Một đứa trẻ nếu được định hướng nghề nghiệp đúng đắn có thể biết được thế mạnh của mình, đam mê của mình và từ đó lựa chọn ngành nghề mà mình theo đuổi lâu dài, không phải loay hoay trong việc mình nên học gì, làm gì. Vậy nên định hướng nghề nghiệp cho trẻ từ khi nào, làm sao để định hướng đúng cho trẻ? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời chính xác nhất.
Khi nào nên bắt đầu định hướng nghề nghiệp cho trẻ?
Rất nhiều trường hợp bố mẹ bắt đầu chọn trường cho con và nghĩ đến việc định hướng nghề nghiệp khi trong giai đoạn trẻ chuyển cấp từ Trung học Cơ sở lên Trung học Phổ thông. Thậm chí, một số trường hợp bố mẹ chỉ nghĩ đến việc định hướng khi trẻ đã ở giai đoạn cuối lớp 12, giai đoạn nước rút.
Tuy nhiên, rất nhiều trẻ đã thể hiện năng khiếu đặc biệt của mình từ khi con còn rất bé. Do đó, ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ nên quan sát trẻ để có thể hiểu được khả năng của con và tìm cách để con phát huy khả năng của mình một cách hợp lý.
Nhìn chung, việc định hướng nghề nghiệp không phải là câu chuyện ngày 1 ngày 2 mà đó là cả một quá trình dài mà bố mẹ nên bắt đầu càng sớm càng tốt.
Làm sao để định hướng nghề nghiệp phù hợp nhất với trẻ?
Trang bị cho con những nền tảng cơ bản
Ngoại ngữ, vốn kiến thức và kỹ năng sống chính là những nền tảng cơ bản nhất để con có thể phát triển và giúp con có nhiều lựa chọn hơn. Ví dụ như nếu trẻ thích làm tiếp viên hàng không nhưng không biết ngoại ngữ thì con không thể thực hiện ước mơ của mình. Do đó, trước khi định hướng nghề nghiệp cho con, phải chuẩn bị cho con những nền tảng cơ bản nhất để con có thể định hướng tương lai chính xác và phù hợp nhất với mình.
Bố mẹ cũng nên có điều kiện tài chính ổn định
Tuy trẻ học tốt vẫn có thể xin học bổng hỗ trợ học phí hoặc chi phí sinh hoạt nhưng nhìn chung, việc bố mẹ có điều kiện tài chính sẽ có thể hỗ trợ cho chặng đường học tập của các em được tốt hơn, tạo điều kiện cho trẻ có nhiều trải nghiệm hơn.
Hãy để con được trải nghiệm
Không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng hiểu được mình thích gì, mình giỏi gì hay điều gì là phù hợp nhất với mình. Và bố mẹ hay thầy cô cũng không ở bên cạnh con 24/24 để hiểu rõ con. Do đó, tốt nhất nên cho con được trải nghiệm để trong hành trình làm những điều mới mẻ, con có thể khám phá được mình mong muốn trở thành mẫu người như thế nào, ngành nghề nào sẽ phù hợp với mình.
Mọi trải nghiệm đều mang đến cho trẻ những bài học cho riêng mình. Đừng ngăn cản những trải nghiệm của con bạn nhé!
Hãy lắng nghe con
Để định hướng nghề nghiệp đúng cho trẻ, bên cạnh việc cân nhắc các yếu tố dựa trên kinh nghiệm sống cá nhân, bố mẹ cũng nên lắng nghe mong muốn của con. Hãy để con trình bày quan điểm của mình và bố mẹ chỉ nên góp ý dựa trên quan điểm của con thay vì ép buộc con lựa chọn nghề nghiệp theo đúng ý của bố mẹ.
Tạo sự chủ động cho con
Nhiều bố mẹ chia sẻ khi định hướng nghề nghiệp cho con, dù đã cố gắng để lắng nghe con nhưng do bé cũng không biết mình cần gì, muốn chọn nghề nghiệp như thế nào nên dẫn đến việc bố mẹ phải chọn luôn cả nghề tương lai cho con.
