Me&Con - Có được một mầm sống trong người sau bao ngày mong ngóng, niềm hạnh phúc của bạn trào dâng đến vô bờ. Nhưng chưa kịp mừng, một buổi sáng bước vào toilet, bạn bỗng choáng váng khi phát hiện ra chút máu đỏ. Bụng cũng lâm râm đau. Tức tốc vào bệnh viện khám, bạn được bác sĩ “phán” cho hai chữ: Ðộng thai

Tại sao lại có động thai ?

Ðừng quá hốt hoảng. Bạn cần phải thật bình tĩnh trong trường hợp ấy. Không phải lúc nào động thai cũng dẫn đến chuyện sảy thai. Ðộng thai nghĩa là bạn còn có thể cứu vãn tình thế, có thể giữ lại bé yêu trong bụng nếu đến bệnh viện kịp thời và được hỗ trợ đúng cách. Vì thế, thay vì khóc lóc, sợ hãi, trước tiên bạn nên nhẹ nhàng trấn an chính bản thân mình, rằng việc quá hốt hoảng chỉ có thể đưa đến tình trạng tồi tệ hơn và dễ sẩy thai hơn mà thôi.

động thai

Ảnh minh họa

Bạn cần biết động thai nghĩa là gì. Ðây là hiện tượng dọa sẩy thai, thường diễn ra trước tuần thứ 20 (đa phần là trong 1-2 tháng đầu của thai kỳ) với các dấu hiệu dễ nhận biết như ra máu âm đạo, đau bụng. Tuy nhiên, khi kiểm tra, bác sĩ sẽ cho bạn biết là thai nhi vẫn còn sống, chưa bị đẩy khỏi buồng tử cung.

Cổ tử cung vẫn đóng kín, hoặc đã mở nhưng các thành phần của thai chưa bị tụt ra. Giai đoạn này được xem là giai đoạn sinh tử sống còn vì nếu kịp thời hỗ trợ, mẹ được nghỉ ngơi và cộng thêm chút may mắn thì bạn sẽ vượt qua.

Trong trường hợp nếu vẫn tiếp tục chảy máu, đau bụng, các thành phần của thai đã đi qua ống cổ tử cung thì sẽ bị xem là sẩy thai không tránh được, không thể cứu kịp nữa.

Nguy cơ sẩy thai đối với phụ nữ sống ở những thành phố lớn cao hơn do áp lực công việc nhiều hơn và môi trường ô nhiễm hơn.

Bạn tự hỏi tại sao lại bị động thai? Có nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ như do sự bất thường về nhiễm sắc thể, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai, mẹ mắc một số bệnh như sốt cao, suy tim, bệnh thận mạn tính, bệnh về tử cung… Việc mẹ có thai muộn, khi tuổi đã cao, làm việc với áp lực quá căng thẳng cũng có thể dẫn đến động thai. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những nguyên nhân gây động thai rất đáng tiếc, dễ mắc phải.

Chẳng hạn như chuyện nhiều bà mẹ quá hăm hở với chuyện có thai nên liên tục… xoa bụng, tưởng chừng việc này sẽ giúp gắn kết tình cảm mẹ con. Thật ra, xoa bụng là điều tuyệt đối cấm khi mang thai vì nó kích thích mạnh, làm tử cung co gây động thai rất dễ dàng.

Những nguyên nhân khác thường gặp là cha mẹ chưa quen với việc có một mầm sống mới trong người nên vẫn giữ nhịp điệu y như cũ, tức vẫn quan hệ tình dục mạnh bạo trong tháng đầu tiên.

Hãy biết rằng tuy không ai ngăn cấm bạn gần gũi chăn gối suốt chín tháng thai kỳ, nhưng hai tháng đầu và hai tháng cuối vẫn là khoảng thời gian nên kiêng cữ cho… lành, đặc biệt với những người mới mang thai lần đầu, người từng có tiền sử sẩy thai trước đó.

Một chuyện nữa phải nhắc bạn là đã kiêng thì kiêng cho… trót. Nhiều đôi vợ chồng, biết phải hạn chế gần gũi chăn gối trong những tháng đầu nên thay vào đó là việc âu yếm, đụng chạm, kích thích bên ngoài.

