Mẹ&Con – Ở nước ngoài, việc trẻ nhỏ hay thậm chí là trẻ sơ sinh bì bõm tập bơi là chuyện bình thường, xong ở Việt Nam thì dường như các bậc phụ huynh vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc dạy trẻ tập bơi.

Năm nào cũng vậy, cứ chớm đầu hè đã xuất hiện rất nhiều vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân chính là trẻ em. Theo số liệu của WHO 2016, mỗi năm Việt Nam có hơn 11.000 trẻ tử vong do đuối nước, xếp vị trí thứ 2 trên thế giới.

Ở nhiều nước, bơi lội là bộ môn bắt buộc, được đưa vào nội dung học nhưng ở Việt Nam thì điều này vẫn còn rất mông lung. Đa số các bậc phụ huynh vẫn còn tồn tại quan điểm không dạy trẻ tập bơi khi còn nhỏ bởi sức đề kháng của chúng còn yếu, dễ mắc các bệnh về đường hô hấp… Nhiều người thường tặc lưỡi nói rằng đợi sau này khi con lớn, cho chúng đi bơi cũng chưa muộn.

Có thể mẹ không tin, nhưng thực chất trẻ biết bơi từ… ngay sau khi được sinh ra. Sở dĩ, có những điều này là bởi khi còn nằm trong bụng mẹ trẻ đã được bơi trong môi trường nước ối. Môi trường này nuôi dưỡng khả năng bơi lội của trẻ khi tiếp xúc với nước khi sinh ra nên tuy tập bơi từ lúc còn nhỏ, nhưng trẻ có thể tự đóng mở thành miệng và thanh quản trong lúc bơi để ngăn không cho nước tràn vào phổi.

Chúng cũng có thể đập tay, đạp chân để giữ cho cơ thể không bị chìm dưới nước. Nói chung, phản xạ bơi và thở trong nước là bản năng của con người nên phụ huynh không cần phải quá lo lắng.

Tuy nhiên bất cứ bản năng nào của con người cũng sẽ bị mất đi nếu bị bỏ quên và không được rèn luyện. Việc dạy trẻ tập bơi từ sớm không những không có hại mà ngược lại, còn giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch cũng như phát triển thể chất và các kĩ năng quan trọng cho trẻ sau này.

Dạy trẻ tập bơi và những điều cần lưu ý 6
Trẻ biết bơi từ… ngay sau khi được sinh ra. (Ảnh minh họa)

1. Lợi ích của việc cho trẻ nhỏ tập bơi:

– Giúp trẻ tăng cường sức khỏe, phát triển thể chất, tăng chiều cao.
– Có lợi cho toàn bộ hệ thống tim mạch, mở rộng vai và ngực, tăng năng lượng giúp phổi hoạt động tốt.
– Ăn uống ngon miệng, tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng, ngủ ngoan.
– Trí thông minh phát triển, não bộ nhanh nhạy xử lý tình huống.
– Giảm căng thẳng, tự tin, vui vẻ, năng động.
– Giảm nguy cơ béo phì, săn chắc cơ thể.
– Bảo vệ sự an toàn của chính bản thân.

2. Khi nào nên dạy trẻ tập bơi?

Cha mẹ có thể dạy trẻ tập bơi khi chúng bắt đầu bước sang tháng thứ 6. Hãy bắt đầu cho con tập bơi từ những bước đơn giản trước. Hãy tham khảo 8 bước dưới đây để dạy con tập bơi tốt hơn.

1. Làm quen với nước
Khi cho trẻ tắm, hãy xối nước từ từ lên phần đầu rồi mới tới mặt. Cảm thấy bé đã quen dần với nước, cha mẹ dần chuyển sang cho bé tắm vòi sen và những dụng cụ chứa nước có thể tích lớn hơn, lần lượt là thau tắm, bồn tắm và bể bơi.
Luôn giữ trẻ trong tay và có các dụng cụ sơ cứu, cấp cứu ở cạnh.

2. Dạy trẻ cách tự nổi
Nếu đứa trẻ đã có thể nhận thức, hãy dạy chúng cách tự nổi trên mặt nước theo các bước:
– Bước 1: Nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở để không bị sặc nước.
– Bước 2: Thả lỏng người, đầu nổi sát mặt nước. Đạp chân xuống nước để đẩy nước lên, đầu nhô khỏi mặt nước. Há miệng to để thở khi ở trên mặt nước, ngậm miệng và từ từ thở khi xuống mặt nước.

3. Thổi bong bóng và đá chân
Khi đã thành thạo với việc tự nổi trong nước, điều tiếp theo cha mẹ cần hướng dẫn trẻ đó là cách thổi bong bóng và cách đá chân.
– Cách thổi bong bóng: Trẻ úp mặt xuống dưới, nhắm mắt, thở đều đặn để tạo ra bong bóng.
– Cách đá chân: Chân duỗi thẳng, đạp mạnh xuống nước. Trẻ có thể vịn vào thành bể bơi, giữ đầu trên mặt nước khi thực hiện động tác này.

4. Di chuyển trong nước
Sau khi thành thục thổi bong bóng và đá chân, cha mẹ tiếp tục dạy trẻ các kỹ năng chuyển sang tư thế bơi như:
– Nhấn đầu trẻ xuống dưới nước, nín thở 5 – 19 giây.
– Chuyển từ tư thế đứng sang tư thế bơi, đẩy chân vào thành bể sau đó lao người về phía bên kia bể bơi.
Lưu ý: Phụ huynh chỉ ôm trẻ lúc đầu, giúp chúng thăng bằng khi mới chuyển sang tư thế bơi.

