Phần 4: Chặng đường nhàn nhã cho mẹ
Vượt qua giai đoạn “khó ở” ban đầu, hiện tại sức khỏe của bạn có chuyển biến tốt, bạn ăn ngon miệng hơn và tâm trạng sẽ khá lên rất nhiều. Tuy nhiên, thời điểm này, bạn bắt đầu chuẩn bị đón các cơn con thắt Braxton Hicks và xuất hiện các triệu chứng hay quên. Bé yêu của bạn lúc này đã lớn hơn tam cá nguyệt trước 3-4 lần rồi đấy.
Dinh dưỡng:
Chuẩn bị cho việc tăng từ 10-12 kg trong suốt quý II, ở giai đoạn thai từ 20-25 tuần này, bạn cần chú ý tăng ổn định khoảng 450 gam/tuần với lượng calo dung nạp thêm mỗi ngày khoảng 300 calo so với thông thường.
Mẹ chú ý đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất đạm, sắt, carbohydrate, đặc biệt là canxi. Bởi lẽ, ở giai đoạn này, mục tiêu quan trọng nhất là đáp ứng nhu cầu phát triển hệ xương, răng cho thai nhi. Đồng thời, nạp đủ canxi còn giúp duy trì sức khỏe xương cho mẹ, tránh “chuột rút”, kẻ phá bĩnh giấc ngủ vào ban đêm. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ bầu cần dung nạp khoảng 1.000 mg canxi, tương đương 3 cốc sữa mỗi ngày.
Ngoài ra, để giúp phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé, mẹ cần bổ sung đầy đủ các loại axit béo như omega 3 (có nhiều trong cá hồi, cá da trơn và các loại hạt như óc chó, hạt lanh, đậu phụ và các chế phẩm từ đậu nành…).
Bên cạnh đó, mẹ cần phải bổ sung vitamin D theo liều lượng khoảng 10 microgram/ngày trong suốt thai kỳ, ăn nhiều trứng, ngũ cốc dinh dưỡng, nấm, phô mai…. Tăng cường vitamin A, axit folic theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Lịch khám thai và các xét nghiệm quan trọng:
Trong giai đoạn này, các bác sĩ thường hẹn bạn tái khám 1 tháng/lần để kiểm tra cân nặng, huyết áp và sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, bạn cũng được tiến hành xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra hàm lượng protein albumin, yếu tố giúp phát hiện sớm tiền sản giật.
Một trong những chẩn đoán qua hình ảnh quan trọng của giai đoạn này chính là siêu âm khảo sát hình thái học ở tuần thứ 20-24. Việc này giúp kiểm tra các số đo sinh học, phát hiện chính xác các bất thường về hình thái học của thai nhi và sàng lọc trước sinh. Thời gian thực hiện khảo sát hình ảnh này vào khoảng 5 phút, nếu mọi điều kiện đều thuận lợi như nước ối bình thường, thai nhi ngôi thuận, tư thế thai nhi dễ nhìn…
Sau tuần 24, bác sĩ có thể kiểm tra thêm độ dung nạp đường, nhất là đối với phụ nữ châu Á mang thai trên 25 tuổi, gia đình có tiền sử tiểu đường type 2, thai chết lưu, sinh con nặng ký…
Tuần 20: Bé biết nấc cụt
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 20: Bé của bạn nặng khoảng 340g và dài 27 cm (tương đương một quả chuối), đã “năng động”, nghịch ngợm hơn rất nhiều với những phản xạ nắm bắt, ngậm tay, thậm chí là còn biết cả “nấc cụt” nữa đấy. Da bé không còn trong suốt nữa vì đã phát triển lớp mỡ dưới da. Lúc này, sự phân biệt giới tính đã rất rõ ràng. Bé gái đã hình thành tử cung và âm đạo. Bé trai đã bắt đầu có sự “di cư” của tinh hoàn xuống bìu.
