Ắt hẳn bạn vẫn còn nhớ hình ảnh cảm động: Những em bé cấp 1 của Nhật Bản trật tự nép mình dưới những gầm bàn ngay trong lớp học trong đợt động đất kinh hoàng gần đây. Không phải ngẫu nhiên trẻ em Nhật Bản bình tĩnh và có những ứng phó tuyệt vời như thế. Ứng phó trước thảm họa là một kỹ năng mà bạn nên trang bị cho trẻ, kể cả khi con còn đang ở cái tuổi bạn không bao giờ nghĩ rằng điều đó là cần thiết…
Không bao giờ là quá sớm
“Bao giờ lớn, tự khắc con biết ứng phó. Con còn nhỏ, dạy làm gì những kỹ năng… xa vời thế”, có thể là suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh. Nhưng thực tế, chỉ cần bạn lướt qua những trang báo khoảng vài tháng gần đây, không ít lần chắc hẳn bạn phải rùng mình.
Một buổi tiệc sinh nhật tổ chức trên tàu, chẳng may gió lớn, tàu chìm! Một trường học tiểu học đang học yên lành, bỗng dưng cơn sóng thần ập đến… Những tai nạn, những thảm họa động đất, sóng thần, lũ lụt, chìm tàu… không chừa một ai. Tuy nhiên, thay vì chỉ đổ trọn mọi thứ cho hai từ “số phận”, bạn hãy biết rằng nếu có những kỹ năng, có thể những thiên thần bé bỏng đã có thể bình an vô sự. Thậm chí, đừng quên rằng trong một thảm họa sóng thần cách đây vài năm, chính một em bé (từng được dạy môn địa lý về cách nhận biết có hiện tượng sóng thần) đã cứu được rất nhiều người trên bãi biển ngày hôm ấy nhờ kịp thời thông báo cho cha mẹ.
Vẫn biết, một khi thiên tai ập đến thì đến người lớn còn khó lòng thoát khỏi chứ huống chi là trẻ em. Song, có được kỹ năng ứng phó trước thảm họa, trẻ sẽ bình tĩnh hơn, tuân thủ theo những hướng dẫn của người lớn khi cứu nạn và rất có thể sẽ vượt qua được những giờ phút kinh hoàng ấy. Cho trẻ học bằng cách nào? Do đặc điểm lứa tuổi, cần dạy trẻ các kỹ năng này thông qua hình thức tạo dựng tình huống và tập dượt cách xử trí, hình thành các phản xạ cho trẻ, thay vì dạy lý thuyết.
Những điều không thể không trang bị cho con
1.Học các lớp kỹ năng chuyên nghiệp
Cách lý tưởng nhất là chọn cho con các lớp học kỹ năng chuyên nghiệp, chuyên trang bị cho trẻ những bài học đáng giá này. Hoặc ít nhất, bạn cũng nên trò chuyện với con, hướng dẫn con dần từ ngày này sang ngày khác từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ba mẹ có thể là lá chắn cho con nếu như chẳng may một sự cố bất thường nào đó xảy ra không? Hoặc sẽ thế nào nếu như thảm họa xảy ra mà bé lại đang ở trường, ở nơi nào khác xa vòng tay của bạn? Mọi bà mẹ ở những đất nước phát triển như Mỹ, Anh, Thụy Sĩ, Nhật, Hàn Quốc… đều sẵn sàng trang bị cho bé yêu những kiến thức này. Bởi vì họ thật sự hiểu rằng con sẽ an toàn hơn khi có đầy đủ kiến thức để sinh tồn ngay cả trong thảm họa.
Tùy vào từng loại hình thảm họa khác nhau, trẻ sẽ được trang bị những kỹ năng ứng phó thích hợp. Tuy nhiên, đây chính là những điều căn bản nhất bạn cần trang bị cho bé yêu của mình.
