Từ xưa đến nay, người Việt chúng ta luôn mang những đức tính đẹp. Một trong số đó chính là sự tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, tính cách của trẻ còn phụ thuộc rất lớn vào môi trường sống. Vì vậy, bố mẹ cần phải giáo dục con ngay từ sớm để trẻ biết cách tôn trọng người khác.
Bố mẹ nên tôn trọng con
Đây là một trong những điều đầu tiên bố mẹ cần thực hiện càng sớm càng tốt. Nhiều bố mẹ cho rằng trẻ còn nhỏ nên cần nghiêm khắc và kiểm soát theo ý của người lớn. Tuy nhiên, mọi điều chúng ta làm trẻ đều ghi nhớ và hình thành tính cách từ đó. Vì vậy, dù trẻ nhỏ bố mẹ vẫn phẩm công bằng và tôn trọng trẻ. Mỗi khi con trình bày, bố mẹ phải kiên nhẫn tập trung lắng nghe những điều con nói. Hãy ngồi cạnh con, dùng ánh mắt dịu dàng để giao tiếp với trẻ. Giúp trẻ tự tin chia sẻ câu chuyện của mình. Đây là một trong những yếu tố thể hiện bạn đang tôn trọng người khác.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên cư xử đúng mực với mọi người ở bất kỳ đâu. Vì trẻ chính là hình ảnh phản chiếu của bố mẹ, hay nói cách khác bố mẹ là tấm gương để trẻ noi theo. Bạn hãy dùng “cảm ơn” mỗi khi nhờ con làm điều gì đó hay nói “xin lỗi” khi lỡ thất hứa với trẻ. Bố mẹ nên dùng từ ngữ lịch sự với mọi người, kể cả người ngoài hay trong gia đình. Vì trẻ sẽ luôn quan sát và học hỏi những điều đó từ bố mẹ.
Giữ lời hứa với trẻ
sự tôn trọng còn thể hiện qua cách bạn giữ lời hứa với một người. Vì vậy, giữ lời hứa chính là cách giúp trẻ hình thành sự tin tưởng và tôn trọng bố mẹ. Khi bố mẹ đã hứa với trẻ bất kỳ điều gì đó, hãy cố gắng thực hiện đúng lời hẹn. Dù đó chỉ là một lời hứa nhỏ như: chuyến dã ngoại vào cuối tuần, đôi giày mới khi trẻ hoàn thành tốt kỳ thi… đây không chỉ là phút giây thư giãn hay phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực của trẻ mà còn thể hiện độ uy tín của bố mẹ. Nếu bố mẹ thường xuyên thất hứa với trẻ, chắc hẳn trong tương lai trẻ sẽ dẫn mất sự tin tưởng vào bố mẹ và cảm thấy bản thân thiếu sự tôn trọng.
Khen ngợi khi trẻ tôn trọng người khác
Ai mà không thích được khen đúng không bố mẹ nhỉ? Và trẻ nhỏ cũng vậy, vì vậy đừng tiếc những lời khen khi trẻ thể hiện thái độ tôn trọng với người đối diện mình nhé nhưng lời khen cần chính xác, đơn giản và rõ ràng nhất nhé! Vì những lời khen như: “con làm tốt lắm” thường rất chung chung và trẻ sẽ khó xác định được mình được khen vì lý do gì. Bạn hãy cụ thể hơn bằng những lời khen như: “Bố/ mẹ rất tự hào vì con biết cảm ơn anh/ chị phục vụ khi nhận nước”. Khi đó chắc chắn trẻ sẽ rất tự hào và vui vì những hành động của mình được bố mẹ công nhận.
Bên cạnh đó, bạn hãy cho trẻ biết rằng bố mẹ chỉ thực hiện một yêu cầu nào đó của trẻ khi nhận được câu nói lịch sự và lễ phép. Khi điều này trở thành thói quen của trẻ, chắc hẳn kỹ năng ngôn ngữ của trẻ sẽ thành thạo hơn và cân nhắc hành động của mình khi giao tiếp với mọi người xung quanh.