Thực tế, không phải đến khi bạn lâm trận thật sự mới có thể gây động thai mà chỉ riêng những việc như âu yếm quá độ, kích thích đầu ngực quá lâu cũng có thể gây nên những cơn co tử cung, gây động thai.

Ngoài ra, khá nhiều phụ nữ khi mới mang thai lật đật… tăng cường đi bộ, với nỗi ám ảnh rằng đi bộ nhiều sẽ giúp cơ thể giãn nở, mai mốt vượt cạn sẽ dễ dàng hơn. Ðây là suy nghĩ sai lầm vì việc đi bộ nhiều có thể gây ra những áp lực cho vùng chậu và vùng bụng, rất dễ gây động thai.

Những bài tập gắng sức ở giai đoạn đầu thai kỳ cũng là điều nên tránh. Tốt hơn hết, bạn chỉ nên vận động thật nhẹ nhàng, ở mức độ tăng dần. Trong giai đoạn mang thai đầu tiên, nên hạn chế tối đa việc mang nặng, xách nặng, đi lên đi xuống cầu thang bộ nhiều lần vì có thể gây nên những hậu quả khôn lường.

Phải làm gì nếu như thai động?

Bạn cần biết rằng, nếu đã có tiền sử sẩy thai thì việc này sẽ rất dễ tái phát, lặp đi lặp lại với mức độ tăng dần. Vì vậy, khi mang thai lần đầu hoặc khi đã bị sẩy thai trước đó, bạn phải hết sức cẩn thận để tránh tình trạng này xảy ra rồi lại tái phát về sau.

Mang thai những tuần đầu, bạn nên nghỉ ngơi nhiều và quan sát thật kỹ các biểu hiện khác thường của cơ thể nếu có. Khi thấy hiện tượng đau tức bụng đưới và mỏi lưng thì nên cẩn thận tìm đến bác sĩ chuyên khoa sản để được kiểm tra. Trường hợp ra dịch âm đạo bất thường hoặc thấy máu, cần kiêng gần gũi tuyệt đối, ăn thức ăn thật loãng để tránh táo bón, nằm nghỉ ngơi trên giường không làm bất cứ việc gì một ngày và báo ngay với bác sĩ. Nếu tình trạng không đỡ hoặc có dấu hiệu tăng nặng, phải lập tức vào bệnh viện, cơ sở y tế để khám và xử trí bằng thuốc giảm cơn co tử cung.

Bạn cũng nên giữ tư tưởng lạc quan, thoải mái trong những ngày này vì càng lo lắng càng dễ sẩy thai. Nếu có thể, nên xin phép cơ quan nơi bạn làm việc để nghỉ hẳn một tuần, dưỡng sức, thư giãn tại nhà. Và hãy nhớ rằng một khi đã có hiện tượng động thai xảy ra thì những tháng kế tiếp bạn phải hết sức nâng niu cơ thể mình, không được làm việc nặng, thức khuya, không được căng thẳng với công việc hay lo toan chợ búa, việc nhà gì nữa.

động thai

Ảnh minh họa

Việc ăn uống cũng cần được tăng cường chú trọng. Nên uống bổ sung viên sắt theo hướng dẫn của bác sĩ vì thiếu máu có thể gây nên tình trạng suy dinh dưỡng của thai nhi và dẫn tới động thai, sẩy thai. Thức ăn nên mềm, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, nhiều rau củ quả tươi. Tuyệt đối tránh hút thuốc lá, uống rượu và ăn nhiều đồ cay nóng. Những loại thực phẩm này đều khiến mẹ bị kích thích mạnh, dễ lặp lại tình trạng động thai.

Ðặc biệt, bạn tuyệt đối không được quá hoảng sợ với việc động thai mà nghe theo những lời mách bảo dạng truyền miệng, cắm đầu cắm cổ uống đủ các loại thuốc nam thuốc bắc không rõ nguồn gốc của “thầy” này “thầy” kia, ăn các loại lá, thảo mộc được cho là có công dụng an thai mà không hỏi bác sĩ. Những món này có khi chính là thủ phạm gây nên tình trạng động thai hoặc sẩy thai của bạn đấy.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ sẩy thai tăng gấp đôi nếu thai phụ uống rượu 2 lần/tuần so với người không uống rượu và tăng gấp 3 lần nếu uống rượu mỗi ngày.

Tags:

Bài viết liên quan