Mẹ&Con - Cứ mỗi lúc cơm không lành, canh không ngọt là không ít người thích lôi chuyện cũ ra, đay nghiến, chì chiết, xem đấy như thứ “vũ khí” để tấn công bạn đời.

Cứ cãi nhau là nhắc lỗi lầm xưa!

Chuyện xưa tức là… những “lỗi lầm” cũ xì đã diễn ra từ tít tận năm nảo năm nào rồi. Vợ hoặc chồng đã nói sẽ bỏ qua, kết thúc những giận hờn để tiếp tục xây dựng mái ấm gia đình. Thế nhưng, cứ mỗi lúc cơm không lành, canh không ngọt, thay vì tập trung để giải quyết mâu thuẫn trước mắt, nóng hổi, không ít người lại có xu hướng thích lôi chuyện cũ ra, đay nghiến, chì chiết, xem đấy như thứ “vũ khí” để tấn công bạn đời.

Anh Trần Thành (quận 10) nhăn nhó với chuyên viên tư vấn: “Cách đây 5 năm, một lần tôi lỡ dại, ham cá độ bóng đá phải chồng chất nợ nần. Thời điểm đó tôi rất suy sụp, may mà nhờ có vợ chạy ngược chạy xuôi, vay tiền trả nợ đầu này đầu kia, cùng tôi vượt qua cơn nguy khốn. Tận thâm tâm, tôi rất nể vợ vì điều đó và luôn âm thầm tìm cách “đền ơn” cô ấy. Thế nhưng có một chuyện tôi rất bực mình. Đó là sau này, mỗi khi cãi vã chuyện gì, nóng giận lên là cô ấy lại một hai bảo tôi là người chẳng biết lo gì cho gia đình, vô tâm, ham chơi, lúc muốn chơi là dồn hết tiền bạc chơi cho thỏa mà chẳng biết nghĩ ngợi sâu xa. Và cuối cùng, cô ấy lôi chuyện cá độ ra để chì chiết, như thể đó là một minh chứng sắc bén, tồn tại mãi theo thời gian cho sự… tệ hại của tôi!”.

Chuyên viên tư vấn hỏi, thế sau đợt ấy, có khi nào anh lại ham chơi, cờ bạc cá độ để lại dính vào nợ nần nữa không, anh một hai quả quyết hoàn toàn không có. “Nhưng hình như tôi “sám hối” 5 năm vẫn chưa đủ với cô ấy. Biết đây là điểm yếu nhất của tôi, là điều khiến tôi thấy nhục nhã và ân hận nhất, cứ mỗi lần vợ chồng giận hờn hay cãi nhau, thấy mình sắp sửa đuối lý là cô ấy lập tức lấy chuyện cũ ra làm vũ khí, một hai quả quyết tôi đã làm khổ vợ con đến mức thế nào. Tôi nghe một hai lần đầu thì nhói lòng vì đau, không cãi nữa. Nhưng cô ấy nói mãi, nói mãi thì đến lúc tôi đâm lờn. Chỉ thấy chán và đôi lúc nghĩ: Nếu mình tệ đến thế trong mắt vợ, hay là vợ chồng kết thúc, cho cô ấy có cơ hội… tìm người khác tốt hơn?”, anh trầm ngâm chia sẻ.

Chuyện của anh Thành không phải là cá biệt. Có một tỷ lệ rất lớn phụ nữ và một tỷ lệ ít hơn nam giới hay có xu hướng… “thù dai”, chuyện cũ nhắc lại, đay nghiến mãi không thôi. Làm riết thành quen, đến một lúc, cứ cự cãi là lại buột miệng lôi chuyện cũ ra, như một kiểu “phản xạ” mà không biết đến tác hại khôn lường.

Chị Trịnh Thu Nga (quận 3) tâm sự: “Chồng tôi khá tốt tính. Khổ nỗi với những chuyện cũ anh nhớ dai kinh khủng, chính xác từng chi tiết. Cứ mỗi lần tranh luận với nhau cái gì, anh ấy rất hay gộp chuyện cũ vào chuyện mới để phân tích, như thể hồi xưa tôi sai thì bây giờ không thể nào tôi đúng được. Những lúc đó, nản và mất hứng nói chuyện lắm, cảm thấy có nói cũng chẳng ích gì. Khi cáu quá, tôi phải hét toáng lên: Nếu anh không quên được những chuyện cũ đó thì hồi xưa ly dị luôn cho rồi, hàn gắn làm gì để rồi bây giờ mỗi lúc cãi là mỗi lúc lôi ra?”