5. Bơi
Kể từ đây cha mẹ có thể dạy con các kỹ năng nâng cao, ví dụ như: Bơi dưới nước, lấy lại đồ vật rơi dưới đáy bể… Song song với đó, bắt đầu dạy trẻ tập bơi các kiểu bơi như bơi ếch, bơi ngửa…

6. Lên bờ an toàn
Sau khi bơi xong, trẻ cần được lau khô người để tránh gió và tráng lại bằng nước ngọt để tránh nhiễm bẩn từ nước hồ bơi. Nghiêng tai cho nước chảy ra ngoài hết, lấy bông tăm thấm hút. Khi về nhà, mẹ cũng nên tắm lại cho con bằng nước sạch và sữa tắm dành riêng cho trẻ.

Dạy trẻ tập bơi và những điều cần lưu ý 7
Bơi lội là một trong những phương pháp giúp tăng chiều cao hiệu quả ở trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa)

Theo con số thống kê từ Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010 – 2015 có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển.

3. Thời gian và địa điểm

Thời gian thích hợp nhất dạy trẻ tập bơi là đầu giờ sáng (8 – 10 giờ) và cuối giờ chiều (3 – 5 giờ). Thời tiết vào khung giờ này khá dễ chịu, nhiệt độ nước không quá nóng cũng không quá lạnh, không khí trong lành. Tuyệt đối không đưa trẻ đi bơi vào buổi trưa, từ 11 – 13 giờ. Nắng gắt, thân nhiệt cao, đổ mồ hôi lại gặp nước rất dễ cảm đột ngột. Bơi vào trời tối, không khí và nhiệt độ nước giảm cũng khiến đứa trẻ dễ mắc bệnh.

Thêm nữa, trước khi xuống hồ bơi cha mẹ không được để trẻ trong tình trạng quá no hoặc quá đói. Bơi trong lúc còn no thì máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, khiến việc tiêu hóa bị cản trở, đau bụng, buồn nôn… Bơi trong khi bụng còn đói cơ thể dễ mất sức, chóng mặt. Trước khi bơi khoảng 1 giờ đồng hồ không nên ăn, sau khi bơi 15 phút có thể ăn nhẹ.

Lần đầu dạy trẻ tập bơi, trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi chỉ nên bơi 7 phút sau đó kéo dài, nhưng không nên quá 15 phút. Trẻ 2 – 3 tuổi có thể bơi khoảng 30 phút.

Chỉ bơi ở những nơi có nước sạch và an toàn, tuyệt đối không được bơi ở những nơi nguồn nước bị ô nhiễm hay có những biểu hiện bất thường như nước sâu, chảy xiết, sóng lớn… Trẻ nhỏ cần được bơi ở khu vực dành riêng cho chúng, với mực nước quy định phù hợp. Không được “lấn chiếm” sang khu vực bơi của người lớn.

4. Những lưu ý khi cho trẻ đi bơi

– Khởi động làm nóng cơ thể là điều không thể bỏ qua, trước khi xuống hồ bơi. Với những trẻ đã biết nhận thức, phụ huynh cần lưu ý nhắc nhở con thực hiện đúng quy định.
– Nếu trẻ còn đóng bỉm, hãy đảm bảo đây là loại bỉm phù hợp, ngăn chặn phân hòa tan vào nước bể bơi gây hại cho mọi người.
– Mực nước lý tưởng cho trẻ sơ sinh là chỉ ngập từ chân đến vai, cổ còn đầu trẻ sẽ ở trên mặt nước. Một đứa trẻ sơ sinh có thể bị chết đuối nếu ngập trong 2,54cm nước, trong thời gian dưới 30 giây.
– Nhiệt độ nước trong bể bơi nên để ở mức 29,5 – 30,5 độ C. Nếu trẻ bắt đầu run lên, phụ huynh cần cho bé ra ngoài ngay. Trên 38 độ C, mực nước nóng này có thể khiến trẻ khó chịu, tim đập nhanh hơn và gặp nhiều nguy hiểm khác.
– Nếu trẻ có các biểu hiện khó chịu, khóc lóc… hãy dừng lại và đợi 48 tiếng đồng hồ trước khi tiếp tục cho chúng bơi trở lại.
– Phụ huynh nên trang bị cho trẻ đồ bơi, mũ bơi, kính mắt nhưng không cần phụ thuộc quá nhiều vào các dụng cũ hỗ trợ bơi như phao tay hay áo phao.
– Lớp sừng trên da trẻ nhỏ dưới 3 tuổi rất mỏng manh và ít melanin hơn so với người lớn nên khả năng chống lại tia cực tím hầu như không có. Hãy bôi kem chống nắng cho trẻ khi đi bơi. Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
– Nếu trẻ bị mắc bệnh ngoài da, tuyệt đối không nên cho chúng đi bơi để tránh viêm nhiễm, đồng thời lây chéo bệnh cho người khác.
– Luôn luôn để mắt tới trẻ, dù chúng ở dưới nước hay trên bờ.
– Kể cả khi trẻ đã biết bơi giỏi, cũng hãy luôn luôn nhắc trẻ ghi nhớ việc không được xuống hồ bơi một mình hoặc chạy nhảy xung quanh khu vực hồ bơi.
– Đối với trẻ lớn, dạy thêm trẻ cách xử trí khi có đuối nước xảy ra: Kêu cứu, kĩ thuật tự cứu và cứu đuối.

Như vậy, việc dạy trẻ tập bơi ngay từ khi còn nhỏ là rất cần thiết và giúp ích cho chúng rất nhiều. Nếu có thời gian và điều kiện, hãy sớm cho con học bơi cha mẹ nhé!

Bài viết liên quan