Căng thẳng gây hại gì cho trẻ?
1. Ảnh hưởng cá tính và tâm lý thai nhi
Bạn nghĩ thầm: “Con mới là một bào thai, đã biết gì đâu mà cảm nhận được sự căng thẳng của mẹ, ảnh hưởng theo?”. Thế nhưng, bạn biết không, kỳ thực là khi thai phụ căng thẳng, có những hormone trong cơ thể bạn sẽ biến đổi, nhịp tim bạn thay đổi… Tất cả những điều ấy đều “kết nối” trực tiếp đến bé, khiến bé cảm nhận được.
Một người mẹ trong thời gian “bầu bí” bị ức chế tinh thần vì công việc, vì gia đình chồng, vì chồng hoặc vì một số lý do nào đó sẽ dễ tức giận. Và em bé khi chào đời sẽ dễ có sự cáu bẳn, khó tính, dễ bực tức, hung hăng, ít thích gần gũi với người khác theo. Không phải vô cớ các nhà khoa học tính đến chuyện “thai giáo” (dạy cho con ngay từ khi mới là một bào thai). Thực tế, mọi căng thẳng của mẹ suốt chín tháng thai kỳ có ảnh hưởng không ít đến sự phát triển hoàn chỉnh tâm lý của đứa trẻ.
2. Trẻ sinh ra chậm nói
Khi thực hiện nghiên cứu về những đứa trẻ chậm phát triển ngôn ngữ, các nhà khoa học bất ngờ phát hiện ra một “liên kết” đáng quan tâm: Ước tính có khoảng 15% trẻ chậm phát triển ngôn ngữ là do mẹ bị rối loạn cảm xúc trong thai kỳ. Tuy chưa có một bằng chứng thật sự rõ ràng để chứng minh điều này, nhưng có vẻ như sự trầm cảm, lo âu, căng thẳng của mẹ đã làm giảm các hoạt động như ăn uống, nghỉ ngơi. Điều này gây thiếu hụt các chất cần thiết cho phát triển thần kinh của thai nhi khiến bé sau này chậm nói.
Song song với việc chậm nói, khi nghiên cứu về khả năng học tập và trí nhớ của 112 trẻ 6 tuổi, các nhà khoa học cũng nhận ra những trẻ có người mẹ lúc mang thai chịu nhiều căng thẳng thì chỉ số tập trung, chú ý của trẻ khi lớn lên cũng kém trẻ bình thường. Khi đo vùng não giúp khả năng nhớ và tập trung của các bé, người ta cũng thấy trẻ sinh ra từ bà mẹ có thai kỳ chịu nhiều căng thẳng có vùng não này nhỏ hơn.
3. Nguy cơ tự kỷ, tăng động
Tương tự như việc chậm nói, chưa có bằng chứng khoa học để chứng minh 100% trẻ sinh ra từ mẹ bị căng thẳng sẽ bị tự kỷ. Tuy nhiên, nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho đến thời điểm này đều nhận định: Ở mẹ bị trầm cảm, các hormone tâm lý của mẹ tác động vào hệ thống tuyến nội tiết của con. Từ đó hệ thống này bị giảm chức năng nên dẫn đến thiếu hụt một số hormone, khiến trẻ sinh có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ.
Cụ thể, nếu thai phụ bị rối loạn tâm lý, trầm cảm, căng thẳng ở tuần thứ 32 thì trẻ sinh ra có nguy cơ bị rối loạn hành vi cao gấp hai lần, kéo dài đến 4-5 tuổi. Với thai phụ rối loạn tâm lý ở tuần thứ 38-40, tỉ lệ nguy cơ rối loạn hành vi của đứa trẻ cũng cao gấp hai lần nhưng kéo dài đến 7-8 tuổi. Nếu không muốn gây ảnh hưởng cho con, bạn hãy chọn giải pháp nỗ lực hướng mình đến một thai kỳ thư thái hơn.
Một nguy cơ khác có thể đến với thai nhi do sự căng thẳng của mẹ chính là việc trẻ có nguy cơ tăng động. Đánh giá hành vi của trẻ được sinh ra từ các mẹ có độ căng thẳng liên tục, dồn nén cảm xúc liên tục trong lúc mang thai, các nhà khoa học phát hiện thấy các trẻ này tăng động quá mức. Trẻ hành xử như bị kích động, thường xuyên không thể ở yên nhưng lại hoàn toàn không phải kiểu hoạt bát thông thường. Một số giả thuyết cho rằng, khi mẹ căng thẳng, lượng hormone cortisol và dolpamine trong máu sẽ gia tăng. Các chất này đi qua nhau thai làm nồng độ cortisol và dopamine ở những trẻ này tăng cao hơn so với trẻ bình thường khác.
4. Nhiều bệnh dễ xảy đến với con
Cụ thể, mẹ mang thai bị stress dễ làm thiếu oxy máu của thai nhi, từ đó ảnh hưởng đến dinh dưỡng của thai nhi, thậm chí trường hợp nặng nề có thể gây nên dị tật. Ngoài ra những đứa trẻ chào đời từ “thai kỳ căng thẳng” thế này cũng được xác định có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn so với những đứa trẻ khác. Chúng cũng có khả năng đối phó với căng thẳng trong cuộc sống kém hơn, sức khỏe cũng yếu hơn so với những đứa trẻ khác.
