Mẹ&Con - Đổ mồ hôi trộm là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bất kể mùa đông hay mùa hè. Càng về đêm, trẻ càng đổ mồ hôi trộm nhiều.

Lòng bàn tay, bàn chân, đầu, gáy, hõm nách, lưng, háng… là những vị trí trên cơ thể thường đổ mồ hôi nhiều nhất. Thoạt nghe đổ mồ hôi trộm ở trẻ em tưởng chừng như không phải vấn đề nguy hiểm, song nếu tình trạng này kéo dài và không được chữa trị sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ, sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ hay thậm chí là suy dinh dưỡng, đột tử ở trẻ sơ sinh…

Đổ mồ hôi trộm được chia làm hai loại: Đổ mồ hôi trộm sinh lý và đổ mồ hôi trộm bệnh lý.

đổ mồ hôi trộm ở trẻ

Trẻ đổ mồ hôi trộm là hiện tượng khá phổ biến, bất kể mùa đông hay mùa hè. (Ảnh minh họa)

Các loại đổ mồ hôi trộm ở trẻ em

Trẻ đổ mồ hôi trộm dạng sinh lý

  • Đổ nhiều mồ hôi khi thời tiết oi bức, nắng nóng
  • Đổ nhiều mồ hôi khi chơi đùa, chạy nhảy
  • Đổ nhiều mồ hôi khi mặc nhiều quần áo, đắp nhiều chăn mền
  • Trước khi ngủ quá hưng phấn hoặc quá sợ hãi
  • Đổ nhiều mồ hôi trong 1 – 2 giờ sau khi ngủ
  • Chiều cao, thể trọng phù hợp tiêu chuẩn

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ dạng bệnh lý

  • Đổ nhiều mồ hôi sau hơn 2 giờ ngủ
  • Tứ chi lạnh sau khi thức dậy
  • Đổ nhiều mồ hôi sau khi uống thuốc hạ sốt
  • Chiều cao, thể trọng thấp hơn so với tiêu chuẩn

Đổ mồ hôi trộm sinh lý

Đổ mồ hôi trộm sinh lý được hiểu nôm na là những hiện tượng đổ mồ hôi bình thường, theo quy luật tự nhiên. Ví dụ như thời tiết quá nóng nực, trẻ mặc nhiều áo, đắp nhiều chăn…

Trẻ đổ mồ hôi sinh lý là hiện tượng bình thường, không có gì đáng lo ngại. Chúng thường chỉ xuất hiện khoảng 30 phút tới 1 giờ đồng hồ rồi biến mất hẳn. Cha mẹ chỉ cần chịu khó theo dõi, lau mồ hôi cho con khi ngủ cũng như lúc hoạt động quá mức.

Một số lý do khách quan khác dẫn tới triệu chứng đổ mồ hôi trộm sinh lý:

  • Lượng nước tích trữ trong cơ thể nhiều: Bình thường, cơ thể người lớn chỉ chứa 70% là nước nhưng con số này ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh lên tới 85%. Đổ mồ hôi là cách đơn giản nhất để thải nước từ cơ thể ra ngoài.
  • Thần kinh “ức chế mồ hôi” chưa phát triển: Thần kinh thực vật ức chế bài tiết mồ hôi ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện giống như của người lớn, chính vì vậy khả năng tự điều tiết thân nhiệt chưa tốt, dẫn tới tình trạng đổ mồ hôi trộm sinh lý.
  • Sự trao đổi chất: Trẻ nhỏ hiếu động khiến sự trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ hơn, cơ thể tích lũy nhiệt lượng lớn… Bởi vậy dù trong trường hợp ở trạng thái tĩnh hay khi đi ngủ, chúng cũng có thể đổ mồ hôi là chuyện bình thường.

Đổ mồ hôi trộm bệnh lý

Trái ngược với đổ mồ hôi trộm sinh lý, trẻ đổ mồ hôi trộm dạng bệnh lý lại là những biểu hiện bất thường ở trẻ nhỏ mà chủ yếu là do chúng mắc một số bệnh trong cơ thể:

  • Bệnh còi xương: Do trẻ không được tắm nắng và, thiếu vitamin D trầm trọng, hói đầu, thóp to, thường xuyên khóc đêm, chân vòng kiềng…
  • Lượng đường trong máu thấp: Biểu hiện dễ thấy nhất của căn bệnh này, đó là ngoài việc trẻ đổ mồ hôi trộm còn xuất hiện thêm triệu chứng như sắc mặt trắng nhợt, tứ chi lạnh ngắt…
  • Cơ thể suy nhược: Trẻ không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng khiến cơ thể suy nhược, còi cọc, chậm lớn, nhợt nhạt, uể oải, chán ăn…
  • Hệ thần kinh có vấn đề: Mặt khác, trẻ ra mồ hôi trộm cũng phụ thuộc vào sự điều hòa của hệ thần kinh. Rối loạn hệ thần kinh thực vật, hệ giao cảm cũng sẽ khiến trẻ ra mồ hôi nhiều hơn.

