Bé không chịu chơi với bất cứ ai, cũng chẳng phản ứng khi có người ẵm bồng hay trêu đùa, ngay cả với tôi. Gửi đi nhà trẻ chừng hơn tuần là bị trả về vì bé hay la hét, tách biệt với bạn bè và không nghe theo bất cứ chỉ dẫn nào của cô giáo…”. Đó là tâm sự của chị T.N (Q.11) khi nói về cậu con trai 3 tuổi.
Thế giới “bất khả xâm phạm” của bé
Với chị T.N (Q.11), ngoài giờ đi làm, chị tranh thủ về ngay với con nhưng chỉ có thể đứng trông cô giáo tập luyện cho bé nhà mình. Mọi “dụ dỗ”, cố gắng tiếp cận bé của chị đều không có hiệu quả. “Nó dường như đang ở một thế giới khác, không có phản ứng khi được gọi tên, lúc nào cũng nhìn xa xăm, vô hồn, chẳng màng đến đồ chơi hay bất cứ thứ gì xung quanh. Nhìn con người ta, trẻ lên ba cả nhà tập nói, còn con mình một vài tiếng bi bô với ba mẹ cũng chẳng có… sao không đau lòng cho được!”, chị thở dài, bộc bạch. Chị T.N còn cho biết thêm, sau khi được cô giáo đến nhà tập luyện, con chị mới đỡ hung hăng chứ thời gian trước, bé có thói quen cắn mẹ thật đau trước khi ngủ làm chị không lúc nào yên được.
Cũng như chị T.N, chị H.A (Thủ Đức) vô cùng hoang mang, khổ sở với cục cưng 4 tuổi của mình. Mãi khi bé gần 3 tuổi, chị A mới phát hiện con bị tự kỷ khi gia đình không thể trò chuyện cùng bé. Đến giờ, bé vẫn chậm nói, không chịu tiếp xúc với mọi người trong gia đình, kể cả chị. Suốt ngày chỉ quay mặt vào tường chơi một mình, có khi bé M còn tự hủy hoại mình bằng cách gãi tay chân cho đến khi da trầy xước, chảy máu làm chị A mấy phen phát hoảng. Chị bộc bạch: “Từ khi biết cháu bị tự kỷ, tôi đã mời thầy cô đến chăm nhưng có một thời gian ngắn mà phải mấy lần đổi giáo viên vì không ai chịu đựng nổi! Chăm con mình nên tôi biết, thật không dễ để dạy dỗ các bé mắc chứng này. May gần đây, được một bác sĩ giới thiệu, tôi mới mời được một thầy giáo trẻ đủ kiên nhẫn với con mình”.
“Biệt dược” cho chứng tự kỷ
Không như những chứng khác, chứng tự kỷ không có một cách thức chuẩn nào để điều trị. “Thuốc” dành cho bé bị tự kỷ ở đây, chính là các liệu pháp tâm lý và một chế độ tập luyện kỹ càng, đều đặn nhưng phải linh hoạt theo từng biểu hiện của bé. Đa số các bé tự kỷ, tuy gặp khó khăn về ngôn ngữ nhưng có trí nhớ về hình ảnh rất tốt, do đó sử dụng hình ảnh (nhất là hình ảnh trên máy tính, ti vi) để thông tin, tập luyện cho bé là một liệu pháp khá khả quan. Những hình ảnh bé quan tâm thích thú, quen thuộc… sẽ giúp bé học tốt hơn.
Chị K.Mai (Q.3), có con mắc chứng tự kỷ đã phục hồi được 70% chia sẻ: “Lúc đầu, tôi cũng thật sự bị sốc và không biết làm gì khi thấy con mình bị tự kỷ. Nhưng từ từ, quan sát, tôi thấy bé tuy không phản ứng gì với ba mẹ, không chịu chơi cùng mấy bé hàng xóm khác nhưng lại bị thu hút bởi những đoạn quảng cáo trên ti vi. Tôi bắt đầu nhại lại ngôn ngữ của quảng cáo để trò chuyện cùng con, tập cho bé cách tập trung và diễn đạt ý muốn bằng hình ảnh, kết hợp với những bài tập luyện của cô giáo. Cứ thế từng chút một, mỗi lần thấy con bập bẹ được vài từ đòi uống nước hay nhìn được vào mắt mình, hai vợ chồng mừng rơi nước mắt…”.
Nhiều người còn nhầm tự kỷ với bệnh tâm thần nhưng thật ra không phải vậy! Bạn không thể bắt bé thóat khỏi thế giới “bất khả xâm phạm” của mình nhưng bạn vẫn có thể đem thế giới bên ngoài đến với con. Có ví von, bé tự kỷ giống một người mộng du đang đứng một chân trên tường rào. Nếu bạn từ từ tiếp cận và nhẹ nhàng đánh thức, một lúc nào đấy, bé sẽ thức dậy an toàn. Ngược lại, bạn hoảng hốt, nôn nóng đánh động sẽ làm bé giật mình, té ngã… Điều quan trọng nhất trong phương pháp điều trị chứng tự kỷ là bạn phải dành thời gian tham gia những trò chơi, bài tập cùng con càng thường xuyên càng tốt. Các trò chơi tương tác giúp bé phát triển nhận thức, hòan thiện giác quan, hình thành các quan hệ xã hội… Mỗi khi bé có biểu hiện tiến bộ, bạn cần khen con, kèm theo các cảm xúc như cười, nhìn vào mắt bé, xoa đầu, ôm hôn… để tạo sự gần gũi.
