Mẹ&Con - Con bạn chậm nói mặc dù bé rất thông minh và đầy tình cảm (nghĩa là bé chỉ chậm nói đơn thuần chứ không phải bệnh). Vậy, bạn cần làm gì cho trẻ để giúp bé phát triển ngôn ngữ tốt hơn, bắt kịp đà “nhanh nói” của bạn bè cùng lứa? Nuông chiều quá mức, con cưng chậm nói Sao bé chậm nói Dinh dưỡng cho bầu, sức khỏe của bé

Nhận diện bé chậm nói

Trước tiên, xin khẳng định là bạn đừng so sánh bé với… con nhà hàng xóm, rồi hốt hoảng cho rằng sao con mình lại nói ít, trong khi bé kia nói rất nhiều. Việc xác định trẻ có chậm nói hay không cần có “chuẩn” khoa học đàng hoàng.
Đối với trẻ 24 tháng tuổi, trẻ được coi là phát triển tốt về mặt ngôn ngữ nếu:

• Nói được một câu có nghĩa có 2 từ (có thể chưa cần chuẩn xác hoàn toàn). Ví dụ: “Mẹ ơi, bánh!” (Mẹ ơi cho con bánh!), “Bà thơm” (Bà hôn cháu đi!), “Ba chơi” (Ba chở con đi chơi”.
• Chỉ được ít nhất 6 bộ phận cơ thể khi người khác đọc tên. Ví dụ: “Đầu con đâu? Bụng con đâu? Mắt con đâu? Mũi con đâu?”… (Chưa cần bé gọi được tên, chỉ cần bé hiểu đúng).
• Chỉ và biết gọi tên được 4 con vật hoặc hình 4 con vật. Ví dụ: “Chó”, “Mèo”, “Gà”, “Bướm”… (Bé có thể nói tên bất cứ con gì, không nhất thiết phải là những con vật này. Miễn bé nhận diện đúng hình con vật và phát âm đúng tên 4 con vật (âm đơn, chưa cần phải là “hà mã” hay “lạc đà”).
• Trẻ hiểu và làm theo được 2 hành động mà người khác nói. Ví dụ khi mẹ nói: “Bin đưa mẹ cái khăn”, nếu bé làm chính xác mà không nói gì cũng đã được xem là “có điểm” ở phần này.

Điểm mặt những dấu hiệu trẻ chậm nói 5

Nếu con bạn chưa làm tốt những phần trên?

24 tháng tuổi trở lên, nếu con chưa làm tốt những phần trên, có thể bước đầu xem như bé chậm nói. Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá lo lắng về chuyện này, vì chậm nói đơn thuần hoàn toàn có thể khắc phục và sau đó, khi đã nói tốt thì bé có thể nói nhanh, diễn đạt phong phú thậm chí hơn cả các bạn đã từng vượt bé vào thời điểm trước.

Tập cho bé như thế nào để bé nói tốt hơn? Chúng ta sẽ bắt đầu với việc “chơi”. Thông thường, trẻ chậm nói là do ít thời gian được chơi cùng người khác, thay vào đó người giúp việc sẽ mở tivi cho trẻ ngồi yên, trẻ được yêu cầu “chơi một mình” với đống đồ chơi. Như vậy, cái thay đổi đầu tiên và cơ bản nhất chính là hãy dành thật nhiều thời gian để chơi cùng bé.

Những trò chơi được chọn “chơi cùng” trong khoảng thời gian này cần khuyến khích bé “nói” càng nhiều càng tốt. Bạn có thể chọn những trò đọc thơ, kể chuyện, đọc sách cho trẻ nghe, có thể cho trẻ xem hình và đố con đấy là con vật gì, phát âm nhiều lần nhằm khuyến khích con bắt chước.

Bạn cũng nhớ nhắc mình thật kiên nhẫn. Vì bé đã chậm nói thì không phải là chỉ mất vài tuần hay vài tháng mà nhanh chóng “nói vèo vèo” được. Nên nói đến những gì hiện hữu rõ rệt trước mặt bé, đừng nói cái mà bé phải tưởng tượng ra. Ví dụ: Đưa cho con một quả bóng, bạn lặp đi lặp lại: “Bóng… Bóng…”.

Cũng nên đổi không khí cho bé thường xuyên bằng cách đưa trẻ ra ngoài, vì khi đó, bé sẽ tò mò hơn, chịu chú ý hơn và nghe – hiểu – tập nói nhiều hơn về những điều mới mẻ ở quanh mình. Nhớ đừng quên khuyến khích bé thường xuyên, động viên con: “Con giỏi quá!” để bé cảm thấy thích thú hơn. 

Điểm mặt những dấu hiệu trẻ chậm nói 6

Cẩn trọng với ti giả và tivi!

Việc cho trẻ ngậm ti giả quá nhiều hoặc xem tivi quá nhiều đều có thể là nguyên nhân dẫn đến việc chậm nói. Thực tế, bé vẫn phát triển ngôn ngữ thông qua việc nghe – tiếp nhận, hiểu thông tin. Tuy nhiên, bé lại mất đi khả năng tương tác lại với người khác. Cũng giống như khi bạn học một ngoại ngữ, bạn rèn nghe nhiều sẽ nghe hiểu tốt, nhưng nếu bạn không chịu “tập nói”, luyện kỹ năng nói thì bạn vẫn lúng túng khi giao tiếp trực tiếp với một người nước ngoài dù hiểu hết mọi điều họ nói. Ở bé, việc xem tivi và ngậm ti giả nhiều làm mất đi cơ hội tương tác cùng người khác cũng mang đến kết quả giống như vậy!

Tags:

Bài viết liên quan