Dạy trẻ từ điều nhỏ nhất
Nhiều bố mẹ thường mắc một sai lầm khi dạy con là kể ra một loạt những quy tắc về những điều trẻ nên là không nên làm. Tuy nhiên bố mẹ đã quên rằng, khả năng khi nhận thông tin của trẻ có giới hạn và trẻ sẽ choáng với một loạt điều cần ghi nhớ mà bố mẹ đưa ra. Thay vào đó bố mẹ hãy tập trung vào những quy tắc nhỏ nhất thể hiện sự tôn tôn trọng người khác như: “cất giày trước khi vào nhà người khác”, “mời mọi người vào bàn ăn cơm”…
Tuy khả năng ghi nhớ của trẻ có giới hạn, nhưng trẻ sẽ học và thực hiện rất nhanh những hành động nhỏ nếu bố mẹ kiên nhẫn dạy trẻ. Những kỳ vọng của ba mẹ cũng nhanh chóng trở thành hiện thực khi trẻ tuân theo quy tắc đó như một thói quen.
Chuẩn bị tinh thần khi trẻ không vâng lời
Bên cạnh việc ghi nhớ việc cần làm chưa hoàn thiện, khả năng ngôn ngữ của con cũng chưa phát triển. Đặc biệt là trẻ nhỏ nên việc con không thể nói theo ý bố mẹ dạy là điều đương nhiên. Thông thường trẻ sẽ không nghe theo bố mẹ mà cảm ơn mọi người, xin phép trước khi ăn… thay vào đó là những hành động quấy khóc, ngó lơ bố mẹ… để bày tỏ sự không đồng tình.
Lúc này bố mẹ cần giữ bình tĩnh để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng hung hăng của con. Một vài nguyên nhân có thể dẫn đến hành động này là: trẻ đang đói bụng, trẻ mệt mỏi, trẻ không được bố mẹ đáp ứng một yêu cầu nào đó… Trẻ không thực hiện theo lời bố mẹ không có nghĩa là trẻ thiếu sự tôn trọng với người khác, đơn giản là trẻ đang có suy nghĩ khác bố mẹ. Dạy trẻ sự tôn trọng là cả một quá trình dài cần sự kiên nhẫn từ bố mẹ.
Nhắc nhớ trẻ
Tính cách vô tư vô lo của trẻ sẽ rất khó để ràng buộc thêm một câu “cảm ơn” “xin phép” trước hay sau một hành động gì đó. Vì vậy, bố mẹ đừng đặt kỳ vọng quá cao là trẻ sẽ nói lời cảm ơn khi nhận nước từ anh/ chị phục vụ hay cất giày gọn gàng khi vào nhà người khác… Việc ép buộc trẻ thay đổi ngay lập tức thói quen sẽ không mang lại kết quả như mong đợi. Thậm chí trẻ còn dùng “chiêu” khóc lóc, giận dỗi… để đối phó. Do đó bố mẹ hãy nhắc nhỡ trẻ trước khoảng 5 – 10 phút về việc trẻ nên nói sắp tới để trẻ chuẩn bị sẵn tinh thần.
Trò chuyện với trẻ
Nếu mẹ và trẻ xảy ra bất đồng quan điểm nhưng trẻ không nổi giận, quấy khóc. Ngược lại trẻ thể hiện sự buồn bã thì bố mẹ không nhất thiết phải răng dạy trẻ ngay lúc đó. Hãy đợi khi trẻ ổn định lại cảm xúc và tâm sự về chuyện đã diễn ra. Trong cuộc trò chuyện này, bố mẹ nên thể hiện sự thấu hiểu thái độ của con là hoàn toàn có lý: “bố/ mẹ biết con chưa thể làm quen với việc nói lời cảm ơn hay xin lỗi ở nơi công cộng, nhưng người đối diện sẽ rất vui và cảm nhận được sự tôn trọng nếu con nói đều đó đấy”.
Bố mẹ chính là người thầy, người cô đầu tiên của trẻ. Vì vậy, bạn hãy tận dụng giai đoạn trẻ hình thành nhân cách để dạy trẻ sự tôn trọng với mọi người. Đây sẽ là nền tảng góp phần vào sự thành công sau này của trẻ.