Mẹ&Con – Khó diễn tả hết niềm hạnh phúc nghẹn ngào của mẹ khi một sớm mai nào đấy, đang cho con ăn như bình thường, bỗng nghe tiếng con bập bẹ gọi: “Mama…”. Con nói rồi đấy nhé! Con biết gọi mẹ, gọi ba, gọi ông bà, rồi gọi đến tên chú cún trong nhà nữa chứ… Con biết nói, đó là một bước ngoặt đặc biệt trong đời con, và đó cũng là bước ngoặt đặc biệt trong cuộc đời của mẹ!

Bi bo nhung tieng dau doi

(Ảnh minh hoạ)

Làm sao dạy bé nhanh biết nói?

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy bé sẽ chậm biết nói, vốn từ không phong phú nếu như bố mẹ là người quá… kiệm lời. Vì vậy, cho dù bình thường tính cách của bạn có “trầm lặng” đến đâu chăng nữa thì trong giai đoạn này, bạn cũng cần đặc biệt tập cho mình “nói nhiều” khi ở bên con.

Một điều bạn cần lưu ý rằng trước khi bé có thể nói được, bé sẽ trải qua cả một quá trình dài lắng nghe, cảm nhận, cố gắng “hiểu” ngôn ngữ. Thế nên không phải đợi đến lúc con biết nói bạn mới nói chuyện với con đâu đấy nhé! Việc này cần thực hiện từ sớm, ngay từ lúc con vài tháng tuổi. Cứ nhìn vào mắt con, lắng nghe những âm thanh “ê a” chưa rõ của con, gật đầu với bé, trò chuyện với bé, đọc thơ, hát cho bé nghe càng nhiều càng tốt.

Điều đó giúp bé “hiểu” ra ở trên đời này có cái gọi là… ngôn ngữ. Kho từ vựng của bé sẽ tích lũy dần dần từ ngày tháng ấy. Ông bà xưa có cách hát ru con là cách cực kỳ hay để phát triển ngôn ngữ cho con từ thuở nằm nôi. Thực tế, những bài hát với giai điệu du dương, ngôn từ đơn giản, có vần có điệu, được lặp đi lặp lại mỗi ngày sẽ rất dễ ăn sâu vào tâm trí bé, kể cả khi bé còn chưa biết nói hoặc mới chỉ bập bẹ vài tiếng đầu đời.

Bạn đừng ngại hát ru con (cho dù bạn tự cảm thấy giọng mình… hát “dở ẹt” thế nào đi nữa!). Những bài hát ru, những câu ca dao vần điệu, những bài hát thiếu nhi ngăn ngắn là cách tuyệt vời nhất để bạn trang bị cho con vốn liếng từ ngữ quý giá. Nếu lúng túng quá với việc này, bạn có thể học cách đơn giản hơn một chút là tìm mua những quyển sách kể chuyện dành cho trẻ em. Cứ đọc cho con nghe mỗi tối bằng giọng đọc thật chậm rãi, rõ ràng. Đừng e ngại con… chả biết gì. Thực tế, bé chưa hiểu, chưa biết, nhưng bé sẽ “nhận diện” được dần dần các từ khi được mẹ lặp đi lặp lại.

Đến khoảng thời điểm con bập bẹ, hãy thực hiện việc nhắc lại từng từ đơn giản cho con nghe thường xuyên, liên tục. Ví dụ cho bé uống sữa, bạn lặp lại nhiều lần “sữa”, “bé uống sữa nào!”, “sữa nha con”… Không phải chỉ có mình bạn cố gắng với việc này mà cả gia đình cần chung sức vào. Dân gian có câu “trẻ lên ba cả nhà học nói” chính là vậy. Bé cần nghe nhiều giọng, nhìn thấy mọi người chuyện trò với nhau. Điều đó sẽ thúc đẩy và khuyến khích bé bật ra những từ đầu tiên nhanh chóng.

Luôn động viên bé nói!
Hãy cho bé thấy là bạn rất thích thú lắng nghe con. Vỗ tay, khen ngợi, vuốt ve bé, nói chuyện trở lại với con. Đừng tưởng con “không biết gì”. Tất cả những việc bạn làm trước sự cố gắng của bé sẽ góp phần giúp bé tăng sự tự tin, thích nói và ham học nói.

