Xin chào bác sĩ,
Thật sự là tôi sốc nặng khi đứa con bé bỏng của mình (hết hè này cháu mới lên lớp 4) khóc và đưa cho tôi xem chiếc quần chip dính… máu. Tôi hốt hoảng gặng hỏi con có bị té ở đâu không, hỏi xem có ai làm gì con không (sợ bé bị lạm dụng) nhưng bé đều lắc đầu, bảo con chỉ đi tiểu và thấy như thế. Khi đưa bé đi bác sĩ khám thì tôi càng sốc hơn nữa khi bác sĩ báo cho tôi biết cháu… có kinh! Nói thật bác sĩ, tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng ở cái tuổi này của con, tôi phải nói chuyện và hướng dẫn cháu về chuyện… kinh nguyệt như thế! Tôi và lứa tuổi bạn bè tôi ngày xưa hầu hết lớp 7, lớp 8 mới có kia mà! Tôi nên làm thế nào với cháu? Mong bác sĩ cho tôi lời khuyên.
Huỳnh Thị Thu Dân (Q.12)
Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em hiện nay có tuổi dậy thì ngày một sớm hơn. Trước kia, tuổi dậy thì thường khoảng 13-14 thì nay đã chuyển xuống 10-12, thậm chí cá biệt (như trường hợp con bạn) chỉ khoảng 8-9 tuổi đã bắt đầu giai đoạn dậy thì. Nguyên nhân chính của tình trạng này là việc trẻ lười vận động, lạm dụng thuốc bổ, ăn nhiều thức ăn nhanh và chất bồi bổ, đồ đóng hộp… làm tăng tiết hormon giới tính. Thêm vào đó trẻ xem nhiều phim ảnh người lớn. Những loại phim ảnh này gây kích thích não bộ. Não sẽ sản sinh ra các hormon kích thích sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể lúc dậy thì.
Dậy thì sớm quá hay muộn quá đều không tốt cho quá trình phát triển của trẻ. Ví dụ như bé nhà bạn, trong khi bạn bè cùng tuổi hoàn toàn hồn nhiên, thoải mái thì bé đã bắt đầu phải chịu những lo lắng, xáo trộn về sự thay đổi của cơ thể. Cha mẹ, thầy cô do nghĩ trẻ còn nhỏ nên vẫn chưa kịp trang bị đầy đủ cho trẻ những kiến thức căn bản về sự phát triển của mình. Không chỉ trở ngại về mặt tâm lý, dậy thì sớm còn khiến bé phát triển chiều cao nhanh hơn các bạn nhưng sau đó lại kết thúc sớm (thời gian phát triển bị thu ngắn so với bạn bè cùng lứa) nên sau này dễ bị thấp hơn bạn bè. Điều đáng ngại nhất là việc dậy thì sớm có thể khiến bé dễ bị lạm dụng hơn, dễ bị kích thích, tò mò về chuyện người lớn hơn trong khi trẻ vẫn còn là một… đứa trẻ theo đúng nghĩa.
Việc bạn cần làm bây giờ là có thể phối hợp với bác sĩ, chuyên viên tâm lý, khéo léo trang bị dần cho trẻ kiến thức theo cách phù hợp nhất với tuổi của bé; khuyến khích động viên con vượt qua những mặc cảm khác biệt so với bạn bè. Bé cũng cần được điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với giai đoạn dậy thì. Thân mến.
Theo sự tư vấn của Bác sĩ Phạm Khuê Anh (BV Nhi Đồng 1)