Nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến ở trẻ nhỏ
Trước hết, cần phải nói rằng trẻ khỏe mạnh vẫn có thể bị hôi miệng. Thủ phạm có thể là:
– Khô miệng: Khi bé bị nghẹt mũi phải thở qua đường miệng nhiều, các vi khuẩn trong miệng có thể tăng cường hoạt động nhiều hơn và gây ra mùi.
– Tác nhân bên ngoài: Khi bé vô tình hít phải hạt đậu hoặc một món đồ chơi nhỏ làm nghẹt mũi, nó có thể làm cho hơi thở của bé có mùi hôi. Những tai nạn này thường phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, vốn không thể kiểm soát được những món đồ chơi trong tay.
Trẻ thường xuyên gặm núm vú giả cũng có thể làm cho khoang miệng có mùi hôi
– Núm vú giả: Một số trẻ thường xuyên gặm núm vú giả cũng có thể làm cho khoang miệng có mùi hôi.
– Vệ sinh kém: Trong điều kiện bình thường, vi khuẩn sống trong miệng có thể “tận dụng”các vụn thức ăn thừa kẹt giữa các răng, viền nướu, lưỡi hoặc trên bề mặt của amiđan. Chúng có thể gây ra mùi hôi trong khoang miệng, đặc biệt là những thực phẩm nằm lâu trong miệng.
– Sâu răng, cao răng hoặc bị áp xe răng: Đây là những nguyên nhân có thể gây hôi miệng ở mọi lứa tuổi. (với người lớn bệnh nướu răng hoặc viêm lợi là thủ phạm gây hôi miệng phổ biến).
– Thực phẩm cay: Nếu bé thích ăn các loại thực phẩm như tỏi và hành, đó có thể là nguyên nhân tạm thời gây hôi miệng.
– Bệnh lý: Nếu bé bị viêm xoang, viêm amiđan hoặc thậm chí bị dị ứng theo mùa cũng có thể gây hôi miệng. Ở trẻ nhỏ, trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể là nguyên nhân gây hôi miệng.
Bạn có thể làm gì để giảm mùi hôi miệng của bé?
Câu trả lời cho hầu hết các trường hợp đó là vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ.
Vệ sinh răng miệng cho bé ngay từ khi bé mới mọc răng
– Nếu bé còn nhỏ, chưa mọc răng, bạn hãy dùng miếng gạc rơ lưỡi chải nhẹ quanh nướu và trên mặt lưỡi của bé mỗi tối trước lúc ngủ. Lưu ý, nếu lưỡi bé trắng và tưa, bạn có thể dùng thêm thuốc chuyên dụng, không nên dùng kem đánh răng vì bé sẽ nuốt.
– Kể từ khi bé đã mọc được cái răng đầu tiên, bạn hãy dùng gạc rơ lưỡi đánh răng hàng ngày cho bé ít nhất hai lần một ngày vào buổi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ.
– Khi bé tròn 2 tuổi, bạn chấm một ít kem và dùng bàn chải lông mềm dành cho trẻ nhỏ để chải đều các mặt răng trong, ngoài và cả mặt nhai.
– Khi bé lên 3, bạn bắt đầu tăng thêm lượng kem, nhích thêm khoảng bằng hạt đậu để răng bé được bảo vệ tốt hơn.
Lưu ý:
- Khi bé đánh răng, hãy nhắc nhở bé làm sạch cả lưỡi vì vi khuẩn phát triển trên các mảng bám bám ở mặt lưỡi
- Nên cho bé dùng chỉ nha khoa để lấy những mẩu thức ăn thừa bám dính vào kẽ răng nhằm tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi
- Cứ 3 tháng, nên thay bàn chải cho bé một lần vì lông bàn chải đã cùn hông thể loại bỏ mảng bám từ răng một cách hiệu quả.
- Thường xuyên đưa bé đi kiểm tra răng miệng để đảm bảo răng của bé vẫn khỏe mạnh và sạch sẽ. Nếu đã làm vệ sinh thật kỹ lưỡng và đều đặn mỗi ngày mà hơi thở của bé vẫn có mùi hôi, bạn nên đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra.
- Hãy dạy bé cách rửa tay và nhắc nhở bé thường xuyên làm việc này để thành một thói quen tốt. Hãy chắc chắn bé không thường xuyên đưa tay lên mút hoặc cắn móng tay của mình.
- Nếu bạn cho bé ngậm núm vú giả, hãy khử trùng chúng thật kỹ bằng xà phòng và súc miệng lại bằng nước sôi.
Sau cùng, đừng cố gắng để bé tự ti vì hơi thở của mình. Hãy để bé được tự mình đối phó với nó theo cách bạn hướng dẫn.
Hôi miệng có được cải thiện bằng nước súc miệng?
Nước súc miệng chỉ giúp bé tạm thời giấu đi hơi thở có mùi chứ không giải quyết triệt để vấn đề
Câu trả lời là không. Nước súc miệng chỉ giúp bé tạm thời giấu đi hơi thở có mùi chứ không giải quyết triệt để vấn đề. Chưa kể, nếu bé chưa đủ hiểu biết, bé có thể nuốt phải chúng.
Bạn chỉ cần đảm bảo đánh răng thường xuyên cho bé mỗi ngày hai lần và duy trì đều đặn mỗi ngày, bé sẽ giảm mùi hôi.
Theo babycenter