Hiểu từng bước con “bập bẹ”

Không có đứa trẻ nào tự dưng biết nói… cái ào! Bạn cần hiểu từng bước trong quá trình “bập bẹ” của con để giúp bé phát triển nhanh từ vài tiếng “baba”, “mama” thành những từ ghép, những câu ngắn, rồi câu dài. Thường khoảng 9 tháng tuổi, trẻ bắt đầu nói được những từ đơn giản nhất (có nguyên âm “a” là nguyên âm dễ phát âm nhất) nhưng chưa thật sự hiểu nghĩa từ.

Từ 12 đến 15 tháng tuổi, bé bắt đầu biết cách “gọi tên” vài thứ đúng. Ngoài ra, bé đã có thể hiểu và biết cách làm theo những hướng dẫn đơn giản của bạn. Ví dụ khi bạn nói: “Đưa búp bê cho mẹ!”, bé đã có thể hiểu để làm theo, dù chưa biết cách “trả lời”.

Khoảng 18-24 tháng tuổi, vốn từ của bé tăng lên khoảng 30-50 từ. Thậm chí ở một số trẻ, vốn từ này có thể cao hơn. Bé của bạn đã bắt đầu biết cách “líu lo”, nào “sữa”, nào “măm”, nào “cá”, nào “gà”… Khoảng 24 tháng tuổi, nếu bạn chịu khó khuyến khích liên tục, bé có thể biết cách kết nối từ. Ví dụ sẽ biết nói: “trời mưa”, “con cá”, “mẹ đẹp”, “bố bụng bự”…

Từ lúc con 2 tuổi đến 3 tuổi, bạn cần quan tâm đặc biệt đến khả năng ngôn ngữ của trẻ vì đây là thời điểm bé khiến bạn bất ngờ vì sự phát triển ngôn ngữ quá nhanh (không chậm rãi từng bước như trước nữa). Sở dĩ làm được điều này là vì bé đã tích lũy đủ vốn từ, đã cảm nhận và hiểu dần dần từ trước đó rồi (dù chưa thể nói ra). Bạn sẽ không đếm xuể lượng từ con biết nữa. Bé sẽ kết hợp được nhiều từ, biết nói thành câu. Có những cách ghép từ đầy sáng tạo, thông minh của bé khiến mẹ cũng phải bất ngờ.

Hiểu được từng “chặng đường” phát triển này của con, bạn sẽ biết giai đoạn nào nên làm gì, cần nói nhanh hay nói chậm, cần phát âm rõ từng từ đơn hay từ ghép, lúc nào nên nói với bé thành câu rõ ràng để bé bắt chước theo… Tuy nhiên, trước khi bạn tìm hiểu sâu hơn về chuyện “học nói” của con, xin lưu ý thêm với bạn một điều nữa là những cột mốc bác sĩ đưa ra chỉ mang tính tương đối. Mỗi đứa trẻ có thể có giai đoạn học nói nhanh hơn hoặc chậm hơn, nhưng vẫn là bình thường, không nên quá lo lắng.

Chỉ nên đặc biệt quan tâm nếu bé có các dấu hiệu bất thường quá rõ rệt, như: Bé không đáp ứng với âm thanh, mẹ đứng bên cạnh gọi, vỗ tay nhưng bé vẫn không quay sang, không chú ý; bé không chịu sử dụng lời nói để giao tiếp khi đã 18 tháng tuổi; bé hoàn toàn không có xu hướng bắt chước âm thanh, không “trọ trẹ” thử phát âm; bé không hiểu được các yêu cầu đơn giản của bạn, không nhìn vào mắt bạn khi bạn nói…

Lưu ý

Cần đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ, cách phát âm, lời nói… của những người trực tiếp chăm sóc bé, ví dụ như người giúp việc. Hạn chế tối đa để cho người có tật nói lắp, nói ngọng, phát âm không chuẩn giữa “l” và “n”, người nói khó nghe, người nói quá nhanh… chăm sóc bé trong giai đoạn bé từ 1 tuổi trở đi vì bé sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp những điều này.

Tags:

Bài viết liên quan