Để tránh tình trạng này, bố mẹ nên tạo sự chủ động cho con ngay từ khi còn nhỏ bằng cách cho con tự soạn bài vở, cho con tự đăng ký môn năng khiếu của mình, để con chủ động làm bài tập theo thời khóa biểu,… Những điều này giúp con có tính chủ động hơn trong việc học của mình cũng như hiểu được mình học để làm gì, từ đó hiểu được mình phù hợp với ngành nghề gì.
Không gây áp lực cho trẻ
Dĩ nhiên, bố mẹ ai cũng muốn con mình thành công trong cuộc sống, kinh tế ổn định, việc làm suôn sẻ, thuận lợi. Tuy nhiên, nếu chúng ta khiến những điều này trở thành chuyện bắt buộc con phải làm thì câu chuyện định hướng nghề nghiệp cho con sẽ không thể thành công được. Khi áp lực học tập từ bố mẹ, con không còn chọn nghề mà con yêu thích, thay vào đó chỉ chăm chú vào những nghề kiếm được nhiều tiền, được xã hội yêu thích, được bố mẹ kỳ vọng,…
Tạo bầu không khí thoải mái
Tuy việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng và đòi hỏi sự nghiêm túc khi trao đổi nhưng đừng biến sự nghiêm túc trở thành căng thẳng. Thay vào đó, bạn nên tạo bầu không khí thoải mái nhất để con có thể mạnh dạn chia sẻ cảm nghĩ của mình.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách cho trẻ chơi các bài đố vui, trắc nghiệm tính cách hoặc cùng con xem các đoạn phim ngắn về các ngành nghề,… Những hoạt động giải trí sẽ giúp buổi định hướng nghề nghiệp trở nên nhẹ nhàng và “dễ thở” hơn.
Tham khảo thêm ý kiến của những người xung quanh
Bố mẹ có thể trải qua một vài nghề, không phải tất cả mọi ngành nghề. Do đó, sẽ có những ngành nghề mà bạn không thể nào hiểu hết về đặc điểm, tính chất,… Trong lúc định hướng nghề nghiệp cho con, bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, ngoài những thông tin có sẵn trên Internet thì việc tham khảo ý kiến từ những người có trải nghiệm thực tế với ngành nghề này sẽ giúp bạn đưa ra những lời khuyên hữu ích cho con cái.
Chia nhỏ những buổi định hướng nghề nghiệp
Trong một, hai bữa không thể nào để trẻ có thể lập tức hiểu được mình muốn làm gì trong tương lai. Do đó, bạn có thể chia nhỏ những buổi định hướng này, cách 1-2 tuần sẽ trò chuyện với con một lần. Như vậy con sẽ có nhiều thời gian để suy nghĩ, cân nhắc cũng như không cảm thấy quá áp lực, có thể thoải mái chia sẻ với bố mẹ.
Không tỏ ra khó chịu với những sự thay đổi của con
Có thể hôm nay trẻ thích trở thành giáo viên nhưng ngày mai lại muốn làm một kỹ sư. Đây là điều hết sức bình thường mà bạn có thể gặp trong các buổi định hướng nghề nghiệp. Vì thế, không nên tỏ ra khó chịu, phàn nàn mà có thể hỏi con lý do, vì sao con không còn thích ngành nghề cũ,… để từ đó có thể đưa ra những định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn cho con.
Định hướng nghề nghiệp đúng sẽ giúp trẻ xác định được ngành nghề mình muốn, từ đó cùng bố mẹ trao đổi và vạch ra lộ trình rõ ràng, hiểu được cần làm gì trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, để định hướng được ngành nghề tương lai chưa bao giờ là chuyện dễ dàng, bố mẹ cũng không nên quá căng thẳng hay áp lực nhé!