Để đánh giá được nhân cách của một người chúng ta có thể xem cách họ thể hiện với mọi người xung quanh. Một người được giáo dục tốt sẽ biết tôn trọng người xung quanh. Để hình thành được điều này ngay từ nhỏ, bố mẹ chính là người thầy, người cô đầu tiên dạy trẻ phép lịch sự. Sau đây là những quy tắc ứng xử để giúp trẻ trở thành một “quý ông, quý cô” lịch sự.
Phép lịch sự là biết dùng từ “vui lòng”, “cảm ơn”, “xin lỗi”
Mẫu câu trên chắc hẳn là những bài học đầu tiên khi bé đến nhà trẻ, tuy nhiên bố mẹ nên dạy trẻ cách sử dụng câu này đúng thời điểm càng sớm càng tốt. Người Việt ta vẫn thường truyền nhau câu ca dao “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” để răng dạy con người ăn nói lễ phép và tôn trọng nhau. Vì vậy, khi trẻ nhờ vả ai đó bạn hãy nhắc nhỡ trẻ nói câu “vui lòng” với thái độ lịch sự nhỏ nhẹ.
Sau khi đã được giúp đỡ bạn đừng quên nhắc nhỡ trẻ nói câu “cảm ơn” một cách vui vẻ. Và đặc biệt câu “xin lỗi” kịp lúc khi phạm lỗi sai sẽ phần nào xoa dịu được tâm trạng của đối phương. Bên cạnh đó, bố mẹ nên thường xuyên áp dụng mẫu câu này với trẻ trong các tình huống thường ngày để trẻ cảm nhận được cảm xúc khi nghe được các câu này. Từ đó trẻ sẽ hình thành được phép lịch sự tối thiểu này.
Không chỉ tay hay nhìn chằm chằm vào người khác
Chắc hẳn bố mẹ cũng rất khó chịu khi ai đó nhìn chăm chăm vào mình ở nơi công cộng hay hơn nữa là chỉ tay khi giao tiếp với mình. Vì vậy, bố mẹ nên dạy trẻ về điều này càng sớm càng tốt. Bạn có thể hỏi trẻ cảm xúc mỗi khi bị bố mẹ la mắng và chỉ tay trực tiếp vào trẻ. Sau đó giải thích với trẻ rằng, nếu con làm hành động tương tự với người khác thì họ cũng sẽ rất khó chịu và cảm thấy mình không được tôn trọng.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không được dùng hành động chỉ tay vào trẻ khi phạt trẻ. Điều này sẽ hình thành thói quen tốt cho trẻ, từ đó trẻ sẽ biết cư xử lịch sự hơn với mọi người.
Không cắt ngang lời người khác
Sẽ khó có thể diễn tả được cảm xúc tức giận khi chúng ta đang nói và bị ai đó chen ngang. Đây được xem là phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp hàng ngày. Đặc biệt là đối với người lớn tuổi hơn mình. Nếu trẻ không được dạy quy tắc ứng xử này ngay từ nhỏ sẽ rất dễ hình thành thói quen xấu trong giao tiếp. Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của trẻ sau này.
Vì vậy một trong những bài học đầu tiên mà bố mẹ nên dạy trẻ là không được chen ngang khi người khác đang nói, dù đó là bạn bè hay người bằng tuổi. Tuy nhiên nếu thật sự cần thiết, bố mẹ hãy dạy trẻ cách “chen ngang lịch sự”, chỉ cần mở câu bằng từ “xin phép” hay “xin lỗi” thì chắc hẳn người bị chen ngang cũng sẽ phần nào thông cảm và cảm nhận được tôn trọng hơn.
Không đánh giá ngoại hình của bất kỳ ai
Mỗi người sở hữu vẻ bề ngoài khác nhau và không phải ai cũng sở hữu thân hình hoàn hảo. Vì vậy, bố mẹ nên dạy trẻ không có bất kỳ tiêu chuẩn nào để đánh giá cái đẹp nên chúng ta không có quyền bình phẩm, miệt thị ngoại hình của bất kỳ ai.