2.Dạy trẻ bình tĩnh
Trước hết, trẻ rất dễ hoảng sợ trong những tình huống bất thường. Càng hoảng sợ thu mình vào một góc kẹt hoặc vùng vẫy, la hét, trẻ càng khó được tìm thấy, khó được cứu và càng dễ nguy hiểm hơn. Vì vậy, hãy huấn luyện cho con trong mọi tình huống bất thường, kể cả khi không có cha mẹ bên, trẻ cần phải giữ bình tĩnh. Càng bình tĩnh bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, trước tiên là để lắng nghe hướng dẫn của người lớn (nếu có người lớn ở đó).
3.Rèn tính kỷ luật
Hãy rèn tính kỷ luật cho con. Một đứa trẻ có kỷ luật sẽ biết cách tuần tự đi theo hàng lối, biết cách không vội vàng chen lấn, biết làm theo chính xác những hướng dẫn của người chỉ huy và nhờ thế sẽ bớt khó khắn hơn một chút khi có tình trạng nguy hiểm.
4.Dạy kỹ năng mềm
Đặc biệt, đừng quên trang bị cho con những kỹ năng mềm như học bơi. Trẻ nên học bơi càng sớm càng tốt và càng giỏi càng tốt. Ở nước ngoài, cha mẹ cho con học bơi từ lứa tuổi sơ sinh, nhưng ở Việt Nam thì dường như cha mẹ còn lo sợ và e ngại. Thế nên, độ tuổi từ 5-6 là độ tuổi thích hợp nên cho trẻ học bơi. Hãy tin rằng đây không chỉ là một môn thể thao giúp trẻ khỏe mạnh mà còn là một kỹ năng mang tính sống còn, cần dùng rất nhiều lần trong cuộc đời của trẻ. Một đứa trẻ trong tai nạn bất thần liên quan đến nước, nếu có khả năng tự nổi trong vòng 5-10 phút là đã có cơ may được cứu và an toàn.
Bạn cũng nên dạy cho trẻ biết, nếu xảy ra hỏa hoạn thì cần dùng khăn ướt quấn quanh người, che mặt để bảo vệ đường hô hấp; nếu động đất, thay vì chạy, trẻ cần bình tĩnh nấp dưới những chiếc bàn vững chắc như bàn ăn, bàn làm việc để chống đỡ và bảo vệ đầu mình khỏi những đồ vật rơi xuống. Nếu trẻ đã đi học, có thể dạy trẻ nhớ các số điện thoại khẩn cấp, cách kêu cứu. Bạn cũng có thể dạy con những điều đơn giản nhất như nếu ở chung cư và xảy ra hỏa hoạn, động đất… tuyệt đối bé không chạy ra thang máy mà phải sử dụng thang bộ.
Trong cách giáo dục con, bạn cũng nên chú ý, đừng bảo bọc con quá mức. Những đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ nếu chẳng may gặp phải chuyện bất ngờ, kỹ năng xét đoán tình hình, xoay xở trong khó khăn sẽ kém hơn rất nhiều so với một đứa trẻ bình thường vẫn được cha mẹ cho tự lập. Hãy để con tự đứng lên khi té ngã, biết tự chăm sóc bản thân, làm một số việc mà không có cha mẹ kèm bên cạnh (tất nhiên trong tầm kiểm soát kín đáo của bạn)…. Bằng cách này, bạn sẽ dần dần trang bị cho con những kỹ năng sống.
Bài học từ người Nhật
Khi xảy ra trận động đất kinh hoàng, cả thế giới phải sững sờ trước sự bình tĩnh ứng phó của họ (kể cả của trẻ em). Cách làm bài bản như tuân theo lời giáo viên, co người, mỗi em nấp dưới một bàn học của mình để tránh đồ vật rơi trúng, chứng tỏ các em được tập luyện nhuần nhuyễn đến mức thành thạo.
Không có cảnh trẻ em chạy tứ tán như ong vỡ tổ hay la hét, gào khóc. Các em di chuyển có hàng lối theo sự chỉ huy của thầy cô cho đến khi các đội cứu hộ đưa đến nơi an toàn. Rõ ràng, sự an toàn của các em trong trường hợp này không chỉ là “may mắn” mà còn là kết quả của cả quá trình trang bị kỹ năng cho trẻ.