Nhìn những gia đình bạn bè đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, nghe những người bạn gái “cằn nhằn” ông xã không biết dành dụm lo cho con cái, không ít đôi vợ chồng hiếm muộn thoáng cười buồn. Bởi lẽ, tuy đủ đầy về vật chất, chẳng mấy khi phải lo toan chuyện con bệnh, con đau hay con sắp đi học, nhưng dường như họ vẫn không thấy vậy là… khỏe chút nào!
Những ngôi nhà bặt tiếng cười trẻ thơ
Chung sống cùng nhau 1-2 năm đầu trong cảnh vợ chồng son thì thấy không gian thật ấm cúng, mọi chuyện thật viên mãn. Nhưng từ năm thứ 3, thứ 4 trở đi, nếu như vợ chồng vẫn cảnh đi đi về về “hai mình” thì đâu đó, nỗi buồn bắt đầu len lén bước vào những nơi gọi là “mái ấm”.
Anh Trần Minh Phong (Quận 7) thú thật: “Hai vợ chồng cái gì cũng ổn, từ công việc đến ứng xử, tính tình. Cưới nhau 4 năm mà nhà cao cửa rộng, xe hơi đắt tiền, vài căn hộ ở Phú Mỹ Hưng. Những điều đó quả thật là giấc mơ của không ít đôi vợ chồng khác. Nhưng ông trời dường như không cho ai toàn vẹn cái gì. Bốn năm sau ngày cưới, vợ chồng tôi trông mong từng tháng vẫn không có tin vui. Cô ấy dần lặng lẽ đi, cứ hay thần người một mình. Buổi tối, ăn cơm với nhau xong, trong căn nhà rộng thênh thang vắng lặng, lắm lúc chúng tôi phải mở tivi thật lớn chỉ để át cảm giác vắng vẻ, lạnh lẽo của nơi này…”.
… nỗi buồn bắt đầu len lén bước vào những nơi gọi là “mái ấm” (Ảnh minh họa)
Nỗ lực xét nghiệm, tìm đến sự can thiệp của y học, nhưng vợ chồng anh Tuấn – chị My (Quận 5) vẫn bặt vô âm tín tin vui. Mọi kết quả đều… tốt cả, đến mức chính bác sĩ cũng chỉ biết khuyên vợ chồng canh ngày và cố gắng duy trì lịch gần gũi đều đặn với nhau chứ cũng chẳng biết “chữa” thế nào. Ấy vậy mà thiên thần nhỏ – mơ ước của anh chị – dường như vẫn còn tung tăng… chơi trốn tìm ở phương nào, nhất định không về với ba mẹ.
Có một đứa trẻ luôn là khát khao của những cặp vợ chồng hiếm muộn (Ảnh minh họa)
Chị My tâm tình: “Vợ chồng, sau 5 năm là tình yêu đã nhạt bớt rồi. Có chăng là cái nghĩa, là cảm giác gần gũi, thân quen, bền bĩ. Nếu có đứa con trong thời điểm này, thì chính con cái sẽ là cầu nối giúp tình cảm vợ chồng thêm bền chặt, vì có nhiều nỗi lo toan phải cùng chia sẻ với nhau. Ngược lại, khi không có con, nỗi buồn như càng lúc càng mênh mang. Vợ chồng mình không ai bảo ai, tự dưng rất sợ những đợt lễ tết dài ngày. Vì đó là những ngày 24/24 đi ra đi vào chạm mặt nhau, cảm nhận rõ rệt sự trống vắng nơi nhau…”.
Khi vợ chồng hiếm muộn, có một nguy cơ khác còn xen vào mối quan hệ gia đình: Đó chính là những “người thứ ba”! Chị Kiều Dung (Quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Ảnh có mối quan hệ tình cảm ngoài luồng với một cô nhân viên đã 6 tháng nay. Tôi phát hiện thì ảnh nói vậy giờ em muốn anh phải làm gì, khi em không thể cho anh được lấy một đứa con nối dõi? Tôi nói chuyện với người nhà, mong tìm được sự can ngăn, thì chính mẹ chồng tôi lại bảo: Con… nhắm mắt làm ngơ đi! Đàn ông đương nhiên cần có con cái, huống chi thằng T. (chồng chị) lại là con trai một trong nhà nữa. Nó vẫn yêu con và mẹ vẫn coi con như con dâu trưởng trong nhà. Nhưng con hãy thông cảm với những chuyện nặng lòng của nó…”.
Hiếm muộn = Không thể hạnh phúc?
Khi tỷ lệ hiếm muộn ngày một tăng cao, trở thành một gánh nặng, một trong những nguy cơ đổ vỡ gia đình, làm giảm đi niềm hạnh phúc của cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng vậy! Có những đôi vợ chồng lại vẫn rất hạnh phúc, bảo toàn được niềm vui trong mái ấm gia đình mình dù vắng bặt tiếng cười trẻ thơ.
Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh chia sẻ: “Điều quan trọng nhất là sự cảm thông, độ hiểu nhau của vợ chồng. Con cái đúng là rất quan trọng. Nhưng không có con cái không có nghĩa là không thể hạnh phúc. Tôi đã từng thấy nhiều đôi vợ chồng vẫn sống vui, sống khỏe với những chia sẻ khác cùng nhau, động viên nhau cùng bước trên chặng đường dài…”.
