Không phải là “trốn việc”, nhưng quả thật phải có phương cách thích hợp vì nếu sống ở nhà chồng, mẹ chồng có thể sẽ muốn bạn đảm đương, chu toàn hết việc nhà. Làm thế nào để không xảy ra cảnh “bất công”? Anh xã của bạn thì được mẹ cho phép nhởn nhơ ngồi xem tivi, còn bạn thì túi bụi cùng mẹ chồng lo việc giặt giũ, dọn dẹp, lau chùi, đi chợ nấy ăn… dù cho công việc của bạn ở công ty nhiều không kém gì anh ấy.
1. Đừng để giọt nước tràn ly
Rất nhiều cô dâu khi mới về nhà chồng, muốn “yên chuyện” nên dù khá ấm ức khi mình phải xoay sở chu toàn hết mọi việc nhà còn chồng thì chẳng động tay, động chân nhưng không thể nói ra. Đến khi chịu hết nổi, căng quá mức thì mới “bùng một phát”. Vì bạn phản ứng quá mạnh và đột ngột nên chồng bạn và mọi người sẽ bị sốc, không ai chịu ai, rất dễ đổ vỡ sau này.
Công thức đầu tiên bạn cần nhớ nằm lòng là đừng để nước tràn ly. Ngay khi mới về nhà chồng, bạn đã phải khéo léo dò xét ý mẹ chồng. Nếu thấy bà muốn giao cho bạn quá nhiều việc nhà trong khi chồng bạn được “miễn” hết , bạn cần nghiêm túc ngồi lại bàn với chồng cách thuyết phục mẹ hiểu rằng mỗi thành viên trong nhà, dù là nam hay nữ, dâu hay rể đều phải có sự sẻ chia trong công việc với nhau. Hãy để mọi người hiểu rõ quan điểm của bạn ngay từ đầu.
2. Đừng sai bảo chồng
Đặc biệt là trước mặt các thành viên khác trong gia đình chồng. Sau khi đã thỏa thuận, chồng sẽ sẻ chia công việc. Bạn có thể bàn bạc cụ thể những việc cần chàng làm, không nên nói chung chung “giúp chia sẻ việc nhà”. Nên nói riêng một cách vui vẻ với chồng để anh ấy tự nguyện “nhúng tay” vào việc nhà. Không nên để đến lúc bạn đang làm mà anh ấy ngồi chơi mới lên tiếng “sai bảo” chồng làm cái này, cái khác.
Nếu lúc nào thấy anh ấy đang nằm ngủ, đang chơi gane hay đọc báo, chat chit với bạn bè… trong khi bạn đang rối lên với một đống việc, bạn cũng đừng vội gào lên kẻo mẹ chồng nghĩ rằng bạn “sai bảo” hay “hành hạ” chàng. Chẳng bà mẹ chồng nào không xót con trai cả.
Bạn nên khéo léo nhẫn nhịn một chút, đợi đến khi còn hai vợ chồng mới bàn bạc với nhau thì xác suất thành công sẽ lớn hơn nhiều. Thay vì kết tội ông xã, nên nói rõ để anh ấy biết công việc của bạn ở công ty không hề ít, và bạn không thể vừa xoay sở việc công ty, vừa làm hết việc nhà mà không có sự giúp đỡ của anh ấy.
3. Khi bạn gặp “quý tử”
Không ít gia đình đến thời điểm này vẫn giữ nguyên suy nghĩ: “Con dâu phải làm, con ruột được nghỉ ngơi”. Sau giờ ở cơ quan, bạn tất cả về nhà nhưng chồng có thể la cà với bạn bè đến tận tối khuya để… trốn việc nhà. Có không ít trường hợp, bạn đã nói, đã làm cả hai điều trên, anh xã gật gật vâng vâng nhưng rồi mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Ông xã vẫn ỉ lại mẹ chồng và bạn, hoặc muốn giúp lắm những rồi hễ động tay động chân vào là hư hỏng, đổ vỡ lung tung khiến bạn ngán ngẩm, muốn tự làm cho rồi.