Ngoài ra, các liệu pháp như âm nhạc, vẽ, nặn cũng giúp bé phát huy trí tưởng tượng, tính sáng tạo, đồng thời rèn luyện khả năng tập trung chú ý. Các bác sĩ điều trị cũng khuyên thỉnh thoảng thay đổi môi trường (như đưa bé đi dã ngoại) sẽ kích thích tính tò mò, được tương tác với các con vật sẽ phần nào giúp bé tự kỷ cởi mở hơn và nhận thức về thế giới xung quanh…
Triệu chứng của các bé mắc phải chứng tự kỷ:
- Khó khăn khi nói chuyện với người khác: Bé chậm nói (sau 17 tháng tuổi mà vẫn chưa nói được các từ đơn). Bé không hiểu lời người khác và cũng không biểu đạt được ý nghĩ của mình nên hay nói những câu, từ vô nghĩa. Khi được hỏi, nhiều bé không trả lời mà nhại lại câu hỏi một cách máy móc.
- Khó giao tiếp và tương tác: Không giao tiếp được bằng mắt là một triệu chứng điển hình của bé tự kỷ. Bé không giao tiếp, không biểu hiện tình cảm ngay cả với mẹ (không hề bám mẹ).
- Ít có khả năng chăm sóc bản thân: Bé thường khó khăn trong những việc chăm sóc cá nhân như xúc cơm, mặc áo, vệ sinh…
- Hiếu động thái quá: Bé có thể có những hành động khiến bạn sợ chết khiếp như trèo bờ tường, đứng vắt vẻo trên lan can… Ngược lại, một số bé tự kỷ có xu hướng co mình vào “vỏ ốc”, căm ghét các hoạt động thể chất.
- Chơi tưởng tượng: Bé tự kỷ không biết cách chơi với các bé khác mà chỉ tưởng tượng trong các trò chơi đồ hàng, chơi súng hoặc đồ chơi bác sĩ. Bé có khả năng tưởng tượng nghèo nàn và thường chơi một cách khác thường, máy móc.
Tự kỷ, tuy không nguy hiểm đến thể chất nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và tương lai của bé. Khi phát hiện bé có những triệu chứng, hành động bất thường, bạn cần quan sát và đưa bé đến các bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán chính xác và có các biện pháp hỗ trợ bé kịp thời. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bé sẽ không bao giờ có thể giao tiếp hoặc sống một cuộc sống bình thường. Nếu được điều trị trước 3 tuổi, bé có khả năng hòa nhập rất cao và trễ nhất là trước 6 tuổi, bé mới có hi vọng hòa nhập với cuộc sống.
Cần tìm hiểu xem bé thích và không thích gì, để không gây những điều “dị ứng” với bé, dùng những điều bé thích để tiếp cận dạy dỗ. Tuy nhiên, phải tùy theo cách tiếp thu của bé mà có cách giao tiếp thích hợp, từ từ khám phá thế giới của bé. Tránh la mắng (nếu bé không chịu hợp tác), ảnh hưởng đến tâm lý bé. Bạn nên hiểu và phân biệt những gì bé “không làm” với những việc bé “không thể làm”.
Lên một chương trình điều trị cho bé: Tự kỷ không phải là bệnh có thể chữa khỏi bằng thuốc nên bạn cần có sự phối hợp với bác sĩ và những giáo viên có phương pháp sư phạm tốt, có kinh nghiệm, hết sức nhẫn nại, kiên trì, thực sự thương yêu bé. Cần dùng các phương pháp trị liệu bằng vật lý, âm nhạc hay phương pháp nghe – nhìn… để dạy bé giao tiếp, kỹ năng sống và đưa bé hòa nhập với cuộc sống.
Nên hạn chế thay đổi thầy/ cô phụ trách, người giúp việc hoặc chuyển nhà thường xuyên vì bé không kịp thích nghi sẽ dễ hụt hẫng và khó phát triển.
Xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa bé với gia đình (đặc biệt là với mẹ), với giáo viên, bạn bè và môi trường xung quanh.
Việc điều trị phải theo cách thức “một thầy một trò” để tránh làm bé hoảng loạn, la hét khi có quá đông người. Đồng thời, việc điều trị phải tập trung trong nhiều đợt, mỗi đợt 6 tháng liên tục. Phải nhẫn nại với từng mục tiêu nhỏ trong từng giai đoạn, chẳng hạn 6 tháng đầu, bé có thể nói được các từ đơn giản; 6 tháng tiếp theo, bé có thể diễn đạt được ý muốn của mình bằng hình ảnh có sẵn…
Lưu ý, bạn không nên phó mặc bé cho giáo viên hay các bác sĩ tâm lý vì để điều trị tự kỷ cần có sự phối hợp chặt chẽ của gia đình với giáo viên thì mới mong việc tập luyện của bé tiến bộ được. Hơn ai hết, bé tự kỷ cần được sự quan tâm, chăm sóc của ba mẹ. Đừng quên, yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi của các bé mắc chứng này!