Dạy trẻ phép lịch sự này càng sớm trẻ sẽ hình thành suy nghĩ yêu bản thân mình nhiều hơn không “nhìn mặt bắt hình dong. Mẹ có thể cho trẻ xem những vết rạn da do mang thai trẻ và diễn tả cho trẻ biết mình hạnh phúc đến dường nào khi nhìn vào những vết rạn da này. Vì chính những “hình xăm” này biểu hiện cho hành trình đầy thiêng liêng.
Học cách trả lời điện thoại
Điện thoại đã trở thành một vật không thể thiếu trong mọi gia đình. Chắc hẳn sẽ có những lúc bạn dở tay hoặc không có ở nhà nên việc trẻ nghe điện thoại là điều không tránh khỏi. Vì vậy bố mẹ nên dạy trẻ cách trả lời điện thoại “đúng mực”. Thông thường đầu dây bên kia là những người lớn tuổi hơn trẻ nên mở lời bằng câu “Alo ạ” là hợp lý nhất. Sau khi biết được người gọi trẻ nên trả lời “Cháu chào cô/ chú… ạ! Bố/ mẹ cháu đang bận (hay không có ở nhà), cô/ chú… có cần cháu nhắn lại gì không ạ”
Tuy rằng những câu nói này khá đơn giản, nhưng nếu được xuất phát từ một đứa trẻ chắc hẳn đối phương sẽ tấm tắc khen ngợi về độ lễ phép và lanh lợi của trẻ.
Tự giới thiệu bản thân
Mẹ và Con tin rằng trong cuộc sống thường ngày sẽ có thời điểm trẻ tiếp xúc với một môi trường mới, tất nhiên bước giới thiệu bản thân là không tránh khỏi. Đây cũng là phép lịch sự cần thiết khi giao tiếp. Đó có thể là lúc trẻ giới thiệu với bạn mới, là lúc trẻ giới thiệu với bạn bè của bố mẹ… Lúc này bố mẹ nên dạy trẻ nhìn thẳng vào mắt người nghe, mỉm cười nhẹ và gật đầu (đối với người lớn tuổi hơn) sau đó nói về thông tin cơ bản của bản thân.
Luôn hỏi ý kiến trước khi vào nhà/phòng người khác
Ai cũng cần không gian riêng tư và cần được tôn trọng điều đó kể cả trẻ nhỏ cũng cần học cách tôn trọng không gian của người khác. Vì vậy, bố mẹ không nên lấy lý do là trẻ còn nhỏ không biết gì mà bỏ qua lỗi lầm này. Nên là trẻ cần được dạy phép lịch sự tối thiểu là gõ cửa rồi xin phép khi muốn vào phòng/ nhà của người khác.
Che miệng khi ho hoặc hắt hơi
Đây là hành động tuy nhỏ nhưng lại thể hiện phép lịch sự tối thiểu cần có của một người. Khi ho hay hắt hơi sẽ mang theo rất nhiều vi khuẩn, nên sẽ gây khó chịu cho mọi người xung quanh đặc biệt là ở nơi công cộng. Nhiều bố mẹ lại nghĩ rằng trẻ con nên sẽ không ai để ý, nhưng điều này là hoàn toàn sai lầm nhé! Bố mẹ nên dạy trẻ dùng tay che mũi miệng khi ho hay hắt hơi, sau đó rửa sạch tay với xà phòng hay dùng nước sát khuẩn.
Dọn dẹp sau khi ăn xong
Hãy tập cho trẻ tự dọn dẹp, rửa chén bát sau khi ăn xong, thói quen này hình thành nên tính tự lập cho trẻ và biết quý trọng giá trị sức lao động. Khi bé 5 tuổi bố mẹ có thể dạy con tự lập như cách tự rửa chén đũa của mình sau khi ăn xong (dưới sự giám sát của bố mẹ).
Phép lịch sự được xem là nền tảng quyết định nên tính cách của một người có tốt hay không. Một người lịch sự tôn trọng người khác chắc chắn sẽ nhận lại sự tôn trọng của mọi người. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến thành công sau này của trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên dạy trẻ phép lịch sự càng sớm càng tốt.