Mẹ và Con - Ngày nay, các vấn đề sức khỏe về tâm lý thần kinh xảy ra khá phổ biến. Song, nhiều người vẫn còn ngại nói về nó vì cho rằng “không phải chuyện gì quá to tát”. Bệnh tâm lý thần kinh nếu không được điều trị sẽ gây nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe tâm thần của người bệnh và những người xung quanh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, hiện tại văn phòng WHO tại Việt Nam đang hỗ trợ Bộ Y tế phát triển mô hình lồng ghép sức khỏe tâm thần vào sức khỏe nói chung. Đây cũng chính là một lời cảnh báo cho thấy ngày càng có nhiều người mắc các bệnh tâm lý thần kinh và sức khỏe tinh thần của chúng ta ngày càng giảm sút, cần được quan tâm và can thiệp kịp thời.

Theo thống kê, có 8 dạng bệnh tâm lý thần kinh thường gặp nhất trong xã hội hiện đại, khi công nghệ lên ngôi.

Bệnh tâm lý thần kinh là gì?

Trước khi tìm hiểu qua các loại bệnh tâm lý thần kinh, bạn cần xác định khái niệm bệnh. Thế nào là bệnh liên quan đến tâm lý và có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của bạn?

Bệnh tâm lý thần kinh là các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, nhận thức, cảm xúc và tâm lý của một người. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cách người đó hành động, cảm nhận và cư xử với bản thân, với mọi người xung quanh và với các sự việc trong cuộc sống hàng ngày. Các bệnh về rối loạn tâm lý – thần kinh có thể hồi phục nếu được điều trị tích cực và đúng phương pháp.

bệnh tâm lý thần kinh 2

Dấu hiệu bệnh tâm lý thần kinh giai đoạn sớm

1. Trầm cảm

Trầm cảm là chứng rối loạn tâm thần thường gặp thời hiện đại. Người mắc bệnh trầm cảm thường có biểu hiện buồn bã kéo dài ít nhất 2 tuần liên tục, cảm thấy giá trị bản thân thấp kém, không có hứng thú với các hoạt động như trước.

Bệnh tâm lý thần kinh này có thể trở nên nghiêm trọng hơn và chuyển biến thành trầm cảm nặng với các vấn đề đi kèm như mất cảm giác ngon miệng, sụt cân, mất ngủ và ý nghĩ tự sát. Một số dấu hiệu của trầm cảm nặng có thể bao gồm:

  • Cáu gắt
  • Tuyệt vọng
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ xung quanh
  • Mất hứng thú với các hoạt động đã từng thích
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử hoặc cố gắng tự sát

Các yếu tố có thể góp phần gây ra trầm cảm bao gồm di truyền từ gia đình, tính cách, lạm dụng chất kích thích, gặp phải cú sốc tâm lý, đau thương…

Theo WHO, trầm cảm ảnh hưởng đến khoảng 264 triệu người trên thế giới và là chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất. Trầm cảm dù nặng hay nhẹ đều làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bằng thuốc hoặc tâm lý trị liệu hoặc kết hợp cả hai phương pháp để cải thiện các dấu hiệu của bệnh trầm cảm tại nhà.

2. Rối loạn lưỡng cực cũng là một dạng bệnh tâm lý thần kinh

Rối loạn lưỡng cực có hai triệu chứng riêng biệt là hưng cảm và trầm cảm. Hưng cảm bao gồm các hành vi như bốc đồng, cáu kỉnh quá mức và hay lo lắng. Ngược lại với hưng cảm, trầm cảm thường là tâm trạng kém, lúc nào cũng buồn bã, kén ăn, lười ăn…

hưng phấn quá mức

Hiện nay, mặc dù chưa có nhiều biện pháp giúp kiểm soát các hành vi hưng cảm nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát trầm cảm. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khi mắc bệnh tâm lý thần kinh rối loạn lưỡng cực, mọi người thường có xu hướng trầm cảm hơn hưng cảm.

Theo ước tính của WHO, trên thế giới có khoảng 45 triệu người mắc chứng rối loạn này. Bằng cách xét nghiệm máu hoặc thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để các bác sĩ chẩn đoán ra bệnh này.

3. Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là bệnh tâm thần gây nhiễu loạn suy nghĩ của người bệnh. Tốc độ tư duy của người bệnh trở nên nhanh hoặc chậm lại, thậm chí ngừng hẳn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ nói nhanh, chậm hoặc ngập ngừng theo. Bệnh tâm lý thần kinh này cũng khiến người bệnh mất khả năng suy nghĩ, ghi nhớ hoặc hiểu một vấn đề nào đó.

Ngoài ra, người mắc bệnh tâm thần phân liệt có nhiều hành vi kỳ lạ do nghe thấy các giọng nói trong đầu và thấy những thứ không có thật, bị ảo tưởng, cảnh giác quá mức, nóng nảy và bạo lực…

Tâm thần phân liệt là một bệnh mãn tính, cần phải điều trị suốt đời. Tùy vào từng tình trạng của người bệnh, bác sĩ thường điều trị bằng cách kết hợp sử dụng thuốc chống loạn thần và hồi phục chức năng tâm lý, xã hội cho bệnh nhân.

bệnh tâm lý thần kinh 4

4. Sa sút trí tuệ (chứng mất trí nhớ)

Sa sút trí tuệ là tình trạng giảm chức năng ghi nhớ hoặc mất trí nhớ và được xếp vào nhóm bệnh tâm lý thần kinh. Người bệnh cũng có thể gặp phải các vấn đề về suy giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy. Sau đây là những triệu chứng thường gặp:

  • Mất trí nhớ
  • Khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ, giao tiếp và thực hiện những hoạt động thường ngày
  • Lẫn lộn về thời gian và địa điểm
  • Gặp khó khăn trong suy nghĩ trừu tượng
  • Đặt đồ vật không đúng chỗ
  • Đột ngột thay đổi hành vi, tính cách và cảm xúc
  • Mất tính chủ động và thờ ơ

Sa sút trí tuệ là dạng bệnh tâm lý thần kinh tiến triển, nghĩa là nó sẽ trở nên càng tồi tệ hơn theo thời gian. Hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị bệnh triệt để, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc được bác sĩ chỉ định để cải thiện tạm thời các triệu chứng như mất trí nhớ và lú lẫn.

5. Thiểu năng trí tuệ

Thiểu năng trí tuệ hay rối loạn phát triển trí tuệ hoặc chậm phát triển trí tuệ. Đây là loại rối loạn phát triển hình thành từ trước 18 tuổi. Người mắc thiểu năng trí tuệ có những hạn chế trong hoạt động trí tuệ và hành vi thích ứng.

bệnh tâm lý thần kinh 3

Thông qua việc thực hiện các bài kiểm tra IQ có thể xác định được người bị thiểu năng trí tuệ. Điểm số IQ càng thấp càng thể hiện người bệnh có sự hạn chế trong các hoạt động trí tuệ và hành vi thích ứng (kỹ năng thực tế hàng ngày như chăm sóc bản thân, giao tiếp xã hội và kỹ năng sống).

6. Hội chứng tự kỷ cũng là dạng bệnh tâm lý thần kinh thường gặp

Theo WHO, các rối loạn tự kỷ (ASD) thường khởi phát từ thời thơ ấu nhưng có xu hướng kéo dài đến tuổi trưởng thành. Rối loạn tự kỷ là một khiếm khuyết trong hành vi giao tiếp, tiếp xúc với các mối quan hệ xã hội.

Người bị rối loạn tự kỷ thường gặp khó khăn khi gia tiếp hoặc hiểu cảm xúc của người khác và thể hiện cảm xúc của bản thân. Họ tránh giao tiếp bằng mắt và luôn muốn ở một mình. Những người này rất cần sự chăm sóc đúng cách của gia đình cũng như cần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều trị của bệnh nhân.

7. Rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD)

Bệnh tâm lý thần kinh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) gồm sự kết hợp của hiếu động thái quá, bốc đồng hoặc khó tập trung, chú ý. Người bệnh có các triệu chứng xuất hiện từ trước năm 12 tuổi và tác động tiêu cực đến hoạt động xã hội hoặc học tập. Mặc dù trạng thái tăng động có thể giảm khi trưởng thành nhưng căn bệnh giảm chú ý, dễ bốc đồng vẫn sẽ theo họ.

bệnh tâm lý thần kinh

8. Bệnh tâm lý thần kinh: Rối loạn giao tiếp

Rối loạn giao tiếp ảnh hưởng đến khả năng sử dụng, hiểu hoặc phát hiện ngôn ngữ và lời nói. Rối loạn này gồm bốn dạng phụ khác nhau là rối loạn ngôn ngữ, rối loạn âm thanh lời nói, rối loạn lưu loát khởi đầu ở thời thơ ấu (nói lắp) và rối loạn giao tiếp xã hội.

Đối với người ở độ tuổi trưởng thành, có thể gặp một số biểu hiện của chứng rối loạn ngôn ngữ giao tiếp ở môi trường làm việc như:

  • Lo lắng khi phải nói chuyện hay thuyết trình trước mặt nhiều người.
  • Gặp khó khăn khi phải trả lời những câu hỏi từ cấp trên, ngay cả khi đã biết câu trả lời.
  • Gặp khó khăn trong những cuộc tán gẫu nhỏ ở công ty.
  • Không nhớ được những từ ngữ chuyên ngành trong công việc của mình.
  • Không theo kịp trong các cuộc họp, đặc biệt trong các cuộc họp có nhiều người phát biểu.
  • Nghiêm trọng hóa những câu nói bình thường.
  • Gặp khó khăn trong việc trả lời câu hỏi khi họp.
  • Gặp khó khăn trong việc làm theo các hướng dẫn phức tạp và thường chỉ muốn nhận nhiệm vụ qua email.

Nguyên nhân gây chứng rối loạn ngôn ngữ thường không rõ nhưng có nhiều chuyên gia cho rằng có thể là do di truyền và dinh dưỡng. Đôi khi một số chấn thương đầu cũng có thể gây ra bệnh.

Phần lớn các bệnh tâm lý thần kinh ngày nay vẫn chưa có cách phòng tránh triệt để. Điều tốt nhất để giảm các nguy cơ gây bệnh chúng ta có thể làm là tập thể dục, vận động cơ thể, ăn ngủ khoa học, hạn chế các căng thẳng trong cuộc sống, không sử dụng các chất kích thích, gây nghiện…

Người mắc bệnh tâm lý thần kinh rất cần sự hỗ trợ, quan tâm, giúp đỡ và chăm sóc của gia đình và xã hội. Quan trọng nhất là hãy kiên nhẫn và hiểu biết để giúp họ ổn định cuộc sống, suy nghĩ tích cực và điều trị bệnh.

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.