Hạnh phúc đến từ chính chia sẻ, động viên nhau cùng bước trên chặng đường dài (Ảnh minh họa)
Như câu chuyện của vợ chồng anh Trần Minh Phong được nhắc đến ở đầu bài. Sau 4 năm trời nỗ lực vẫn chưa có được tin vui, anh và vợ lại bắt đầu trở thành… cha mẹ đỡ đầu tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi B.T (Biên Hòa, Đồng Nai). Mỗi tuần, đến thứ bảy và chủ nhật, anh chị lại dành trọn thời gian tại đây. Chăm sóc trẻ, chơi đùa với những em bé vài tháng tuổi đã bị bỏ rơi, anh chị thật sự cảm thấy cuộc sống của mình trở nên nhiều niềm vui và ắp đầy ý nghĩa.
“Có những hôm tôi đang làm việc, cô bảo mẫu ở trung tâm đưa điện thoại cho bé N. – một cô bé 3 tuổi rất quấn quýt vợ chồng tôi. Tiếng bé líu lo bên kia: ‘Ba ơi, ba ăn cơm chưa? Cuối tuần ba lên chơi với con nhé!’ khiến tôi muốn chảy nước mắt. Cảm giác ấm áp tràn về. Hai vợ chồng còn đang bàn nhau, thực hiện thủ tục xin một bé về nhà nuôi luôn. Con cái là cái duyên, là phúc lộc, trời cho sao hưởng vậy. Chưa có con ruột thì mình xin con nuôi. Có sao đâu!”.
Con nuôi cũng là giải pháp mang đến hạnh phúc cho những cặp hiếm muộn (Ảnh minh họa)
Chưa tìm cách xin con nuôi như anh Phong, vợ chồng anh Tuấn – chị My sau thời gian dài “chung sống” với cảnh hiếm muộn lại tìm những giải pháp khác cho riêng mình. “Chúng tôi bắt đầu đăng ký học một số lớp ngoại khóa cùng nhau như đàn, vẽ, nấu ăn, khiêu vũ… Hai vợ chồng cũng tranh thủ thời gian đi du lịch, chia sẻ với nhau cảm giác mới mẻ khi đặt chân đến những vùng đất mới. Giờ, tôi cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều, khi nhận ra vợ chồng mình vẫn hạnh phúc, cân bằng kể cả khi chưa có con. Đôi lúc, nỗi buồn vẫn xen vào, nhưng chúng tôi chấp nhận điều đó và động viên lẫn nhau. Thật ra, nhìn lại, nhiều bạn bè tôi suốt ngày đau khổ với chuyện chồng ngoại tình, chồng vũ phu, rồi thì xích mích, cãi cọ, cảm thấy có con xong vợ chồng xa cách… Con người ta không khổ cái này thì khổ cái khác. Vậy tại sao mình không nhìn vào cái mình có để hạnh phúc, mà lại chỉ nhìn cái mình không có để đau khổ? Tôi có một người chồng rất hiểu mình, chăm chút, thương yêu vợ. Vậy còn mong gì hơn nữa?”, chị My thẳng thắn cho biết.
Du lịch, tham gia các chương trình ngoại khóa cũng là cách mang đến hạnh phúc (Ảnh minh họa)
Quả thật, tự tìm cho mình những niềm vui chính là cách “thoát” ra khỏi chuyện hiếm muộn một cách nhẹ nhàng nhất. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Minh Hạnh cũng nhấn mạnh: “Rất nhiều cặp vợ chồng nước ngoài thậm chí chủ động với việc không có con đều có những lý do riêng của họ. Mỗi người có một hoàn cảnh, một cuộc sống. Việc không có con những lại có rất nhiều đứa trẻ gọi bằng cha mẹ đỡ đầu, việc vợ chồng cùng sẻ chia với nhau mọi buồn vui chính là cái nền để vượt qua những khó khăn của chuyện hiếm muộn. Tôi đã từng thấy những cặp vợ chồng hiếm muộn rất hạnh phúc bên nhau. Đơn giản bởi vì họ nhận ra mình được mất điều gì, và tập trung hướng đến niềm vui, hơn là chỉ ngồi gặm nhấm nỗi buồn hiếm muộn!”.
Tạo ra hạnh phúc dù hiếm muộn
Tìm cách chăm sóc, đỡ đầu hoặc nhận một đứa trẻ làm con nuôi. Chính sự hồn nhiên và tình yêu của trẻ sẽ khiến bạn cảm thấy cuộc sống của mình đầy ý nghĩa.
Luôn chia sẻ cùng nhau thay vì vội vã nghĩ đến chuyện chia tay hay tìm đến người thứ ba để nỗ lực… có con cùng người khác. Khi vợ chồng cùng hướng về nhau, bạn sẽ thấy cuộc sống của mình vẫn đầy ắp niềm vui, dù con chưa tới.
Hãy tận dụng thời gian để làm những điều bạn thích (những điều mà các cặp vợ chồng đông con có khi lại chưa làm được), đi du lịch dài ngày, cùng nhau thưởng thức cuộc sống của vợ chồng son: giải trí, ăn ngoài, học thêm nhiều môn năng khiếu…