, tích lũy thêm được nhiều kỹ năng sống hơn, bố mẹ đỡ vất vả và con có trách nhiệm với gia đình hơn. Những điều này con mang đến nhiều lợi ích hơn so với việc bạn cho trẻ đi học thêm. Đôi khi con làm việc nhà sẽ không vừa ý mình nhưng hãy thực sự bình tĩnh, đừng trách móc, mắng mỏ vì điều này sẽ phản tác dụng, kích động tâm lý muốn nổi loạn của trẻ.
Bước 7: Chuẩn bị cho tuổi dậy thì
Hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin, trang web độc hại làm ảnh hưởng không tốt tới tâm sinh lý trong quá trình phát triển của con. Đây là điều không thể tránh khỏi, cũng không thể bài trừ hoàn toàn. Vì thế phụ huynh cần trở thành một người thầy, người bạn để chia sẻ những kinh nghiệm cho con, mua sách cẩm nang tuổi teen để cùng con đọc và giải đáp thắc mắc khi cần.
Điểm số hay thành tích là điều cần thiết cho học sinh. Tu nhiên, học thêm có chọn lọc, thực tế và có thời gian khoa học mới là những điều các con thực sự cần. Bởi rốt cuộc khi lên tới đại học thứ con cần lại là một thói quen tự học, tự lập thời gian biểu và tự lập nhiều hơn mà thôi. Mẹ có nghĩ như thế không?