“Chúng tôi biết rằng con trai mình không bị đột quỵ. Thằng bé chưa bao giờ bị co giật hay đại loại như vậy. Trẻ sơ sinh không thể bị đột quỵ!”.
Đó là suy nghĩ của Denise Tedder, 31 tuổi, sống tại Hartsville, bang South Carolina (Mỹ) được chính cô chia sẻ trên diễn đàn Love What Matters trước thông tin cho rằng cậu con trai Cannon, 2 tuổi, từng bị đột quỵ khi còn trong bụng mẹ.
Denise Tedder và bé Cannon khi vừa mới sinh. Ảnh: Denise Tedder
Hành trình mang thai cậu con trai thứ hai Cannon của Denise Tedder vô cùng gian nan vất vả do sự bất đồng về nhóm máu giữa hai mẹ con. Denise mang nhóm máu hiếm Rh- với các kháng thể (phân loại máu theo yếu tố Rhesus) trong khi Cannon lại mang nhóm máu Rh+ phổ biến (chiếm trên 99.9% dân số).
Sự bất đồng về nhóm máu vô cùng hiếm gặp này dẫn đến việc các kháng thể có từ máu người mẹ qua nhau thai khi kết hợp với kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu thai nhi sẽ gây nên hiện tượng thiếu máu tán huyết.
Do vậy, từ khi còn trong bụng mẹ, cậu bé Cannon đã phải trải qua 7 lần truyền máu qua dây rốn và được sinh ra trong tình trạng nhẹ cân (2,35 kg).
Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau khi chào đời, cha mẹ Cannon bắt đầu lo lắng khi bàn tay của cậu bé luôn nắm chặt. Họ đã đưa Cannon đi kiểm tra và bị sốc khi bác sĩ cho biết bé đã trải qua một cơn đột quỵ từ khi còn trong bụng mẹ cùng với di chứng bại não trái.
Câu chuyện này được Denise chia sẻ với mong muốn cảnh tỉnh những thai phụ trên khắp thế giới: “Đột quỵ có thể sẽ và đang ảnh hưởng tới thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một số bà mẹ có thể có một thai kỳ vô cùng hoàn hảo song hãy cẩn trọng vì đột quỵ vẫn có thể ảnh hưởng đến đứa con của bạn”.
Cannon sinh ra trong tình trạng nhẹ cân. Ảnh: Denise Tedder
Vậy đột quỵ ở thai nhi (fetal stroke) là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến trẻ?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) ở thai nhi xảy ra trước khi đứa trẻ được sinh ra. Hiện tượng này có thể tại bất cứ thời điểm nào sau tuần thứ 14 của thai kỳ.
Các biến chứng của đột quỵ thai nhi có thể rất nặng nề và ảnh hưởng tới suốt cuộc đời của đứa trẻ. tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của đột quỵ, biến chứng có thể gặp là bại não, động kinh, co giật nghiêm trọng hay chậm phát triển.
Theo thống kê của Hiệp hội Đột quỵ Mỹ thì đột quỵ luôn nằm trong số 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi.
Cannon hiên đã hơn 2 tuổi, cơ thể chịu ảnh hưởng từ lần đột quỵ khi còn trong bụng mẹ. Ảnh: Denise Tedder
Nguyên nhân nào khiến thai nhi bị đột quỵ?
Tương tự như người lớn, thai nhi bị đột quỵ là do hiện tượng tắc nghẽn mạch máu đến não. Vậy tại sao lại xảy ra hiện tượng tắc nghẽn mạch máu đến não của thai nhi?
Một khả năng có thể xảy ra là do sự hình thành cục máu đông trong mạch máu của thai nhi. Nếu không có một dòng chảy trơn tru dẫn máu lên não, rất có khả năng sẽ dẫn đến đột quỵ.
Một nguyên nhân khác có thể gây ra đột quỵ thai nhi là bệnh não thiếu máu – thiếu oxy cục bộ (Hypoxic Ischemic Encephalopathy – HIE). HIE là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở thai nhi, dẫn đến tổn thương não và các chức năng vận động của trẻ.
Cũng có những trường hợp trẻ bị đột quỵ trong quá trình người mẹ chuyển dạ, chấn thương khi sinh có thể là một yếu tố góp phần khiến trẻ bị đột quỵ. Trong “hành trình chào đời”, các mạch máu của trẻ có thể bị tổn thương do áp lực lên hộp sọ hoặc cơ mặt dẫn đến hiện tượng đột quỵ sơ sinh.
Vì bất kỳ một nguyên nhân nào đi chăng nữa, não bộ của trẻ phát triển từ trong bụng mẹ và sẽ tiếp tục phát triển trong nhiều thập kỷ sau khi sinh, do vậy đột quỵ ở trẻ sơ sinh thường gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn so với người trưởng thành.
Đột quỵ ở thai nhi và trẻ sơ sinh có thể ngăn ngừa được không?
Trong một số trường hợp, câu trả lời là KHÔNG.
Khoảng 50% các ca đột quỵ thai nhi xảy ra mà không xác định được nguyên nhân và không thể biết trước, do đó các bà mẹ không hề có lỗi hay mặc cảm khi con mình bị đột quỵ.
Mặc dù không thể loại bỏ các nguy cơ dẫn đến đột quỵ của thai nhi, song có một số biện pháp mà các bà mẹ mang thai có thể thực hiện để làm giảm nguy cơ.
Luôn cố gắng giữ ổn định mức huyết áp.
Tránh căng thẳng bất cứ khi nào có thể cùng một lối sống cân bằng với chế độ dinh dưỡng thích hợp và tập thể dục vừa phải.
Một số bệnh nhiễm trùng mà người mẹ có thể mắc phải, như chứng viêm vùng chậu (Pelvic Inflammatory Disease – PID), cũng được coi là một yếu tố gây nên đột quỵ thai nhi.
Phụ nữ có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể có nguy cơ đặc biệt cao với PID và nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mang thai.
Mặc dù có một số biện pháp giúp các bà mẹ có thể thực hiện để giảm nguy cơ gây nên đột quỵ ở thai nhi và trẻ sơ sinh, song không hề có một sự đảm bảo chắc chắn nào.
Mang thai là một sự cân bằng tinh tế của các hormone, dinh dưỡng và sức khỏe tổng thể. Một mối đe dọa sức khỏe tuy hiếm gặp nhưng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ đó là đột quỵ thai nhi.
Do đó, các thai phụ cần đặc biệt chăm sóc tốt bản thân mình, thì cũng đang chăm sóc tốt cho đứa con trong bụng.
Luôn cảnh giác với những bất thường trong giai đoạn thai kỳ cùng một lối sống cân bằng có nghĩa là bạn đã và đang làm hết sức mình cho thiên thần nhỏ của mình.