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏTắm nắng cũng là cách giúp trẻ giảm thiểu tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ em. (Ảnh minh họa)

Những căn bệnh tiềm ẩn khi trẻ đổ mồ hôi trộm

Tăng tiết mồ hôi

Tiết mồ hôi là cách để cơ thể cân bằng nhiệt độ, nhất là khi thời tiết oi bức, nóng nực. Tuy nhiên nếu ngay cả khi thời tiết mát mẻ, phòng ốc thông thoáng mà trẻ vẫn đổ mồ hôi thì khả năng cao chúng đang mắc chứng tăng tiết mồ hôi không kiểm soát.

Rối loạn giấc ngủ và nổi mụn nhọt

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ em liên tục khiến giấc ngủ của trẻ bị ngắt quãng. Trẻ trằn trọc, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, hay thức giấc và quấy khóc. Bên cạnh đó, đổ mồ hôi nhiều còn làm lỗ chân lông giãn ra, mắc kẹt các chất cặn bã khiến da bị viêm nhiễm, nổi mụn nhọt, rôm sảy, ngứa ngáy…

Suy dinh dưỡng và táo bón

Đổ mồ hôi nhiều khi ngủ làm cơ thể mệt mỏi, chán ăn từ đó suy kiệt dần, dẫn đến suy dinh dưỡng, gầy mòn, còi xương, chậm lớn. Song song với đó, ra mồ hôi kéo dài còn khiến cơ thể bị mất nước. Trẻ dễ bị các bệnh về đường tiêu hóa như đi tiểu ít, nước tiểu vàng, táo bón…

Ngưng thở khi ngủ

Trẻ có thể ngừng thở kéo dài từ 10 – 20 giây khi ngủ nếu mắc chứng đổ mồ hôi trộm. Biểu hiện rõ ra nhất cho thấy, đó là da trẻ tái nhợt, ngưng thở hay thở khò khè, đổ nhiều mồ hôi.

Bệnh đường hô hấp

Mồ hôi trộm ngấm ngược vào người khiến trẻ mắc cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp như ho vặt, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản… Nếu không chữa trị kịp thời, có thể suy kiệt nặng dẫn tới tử vong.

Bệnh tim bẩm sinh

Đổ mồ hôi trộm rất có thể là nguy cơ tiềm ẩn của bệnh tim bẩm sinh. Lý do là bởi trong quá trình thụ thai, tim của trẻ bị khuyết tật bẩm sinh nào đó nên khi trẻ chào đời, tim phải hoạt động vất vả với tần suất nhiều hơn, thậm chí là quá tải để bơm máu đi khắp cơ thể.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS

Trẻ đổ mồ hôi trộm còn khiến trẻ có nguy cơ cao mắc SIDS – đột tử ở trẻ sơ sinh. Trẻ dễ đột tử nhất trong môi trường không khí ngột ngạt, nóng bức. Biểu hiện rõ nhất là khi trẻ ngủ li bì, mồ hôi úa ra. Vì vậy, mẹ hãy luôn kiểm soát nhiệt độ phòng và đừng bao giờ để trẻ sơ sinh ngủ một mình trong thời gian quá lâu.

Cách ngăn chặn tình trạng trẻ đổ mồ hôi trộm?

Mặc dù đổ mồ hôi trộm sinh lý không nguy hiểm giống như đổ mồ hôi trộm bệnh lý, nhưng nếu không được phát hiện và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, cả hai đều gây ra những hậu quả khó lường cho sức khỏe của trẻ.

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ

Luôn kiểm soát nhiệt độ phòng ở mức từ 26 – 28 độ giúp ngăn chặn tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ em. (Ảnh minh họa)

Để ngăn chặn chứng đổ mồ hôi trộm ở trẻ em, mẹ cần:

  • Luôn kiểm soát nhiệt độ phòng ở mức từ 26 – 28 độ.
  • Mặc cho trẻ quần áo thông thoáng, tốt nhất nên chọn loại vải thấm hút mồ hôi.
  • Khi trẻ đang đổ mồ hôi, không được cho đi tắm hoặc vào phòng máy lạnh.
  • Lau khô ráo khi trẻ đổ mồ hôi để tránh mồ hôi thẩm thấu qua quần áo và xâm nhập vào cơ thể.
  • Cho trẻ bổ sung đủ nước để cơ thể không mất nước.
  • Tạo không gian chơi đùa, ăn ngủ rộng rãi, thông thoáng.
  • Cho trẻ tắm nắng nước 8 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Khoảng 80 % vitamin D sẽ hấp thụ vào cơ thể trẻ thông qua việc tắm nắng.
  • Bổ sung vitamin D (nếu có) dưới sự hướng dẫn và kê đơn của bác sĩ.
  • Cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Thường xuyên đưa trẻ đi khám định kỳ để phòng ngừa bệnh kịp thời.

Lưu ý: Trong trường hợp tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ em dạng bệnh lý diễn ra bất thường, kèm theo một số triệu chứng nguy hiểm như thường xuyên bị sốt, mệt mỏi, quấy khóc, tóc rụng vành khăn, thóp đầu chậm liền, chậm mọc răng, chậm biết bò, chậm biết đi… tốt nhất mẹ hãy đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được chuẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bài viết liên quan