Ở tuần 20, kích thước của thai nhi lúc này có thể tương đương với 1 quả chuối – Ảnh minh họa
Mách mẹ:
Ở một nửa chặng đường mang thai vất vả này, bạn sẽ gặp triệu chứng khó tiêu, ợ nóng, vùng da bụng bắt đầu xuất hiện những vết rạn gây ngứa ngáy, ngực bắt đầu rỉ sữa non…. Bạn nên ăn nhiều chuối để hạn chế các khó chịu ở dạ dày và hỏi thêm các bác sĩ về việc thoa kem dưỡng giúp hạn chế tình trạng rạn da.
Lúc này, do tác động của lượng hormone estrogen, nên nhu cầu chăn gối của bạn cũng cao hơn. Bạn vẫn có thể “giao ban” nhẹ nhàng, chọn lựa tư thế phù hợp để không làm tổn thương thai nhi. Với các trường hợp có tiền sử sinh non, sẩy thai, nhau bám thấp, nhau tiền đạo… nên hạn chế quan hệ hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn.
Tuần 21: Bé đã cảm nhận được tiếng ồn
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 21: Giai đoạn này, bé yêu của bạn đạt khoảng 360 gam và đã bắt đầu cảm nhận được tiếng ồn. Thỉnh thoảng bạn sẽ nhận được một cú hích mạnh đột ngột vào thành bụng. Đó có thể là do bé giật mình trước những tiếng động lạ đấy. Lúc này, phổi của bé cũng bắt đầu hình thành surfactant, chất diện hoạt giúp phổi có thể hít thở ngay khi chào đời.
Ở tuần thứ 21, thai nhi đã biết giật mình trước tiếng động lạ – Ảnh minh họa
Mách mẹ:
Đây là giai đoạn xương bé dần cứng hơn nên mẹ bầu cần tăng cường bổ sung canxi qua sữa, hải sản (chú ý ăn tôm tép nguyên vỏ, cá nhỏ nguyên xương) và đi bộ vận động để tăng hấp thu canxi. Chú ý uống 6-8 ly nước mỗi ngày để hạn chế nhiễm trùng đường tiết niệu và tránh nguy cơ bị mụn nhọt, táo bón.
Tuần 22: Vấn tay, vân chân bắt đầu hình thành
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 22: Lúc này, bé yêu của bạn đạt trọng lượng khoảng 430 gam và dài xấp xỉ 27,8 cm. Một trong những dấu hiệu độc nhất của riêng con là vân tay, vân chân bắt đầu hình thành. Ngũ quan cũng đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là lông mi bắt đầu dài ra rất nhanh. Chất béo, cơ và xương cũng tăng tốc vượt bậc, chiếm phần lớn trọng lượng gia tăng trong tuần này.
Kích thước của thai nhi ở tuần thứ 22 nặng khoảng 430 gam và dài xấp xỉ 27,8 cm – Ảnh minh họa
Mách mẹ:
Tình trạng khó chịu ở dạ dày vẫn là một trong những vấn đề khiến nhiều mẹ cảm thấy khổ sở. Ngoài ra, mẹ cũng có thể bị chảy máu cam và gặp các vấn đề về răng miệng như viêm lợi… Lời khuyên của các bác sĩ là tăng cường bổ sung vitamin C từ các loại hoa quả thuộc họ cam chanh.
Cùng với những thay đổi từ cơ thể như tăng kích thước 3 vòng, bàn chân của bạn cũng trở nên to hơn do chứng phù nề. Vì thế, mẹ nên chú ý sắm sửa các loại trang phục rộng rãi, thoáng mát bằng chất liệu thấm hút mồ hôi. Đặc biệt, chọn giày dép rộng hơn 1-2 size để thuận tiện cho việc di chuyển.
Tuần 23: Mũi của bé đã bắt đầu mở ra
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 23: Trong tuần thai này, bé của bạn đã được 430 – 500 gam và có những bước phát triển nhảy vọt về cử động tay, chân, các ngón tay. Bên cạnh đó, khoang bụng của bạn vẫn còn khá rộng rãi nên bé có thể di chuyển, co duỗi dễ dàng. Nhờ đó, bạn cảm nhận rõ ràng những cú chòi đạp khi con vận động. Lúc này, mũi của bé đã bắt đầu mở ra chuẩn bị cho quá trình hô hấp độc lập về sau.