Các nghiên cứu khoa học cũng nhận ra dường như trẻ sinh ra từ một mẹ bầu căng thẳng quá có khả năng bị đồng tính cao hơn (nhất là các bé trai). Khi nghiên cứu ngược trở lại những nhóm người đồng tính, có một sự trùng hợp đáng chú ý là rất nhiều trong số đó có người mẹ chịu những ảnh hưởng tâm lý nặng nề lúc mang thai như chia tay với cha của đứa trẻ, ly hôn, chịu nhiều chuyện đau buồn, làm mẹ đơn thân… Nhiều mẹ bầu trong thời gian đó thậm chí đã phải chữa trị về trầm cảm.
Làm thế nào để có một thai kỳ thư thái?
Mẹo cho mẹ
Nên tham gia vào các lớp học tiền sản. Ở đó, bạn sẽ được chuẩn bị tâm lý chu đáo cho việc làm mẹ, cảm thấy đỡ căng thẳng, đỡ lo lắng hơn. Ngoài ra, những người bạn cùng “hoàn cảnh” (tức những bà bầu khác ấy mà!) sẽ giúp bạn thấy dễ chia sẻ, bớt đi những dồn nén, ức chế tâm lý nếu có trong khoảng thời gian đầy nhạy cảm này.
Đây là những gợi ý đặc biệt hữu ích cho bạn. Hãy thử tham khảo, thực hiện chúng, nỗ lực để giải tỏa mình thoát ra khỏi cảm giác căng thẳng. Nhớ là bạn đang làm điều ấy không chỉ vì sức khỏe của chính mình mà còn cho chính con yêu sắp chào đời nữa!
1. Ăn nhiều thực phẩm chứa sắt, chất xơ
Ăn uống lành mạnh có tác dụng tốt giúp giảm căng thẳng trong thai kỳ. Bạn hãy cố gắng bổ sung cho mình nhiều thực phẩm giàu chất sắt như rau lá xanh, các loại thịt đỏ, trứng, cá và đậu. Nếu uống viên sắt bổ sung, hãy uống thêm nước cam vì cam chứa nhiều vitamin C giúp hấp thụ chất sắt được dễ dàng hơn.
Bạn cũng nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ quả các loại. Những thực phẩm này cung cấp cho bạn một lượng calo hợp lý, chúng còn giúp bạn đánh bại chứng táo bón khó chịu trong suốt thai kỳ. Thấy “linh tinh” thế nhưng chúng thật sự mang lại hiệu quả đấy!
2. Cố gắng duy trì giấc ngủ và thể dục
Bà bầu rất dễ gặp tình trạng khó ngủ. Tuy nhiên, bạn cần nỗ lực biến phòng ngủ của mình thành một chốn thư giãn thật sự. Khi ở trong một không gian sạch sẽ, thơm tho, thoáng khí, màu sắc và ánh sáng trang nhã, nhẹ nhàng, bạn rất dễ chịu, đỡ mất ngủ, từ đó cảm giác căng thẳng sẽ mất đi. Trường hợp mất ngủ nhiều, thường xuyên, hãy chia sẻ cùng bác sĩ để tìm phương pháp phù hợp nhất.
Bên cạnh chuyện ngủ, bạn cũng cần lựa chọn cho bản thân những bộ môn tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hay tập yoga. Yoga rất tốt cho tinh thần, giúp bạn thư giãn, tăng sức mạnh, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau nhức và tính linh hoạt dẻo dai của cơ thể.
3. Tuyệt đối không tham công tiếc việc
Nhiều mẹ bầu thấy tiếc rẻ khi các cơ hội cứ đến với mình vào… chín tháng thai kỳ. Không muốn bỏ lỡ cơ hội, bạn ráng gồng mình để theo công việc, từ đó vô tình đẩy mình vào thế căng thẳng.
Hãy biết rằng, cho dù bạn có đầy tham vọng đến thế nào đi chăng nữa thì vẫn cần đặt đứa con và sức khỏe của chính mình thành ưu tiên một trong lúc này. Chấp nhận bỏ bớt các chuyến công tác xa, giảm tải công việc (cho dù chúng khiến bạn mất đi nhiều thu nhập chăng nữa). Phần thưởng bù lại cho bạn là bạn sẽ có được một thai kỳ thong thả hơn, thư thái hơn, ít stress hơn và cho phép mình thảnh thơi tận hưởng cảm giác làm mẹ thay vì chạy cuống cuồng đuổi theo công việc.
Bạn cần biết
Khi mang thai, khả năng đáp ứng đối với những thay đổi về áp lực công việc, tình cảm, đời sống của thai phụ sẽ kém nhiều so với người bình thường (do ảnh hưởng từ nội tiết tố). Do đó, nguy cơ bị căng thẳng trong thai kỳ là rất lớn.
Sự căng thẳng có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về mọi mặt như thể chất, thần kinh, tâm lý… làm tăng nguy cơ dẫn đến các tình trạng bệnh lý như tăng huyết áp, trầm cảm và có thể làm nặng thêm những bệnh lý đang có sẵn.
Một số nghiên cứu cho thấy stress mức độ nặng ở phụ nữ mang thai có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai lên 3-4 lần hoặc sinh non, sinh con nhẹ cân lên gấp 2 lần.
Khi thấy mình rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, bạn không nên âm thầm chịu đựng mà cần chia sẻ điều này với người thân, bác sĩ. Đây thật sự là lúc bạn cần giúp đỡ về mặt tâm lý. Bác sĩ cũng có thể kê cho bạn một số loại thuốc nhằm giúp bạn an thần, giải tỏa bớt đi căng thẳng.