Đay nghiến chuyện quá khứ

(Ảnh minh hoạ)

Nỗi lòng người trong cuộc

Chuyên gia tư vấn Trần Thị Minh Hạnh (Trung tâm Tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình) nhấn mạnh: Khá nhiều người thanh minh rằng họ lôi lại chuyện cũ chẳng qua muốn cảnh báo, nhắc cho bạn đời nhớ rằng họ đã từng vấp phải những lỗi lầm tương tự trong quá khứ. Tuy nhiên, thực tế rất hiếm khi đạt được mục đích này. Chuyện cũ giống như vết thương đã liền sẹo, khi bạn khuấy lên, lôi lại, tâm lý của người kia sẽ là đau đớn, bực tức và giận dữ. Họ cho rằng bạn không đủ tin tưởng, rằng bạn nhỏ mọn, thù dai và đã thế thì… tan tành luôn cũng chẳng sao!”.

Điều này quả thực rất đúng. Nhiều anh chồng đang tranh cãi một cách bình thường, khi nghe vợ lôi chuyện “ngày xưa anh thiếu nợ như thế”, “ngày xưa anh ngoại tình như thế”, “ngày xưa anh từng hùn hạp rồi thất bại như thế” ra thì lập tức nổi khùng lên, cư xử như kiểu “lành làm gáo, vỡ làm môi”, bất cần. Nhiều người vợ, sau những lầm lỗi, khi được thứ tha trở nên rất tận tâm với gia đình, hi sinh hết mực. Thế nhưng khi mâu thuẫn gì đó, chồng lôi chuyện cũ ra nhắc thì đâm chán nản, cảm thấy công sức cố gắng của mình như… đổ sông đổ biển. Họ trở nên thờ ơ và cư xử khác đi, với cách lập luận đơn giản là: “Có ráng lắm thì trong lòng chồng, anh ấy cũng coi tôi chẳng ra gì vì những chuyện trong quá khứ rồi. Ráng làm gì nữa chứ!”.

Tệ hơn, từ chỗ thấy người bạn đời của mình cứ có tật “nhớ dai” quá mức cần thiết như thế, nhiều người trở nên… khép kín, ít chia sẻ, nhất nhất chuyện gì cũng thà kể với bạn thân chứ không đời nào kể với vợ hoặc chồng. “Kể để cô ấy ghim vào lòng, khi cần lại lôi ra làm vũ khí à? Tôi đâu có dại! Giờ, vợ chỉ là người tôi nói mấy thứ chuyện vô bổ linh tinh mà thôi. Còn những dự tính làm ăn, những chuyện quan trọng cần lời khuyên hoặc cần chia sẻ, tôi đều chỉ nói với bạn thân hoặc… chuyên viên tư vấn!”, anh Trọng, nháy mắt cười, chia sẻ “kinh nghiệm”.

> Xu hướng ly hôn xám

Từ chỗ không còn tin tưởng, không còn sẻ chia, không tìm thấy sự đồng cảm nơi nhau, mối dây ràng buộc vợ chồng bỗng chốc trở nên lỏng lẻo. “Tôi từng lỡ dại thú nhận chuyện mình đã từng “gần gũi” với bạn trai cũ với chồng trước thời điểm cưới. Lúc ấy, tôi muốn thành thật với nhau, để nếu anh ấy không chấp nhận được thì thôi, cứ chia tay, chứ tôi không muốn dối lừa. Anh ấy bảo không sao, rồi vẫn cưới, vẫn có con. Tôi luôn tìm mọi cách để bù đắp cho chồng, nhưng cứ mỗi lúc có chuyện không vui, anh ấy lại bóng gió đay nghiến rằng tôi có còn “nguyên vẹn” gì đâu. Mỗi lần anh ấy nhắc, là mỗi lần tôi thấy lòng lạnh hơn. Rốt cuộc, tôi chọn cách ly hôn khi con tròn 3 tuổi. Chồng tôi không chịu, bảo rằng vẫn yêu tôi lắm. Nhưng biết làm sao được, tình yêu của tôi cứ vơi đi vơi đi đến lúc hết sạch cả rồi theo những lần lôi chuyện xưa nhắc lại của anh ấy…”, chị Hà Giang (Quận Phú Nhuận) chia sẻ.

Những câu chuyện trên hy vọng cũng là lời nhắn gửi cần thiết cho những ai thích lôi chuyện xưa nhắc lại. Nếu bạn không thể bỏ qua chuyện cũ, nên kết thúc từ đầu. Còn nếu vẫn yêu thương, vẫn mong muốn xây đắp một mái ấm gia đình, đừng vì bõ những cơn tức mà chọn cách khuấy lại những vết thương lòng của nhau.

Tags:

Bài viết liên quan