Thai nhi ở tuần thứ 23 khá… quậy – Ảnh minh họa
Mách mẹ:
Thời điểm này mẹ bầu sẽ đối mặt với nhiều nỗi lo, tim đập nhanh, chuột rút, đi tiểu liên tục… Mẹ cảm thấy càng ngày càng mệt mỏi và khó ngủ. Để cải thiện tình trạng này, các bác sĩ khuyên mẹ nên dành thời gian thư giãn như tắm nước ấm, nghe nhạc, đọc sách… Khi ngủ, nên nằm nghiêng sang một bên, ở phía bạn cảm thấy thoải mái nhất. Nếu được, bạn nên gối một chiếc gối giữa hai đầu gối hoặc chọn các loại gối chuyên dụng cho bà bầu để ngủ ngon hơn.
Tuần 24: Trí não phát triển nhanh chóng
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ : Lúc này cân nặng của bé đã cán mốc 700 gam và chiều dài đạt 30 cm tính từ đầu đến gót chân. Trí não của bé cũng phát triển nhanh chóng. Bên cạnh đó, vị giác của bé cũng trở nên phức tạp hơn. Trong giai đoạn này, mi mắt của bé đã không còn dính vào nhau nữa. Bé biết mở mắt, nhắm mắt và chớp mắt. Bé bắt đầu có những khoảng nghỉ ngơi và hoạt động xen kẽ nhau, nhất là rất tích cực cựa quậy vào ban đêm khiến cho mẹ khó ngủ.
Tuần thứ 24, thai nhi hay quậy mẹ vào bạn đêm – Ảnh minh họa
Mách mẹ:
Thời điểm này thích hợp cho mẹ tham gia các lớp tiền sản trong khoảng 8-9 tuần để chuẩn bị tốt nhất cho ngày con chào đời. Nếu bạn vẫn tiếp tục mắc phải chứng khó tiêu và ợ nóng, hãy chia thức ăn ra làm nhiều bữa nhỏ, đi bộ sau khi ăn để tiêu hóa tốt hơn. Đến lúc này nếu vẫn chưa cảm nhận được sự di chuyển của bé, hãy thông báo với bác sĩ của bạn để tiến hành kiểm tra nhịp tim cho con.
Tuần 25: Quả tim nho nhỏ đã biết đập rộn ràng
Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 25: Kết thúc tam cá nguyệt thứ 2, bé cưng của bạn đã đạt chiều dài khoảng 34,6cm và nặng tối đa là 850 gam. Trông bé đã tròn trịa hơn trước đây nhờ đã đạt được trọng lượng tương đối. Vị giác, thị giác và thính giác của bé đã phát triển lên một bậc nữa. Con có thể phân biệt được mùi vị mình thích hay không thích, mắt cảm ứng được ánh sáng và nghe được tiếng trò chuyện của bố mẹ. Quả tim nho nhỏ đã biết đập rộn ràng. Phổi cũng sẵn sàng cho những hơi thở đầu tiên giúp con có thể tồn tại độc lập ở môi trường bên ngoài, nếu chẳng may phải chào đời sớm.
Bước vào tuần 25, cân nặng tối đa của thai nhi là khoảng là 850 gam – Ảnh minh họa
Mách mẹ:
Lúc này, mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn. Đường chỉ màu nâu trên bụng đã xuất hiện khá rõ. Đôi khi bạn cảm thấy khó thở vì phổi không còn chỗ để nở ra mỗi khi bạn hít vào. Bạn bị chứng mất ngủ hành hạ vì phải đi vệ sinh nhiều lần trong đêm. Lời khuyên cho mẹ là bên cạnh việc chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng còn phải chú ý thư giãn, ngâm chân trong chậu nước ấm với vài giọt tinh dầu. Nếu cảm thấy khó ngủ, có thể đứng dậy đi dạo một vòng trong nhà, uống nước, đọc sách rồi từ từ dỗ giấc ngủ trở lại. Việc bạn cố nằm trên giường để ép mình ngủ sẽ càng khiến cho mọi chuyện trở nên tệ hại hơn.
Trong giai đoạn này, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lượng đường trong máu để phòng tránh tiểu đường thai kỳ và xác định xem bạn có thiếu sắt không để bổ sung cho phù hợp.