Mẹ&Con - Tết - dịp tất cả mọi người đều chờ mong. Dịp đoàn viên gia đình, dịp tưng bừng chúc tụng, nâng ly. Dịp ai nấy đều rạng rỡ nói cười, các cháu áo mới tung tăng, các con mặt sáng ngời vinh hoa, thành đạt. Nhưng thật ra, không phải ai cũng được như thế. Trong lúc rất nhiều người mong Tết, thì cũng có không ít người cảm thấy ám ảnh và hốt hoảng mỗi khi nghe đến từ này. Nhất là… các đôi vợ chồng trẻ! Lưu ý về dinh dưỡng cho “bầu” ngày Tết Món Tết đơn giản nhưng đủ chất Muôn chuyện ăn Tết nơi quê chồng vợ

Mệt từ giáp Tết mệt đi!

Nghe bạn bè cùng phòng háo hức lên kế hoạch nghỉ Tết, chị Tịnh An (Quận 4) chỉ biết nén một tiếng thở dài. Tình hình kinh tế khó khăn, chồng thất nghiệp mấy tháng nay, chị còn việc làm nhưng thưởng Tết cũng trở nên eo hẹp. Ấy thế mà hàng trăm thứ lại đang chờ mua sắm! “Không mua không được. Lì xì cho các cháu, rồi quà cáp biếu xén nhiều người. Cả biếu ông bà để ông bà tiêu Tết nữa. Nhìn những khoản tiền cứ lù lù ra đó mà thật mình chỉ ước giá như đừng có Tết, để đỡ lo hơn!”, chị cười buồn.

de-tet-khong-la-noi-am-anh

Với chị Bích Ngân (Quận 1), tình hình lại ngược lại khi công ty ăn nên làm ra và… đến giờ này vẫn còn hàng núi việc! Nghe nhắc đến Tết, chị xua vội tay: “Thôi thôi… Đừng nói nữa! Sợ từ mấy tuần nay đây! Gần một tháng trời, tối nào cũng chỉ được ngủ nhiều nhất là 5 tiếng, còn lại toàn 3-4 tiếng. Có bữa thức trắng để kịp các đơn hàng. Nghe sếp hứa thưởng này kia cũng mừng, nhưng quả thật đến giờ này, stress quá chịu không nổi, nhiều chị em chỉ ước thầm giá mà Tết đến chầm chậm thôi!”.

Việc công ty đã thế, việc nhà còn… kinh khủng hơn. Chị Thủy – một giáo viên cấp 2 – tuổi đời mới mấp mé 30 nhưng đã “nặng” với 3 nách con, trong đó có hai đứa sinh đôi mới vừa đầy năm. Chị nhăn mặt với một cái Tết đang đến gần: “Ảnh vừa được cho nghỉ là tha hồ đi nhậu. Mình thì túi bụi, vừa dọn dẹp nhà cửa vừa mệt phờ để chăm 3 đứa nhóc, vì các trường cho nghỉ sớm, không còn ai trông. Ngày nào cũng dậy từ tinh mơ mờ đất, làm quần quật đến tận 11h khuya mà sao vẫn thấy còn quá chừng thứ chưa dọn dẹp xong. Thấy vừa mệt vừa ấm ức, mình cãi nhau một trận kịch liệt với chồng. Cãi xong thì ổng đi… nhậu tiếp, mình thì buồn thiu ở nhà!”.

Khá giống tình cảnh của chị Thủy, chị Thùy Lan (Quận 6) dở khóc dở cười: “Mình ở chung với bố mẹ chồng. Cuối năm bận việc nhiều quá, mình toàn bỏ bếp núc lạnh tanh, hơn 8h tối mới vác cái thân về được tới nhà. Thế là mẹ chồng ngọt nhạt lườm lườm, bảo dâu con thời nay Tết nhất tới nơi cũng không biết làm miếng mứt, miếng dưa món, củ kiệu nào, cơm nước thì vứt đấy. Nghe mẹ la, chồng không thương mà bênh dùm mình một tiếng thì chớ, đằng này ảnh còn nói thêm vào, gây chuyện, nói mình thiếu quan tâm đến gia đình, thiếu chu toàn vai trò người vợ!”.

de-tet-khong-la-noi-am-anh

Quả thật, không có thời gian nào trong năm, người phụ nữ dễ stress như những ngày giáp Tết. Hình ảnh trong các mẫu quảng cáo trên tivi thì toàn các cô con dâu mặt mày tươi tắn, xinh xắn ngời ngời, nụ cười trên môi, lo toan cơm nước và quan tâm chúc Tết bố mẹ, ông bà. Nhưng đâu phải ai cũng có đủ sức lực, thời gian và… tiền bạc để vun vén cho qua mùa Tết như vậy. Chị Thùy Lan không giấu sự ấm ức khi chia sẻ: “Mình không thích cứ dịp Tết là lại bị bắt bẻ, sao con dâu không về nhà lo liệu cho gia đình chồng. Nghỉ được có chục ngày, nhưng kỳ thực là chục ngày đó mệt bằng… cả tháng làm việc bình thường. Nào thăm hỏi, nào cơm nước, nào lo cho con, nào lo cho chồng. Lắm lúc, mình chỉ ước có cho mình một buổi sáng mùng một yên lành thôi, để ngủ một giấc cho thật đã, sau đó nằm nghe nhạc và đọc một cuốn sách, thong thả nhấm nháp tách cà phê. Vậy mà nghe điều đó sao quá… xa vời!”.