Tuy nhiên, lời khuyên cho bạn là không bao giờ nản lòng tự nhủ: “Thôi, mình tự làm còn nhanh hơn”. Lúc còn hai vợ chồng son thì chưa thấm thía gì, nhưng nếu đã có con cái thì càng lúc bạn càng cực và… tức với một anh chồng chẳng biết làm việc nhà.
Mặc dù sống ở nhà chồng nhưng hãy cương quyết hơn và tận dụng những mối quan hệ trong gia đình chồng để khuyên nhủ anh từng chút một. Tạo không khí thoải mái để hướng dẫn anh cùng tham gia việc nhà với mình. Có thể, ban đầu chồng bạn rất vụng về (vì từ nhỏ đến giờ không phải làm việc nhà) nhưng nếu bạn kiên nhẫn và khuyến khích, khen ngợi chàng thường xuyên thì chỉ sau một thời gian, mọi thứ sẽ được cải thiện đáng kể.
4. Đừng để mình quá tải
Đôi khi bạn đã nỗ lực hết sức, làm mọi cách nhưng vẫn cảm thấy mình quá tải với công việc ở nhà chồng, Hãy nhớ rằng, chịu đựng lúc này không phải là cách hay. Bạn nên mạnh dạn nói ra với gia đình chồng để có hướng giải quyết tích cực nhất. Nếu cần thiết, hãy đề nghị thuê thêm người giúp việc hoặc cho phép bạn chỉ phải gói gọn công việc trong gia đình nhỏ của mình, chứ không phải đảm đương hết các việc khác.
Sức khỏe và sự thoải mái của bạn rất quan trọng, và bạn lập gia đình là để tạo dựng một cuộc sống tuyệt diệu mới chứ không phải chỉ để cắm cúi hết việc cơ quan đến việc nhà, mà chẳng còn thời gian nào cho chính mình.
5. Tận dụng phương tiện hỗ trợ
Nếu bạn là người chịu trách nhiệm nấu ăn cho đại gia đình, đôi khi bạn nên “giải thoát” cho mình bằng cách… rủ mọi người cùng đi ăn bên ngoài hoặc mua một loại thức ăn nào đấy, vì dụ như lẩu để cả nhà cùng ăn chung. Cách làm đó vừa giúp bạn thay đổi không khí gia đình, vừa có thể cho bạn thêm những khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết khi sống ở nhà chồng.
Tương tự, tận dụng hệ thống giao thức ăn tận nhà của siêu thị, dùng máy giặt, lò vi sóng… cũng sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và giảm thiểu ghánh nặng việc nhà. Có thể một số mẹ chồng không quen nếp sinh hoạt cũ sẽ cho là bạn phung phí, nhưng hãy khéo léo để thuyết phục gia đình hiểu ra. Đó là cách rất tốt giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức.
6. Và cuối cùng, nếu mọi thứ vẫn “đâu vào đấy”
Hãy quyết định ra riêng. Nếu không, muôn đời chồng bạn vẫn sẽ là cậu con trai được nâng niu, cưng chiều, không biết cách lo liệu, chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình… hoặc mọi người trong gia đình chồng vẫn quen coi bạn là người cần đảm đương nhiều thứ!
Không nên ngại điều tiếng riêng chung với thiên hạ. Vì nếu ở chung mà mâu thuẫn, bạn phải làm quần quật đến nỗi không có chút thời gian mà thở thì thà ở riêng mà thân yêu quý mến nhau, chồng con tự lập, quan tâm đến bạn sẽ tốt hơn nhiều. Cuối tuần hoặc sinh nhật, lễ Tết thì tụ tập vui vẻ, duy trì không khí đầm ấm quây quần. Sau một thời gian, bố mẹ chồng sẽ hiểu và thấy được hiểu quả những việc bạn làm thôi.