Không phải chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới, số người bị đột quỵ não ngày một tăng cao. Nhìn vào những con số thống kê liên quan đến tình trạng này, bạn sẽ giật mình khi nhận ra, tỷ lệ người trẻ bị tai biến mạch máu não đang tăng ở mức chóng mặt!
Những con số biết nói về đột quỵ tại Việt Nam và thế giới
Những năm vừa qua, thế giới phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khác nhau như ô nhiễm môi trường, đại dịch Covid-19… khiến chúng ta dần quên đi 1 “hung thủ” đã âm thầm cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Có lẽ, bạn sẽ phải giật mình khi nghe một vài những số liệu sau đây:
- Năm 2018, cứ 6 trường hợp tử vong do bệnh tim mạch thì có 1 người do đột quỵ. (Theo Centers for Disease Control and Prevention – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ)
- Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người bị tai biến mạch máu não. Có đến 50% người tử vong. Trong số người may mắn cấp cứu kịp thời và còn sống, 90% phải chung sống với những hệ lụy như tê liệt chân tay, mất khả năng ngôn ngữ.
- Trên toàn thế giới, mỗi năm số người bị đột quỵ não lên đến 15 triệu người. 1/3 số người tử vong, 1/3 còn lại chịu tàn tật vĩnh viễn.
- Trong tổng số người bị tai biến mạch máu não, có 3/4 người trên 65 tuổi và 1/4 dưới 65 tuổi.
- Tại Canada, trung bình cứ 7 phút lại có 1 người chết vì bệnh tim hoặc tai biến mạch máu não. Cũng chính vì lý do này, số người chết do đột quỵ đã chiếm 7% tổng số ca tử vong tại đây.
- Gần 1/4 ca đột quỵ xảy ra ở những người đã từng bị đột quỵ trước đó.
- Khoảng 87% các ca đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu cục bộ , trong đó lưu lượng máu lên não bị tắc nghẽn.
Đột quỵ đang tấn công người trẻ tuổi như thế nào?
- Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
- Độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang “trẻ hóa”, từ 40 – 45 tuổi thay vì trên 55 tuổi như trước đây.
- Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 18 – 34 bị đột quỵ não trong thập kỷ này tăng 36% (so với năm 2003 – 2004).
- 1/3 số ca đột quỵ rơi vào độ tuổi 4-45.
Vì sao người trẻ bị tai biến mạch máu não ngày càng nhiều?
Người trẻ tuổi thường hiểu sai về tình trạng đột quỵ và cho rằng tuổi trẻ như một “kim bài miễn tử”, những người dưới 55 tuổi thì không có nguy cơ bị tai biến. Vì thế, khi có những triệu chứng đột quỵ như bỗng nhiên tê cứng nửa người hay đau đầu, choáng… người trẻ thường chọn cách phớt lờ thay vì lập tức kiểm tra để xác định nguyên nhân.
Hơn nữa, giới trẻ ngày nay dễ bị stress, căng thẳng và trầm cảm hơn. Làm việc nhiều, thức quá khuya, bỏ bữa, có thói quen ăn uống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia… là tình trạng thường thấy của giới trẻ. Và điều này đã góp phần khiến tỷ lệ ca đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng tăng nhanh.
Một lý do khác khiến các dấu hiệu đột quỵ xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ chính là việc lười vận động, dành quá nhiều thời gian cho những việc khác mà không tập thể dục hay rèn luyện sức khỏe.
Cách hạn chế tình trạng đột quỵ não ở giới trẻ
- Dành thời gian để tập thể dục (ít nhất 30 phút/ngày và 4 ngày/tuần).
- Xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học: ăn đủ chất, ăn đúng bữa, ăn nhiều rau và trái cây, không thức khuya, không uống nhiều rượu bia…
- Không sử dụng các chất kích thích.
- Thường xuyên đo huyết áp. Nếu phát hiện tình trạng huyết áp cao, phải kịp thời đến các cơ sở y tế để được điều trị. Chỉ số huyết áp bình thường dao động trong khoảng 90/60mmHg đến 140/90mmHg.
- Khám sức khỏe định kỳ.
Bài kiểm tra dấu hiệu đột quỵ não
Bên cạnh việc xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh để phòng tránh đột quỵ, bạn cũng có thể tự kiểm tra xem mình có dấu hiệu đột quỵ hay không thông qua một bài tập đơn giản: “đứng một chân”. Đây là bài kiểm tra đến từ nghiên cứu của Đại học Y khoa Kyoto (Nhật Bản) với trên 1.387 người, độ tuổi trung bình 67. Các bác sĩ chia sẻ, nếu thực hiện bài kiểm tra này mà không thể đứng 1 chân mà không quá 20 giây thì tiềm ẩn nguy cơ cao bị đột quỵ
Một lưu ý trước khi bắt đầu thực hiện bài kiểm tra này chính là trong suốt thời gian 20 giây, bạn buộc phải nhắm mắt bởi đó là lúc cơ thể không bị phụ thuộc vào bất kỳ một tác động nào xung quanh.
Đột quỵ não có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Vì thế, đừng bao giờ chủ quan với sức khỏe của mình bạn nhé! Hy vọng những chia sẻ của Tạp chí Mẹ và Con có thể giúp bạn hiểu thêm về tình trạng tai biến mạch máu não đang “đe dọa” mạng sống của chúng ta từng ngày, từng giờ và có cách đối phó hiệu quả.