Để Tết thôi “ám ảnh”!

Nhiều phụ nữ thành thực: “Từ hồi lấy chồng, có con, cứ mỗi dịp Tết là thấy mình cực gấp đôi gấp ba. Người giúp việc thì nghỉ, đòi về quê. Chồng thì cứ mặc nhiên mời bạn bè đến… nhậu. Mình è cổ ra làm, hết quét dọn lau chùi đến cơm nước phục vụ. Đã thế còn đi thăm bạn bè, bà con, còn quà cáp biếu gia đình chồng, gia đình vợ. Nếu có được sự đồng cảm đỡ đần của chồng thì mừng quá. Chứ không thì…”.

Đúng là nghĩ cho kỹ, thì Tết có mấy ngày nhưng gánh nặng “chuẩn bị Tết” thì đè lên vai người phụ nữ từ nhiều tuần trước đó. Có chị đến tận chiều 30 Tết mới tất tả chạy ra chỗ làm đẹp gần nhà, cố để kịp cắt mái tóc, sơn bộ móng tay hay “tút” lại chính mình chút xíu mà ăn Tết. Làm cách nào để chấm dứt tình cảnh này?   

Chị Thu Mai (Quận 11) mỉm cười chia sẻ: “Bí quyết đơn giản của vợ chồng mình là phân công nhau rất rõ ràng từ trước Tết. Không phải mọi việc nhà cứ đổ hết lên đầu vợ. Mình chia sẻ việc ra, kéo cả chồng cả con cùng giúp. Việc dọn dẹp cũng được thực hiện từ từ cách đó cả tháng trời nên đến giáp Tết gần như mọi thứ đã xong. Còn về chuyện quá nhiều khoản phải chi thì từ đầu năm, mình đã bàn với anh xã mỗi tuần để dành 500 ngàn cho vào ống heo. Cứ tích cóp như thế, đến cuối năm là cả nhà có cả một khoản kha khá để ăn Tết thoải mái rồi, không nơm nớp ngồi chờ xem có được thưởng không, thưởng Tết có đủ chi tiêu không nữa!”.

de-tet-khong-la-noi-am-anh

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhắn nhủ thêm: “Nhưng người phụ nữ giỏi theo tôi không phải là người… è cổ ra làm hết trăm thứ việc. Người phụ nữ giỏi là người biết làm cho mọi người thông cảm và hiểu được mình, cùng xúm vào phụ mình, mỗi người mỗi tay! Khéo phân công công việc, khéo quán xuyến chi tiêu gia đình từ sớm, tất cả các thành viên đều sẽ có được giây phút thư giãn, nghỉ ngơi, tận hưởng không khí Tết đến Xuân về!”. 

5 MẸO NHỎ GIÚP BẠN “GIỮ NHIỆT” CHO TỔ ẤM!

1. Đừng “bỏ quên” hẳn bữa cơm. Biết là bạn rất bận, nhưng bữa cơm gia đình những ngày giáp Tết chính là cầu nối vô cùng quan trọng với mỗi thành viên. Trong trường hợp quá bận rộn, không thể duy trì bữa cơm tối thường xuyên, hãy thay vào đó là việc chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình ăn chung, hoặc duy trì việc nấu nướng dịp cuối tuần.

2. Những lời yêu thương âu yếm không làm… tốn thời gian của bạn lắm đâu. Dù quá bận, cũng đừng quên nhắn cho chồng vài tin nhắn vào những lúc có thể trong ngày. Một đức lang quân đã bật mí rằng: Khi nhận được tin nhắn rất ngắn gọn của vợ mình, nội dung là “Nhớ anh! Ăn cơm ngon… anh nhé!”, anh cảm thấy dễ chịu hơn dù vẫn đang phải “lủi thủi” ăn cơm tối một mình vì vợ chưa xong việc ở công ty mùa cuối năm.

3. Dành tất cả những khoảng thời gian rảnh rỗi có thể để quan tâm đến các thành viên khác trong gia đình. Mười phút để hỏi han con, mười phút để nhẹ nhàng massage cho chồng khi anh đang mệt không phải là “quá tốn thời gian” với bạn đấy chứ?

4. Luôn cố gắng giữ nụ cười tươi. Điều này tốt cho bạn, tốt cho sức khỏe của bạn và tốt cho tinh thần của các cá nhân khác. Đừng quên rằng nhiều gia đình “hục hặc” với nhau giai đoạn giáp Tết không phải vì quá bận rộn, bị “bỏ bê” mà vì cứ về đến nhà là nhìn thấy người bạn đời của mình cáu bẳn, mặt nặng mày nhẹ cứ như thể muốn trút hết mọi bực tức lên đầu mình vậy!

5. Và cuối cùng, đừng quên chia sẻ công việc, chia sẻ nỗi lo toan cùng nhau thì tất cả mọi thành viên đều trở nên thảnh thơi hơn, được nghỉ ngơi đầy đủ hơn. Tết cũng không phải là dịp để “làm khó” nhau. Nếu bạn quá bận, hãy học cách chia sẻ công việc cũng như làm giản đơn đi việc tổ chức, chuẩn bị Tết. Quan trọng nhất trong ý nghĩa của Tết chính là các thành viên được khỏe mạnh, vui tươi, quây quần tụ họp chứ không phải là chu toàn hết tất cả mọi lễ nghi. 

Tags:

Bài viết liên quan