Mẹ&Con – Việc học cách tự chăm sóc bản thân là một phần quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách cá nhân và nhận thức xã hội của trẻ.

Chào bác sĩ!

Con gái tôi đã gần 3 tuổi, hết hè này là có thể đi học mẫu giáo được rồi. Thế nhưng, có một chuyện khiến tôi lo lắng, không biết có phải do quá mong con, khi có con lại quá chiều chuộng nên giờ bé hầu như chẳng biết tự làm gì cả. Bất cứ cái gì từ nhỏ đến lớn đều có ông bà, bố mẹ, cô bảo mẫu làm cho. Dạo gần đây, khi đến nhà mấy người bạn chơi, thấy các con của bạn cũng trạc tuổi con mình nhưng mẹ bảo gì biết làm nấy, tôi mới nảy sinh những băn khoăn. Nói gì thì nói, con cũng “lớn” rồi. Bé sắp bước vào giai đoạn phải “xa mẹ”, đi mẫu giáo rồi. Nếu con hoàn toàn không biết cả những việc đơn giản nhất để chăm sóc cho bản thân, tôi thấy lo lo. Mong bác sĩ cho tôi một lời khuyên.

Lê Nguyễn Quỳnh Trang (Quận 7)

bác sĩ trả lời

Trong các giai đoạn phát triển của bé, nhu cầu tự chăm sóc bản thân sẽ bắt đầu chơm chớm “nảy sinh” vào khoảng 1 tuổi. Nếu phát triển bình thường, có tâm lý bình thường và được bố mẹ gợi ý, khuyến khích, tập cho, bé sẽ bắt đầu cảm thấy thích được “tự làm” một số việc, dù là những việc rất nhỏ và bé làm rất vụng về, ví dụ như muốn tự chải đầu, tự cầm muỗng.

Lớn hơn một chút, khoảng 18 – 24 tháng tuổi, nhu cầu này càng lúc càng rõ rệt hơn. Bé có thể “vùng vằng”, “bực bội”, không thích mẹ làm giùm mà muốn tự tay làm. Từ chuyện thay quần áo, mang giày, lấy đũa muỗng ăn cơm đến chuyện rửa tay, rửa mặt, đánh răng. Việc học cách tự chăm sóc bản thân là một phần quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách cá nhân và nhận thức xã hội của trẻ.

Thực tế, nếu bạn để ý, các em bé nước ngoài (nhất là các quốc gia châu Âu) được cha mẹ “mặc kệ” cho tự làm nhiều thứ từ rất sớm. Bé có thể vọc tèm lem thức ăn, nhưng sẽ tự xúc ăn chứ không chờ mẹ bón cho từng muỗng mãi đến tận 5 – 6 tuổi như nhiều trẻ Việt Nam vẫn được mẹ chiều. Bé cũng được hướng dẫn để tự đi vệ sinh một mình, tự rửa tay, tự biết lấy đồ chơi chơi, sau đó xếp chúng lại ngay ngắn.

Các bà mẹ Việt Nam khi thấy con bước sang giai đoạn đi mẫu giáo thường hay “bướng”, mẹ làm gì cũng không cho, mẹ mặc áo nào cho cũng không thích thì rất bực mình. Kỳ thực không nên như thế! Bạn không nên bực mình, thậm chí cần khuyến khích và chấp nhận giai đoạn “tự khẳng định mình” này ở trẻ.

Tôi không biết mức độ “chiều chuộng”, “làm giúp” của gia đình bạn với bé thế nào, nhưng chắc chắn là không nên như thế, vì nó sẽ khiến bé rất bỡ ngỡ khi bắt đầu đi học. Còn mấy tháng hè, bạn và gia đình nên tích cực tập cho bé (lẽ ra điều này nên được thực hiện dần từ khi con 1 tuổi trở đi). Ví dụ như cần hướng dẫn con tự dùng muỗng, tự xúc ăn, tự thay một số loại quần áo đơn giản, tự đánh răng, tự rửa và lau khô tay, tự mang giày vào và cởi giày ra đặt đúng nơi quy định, v.v..

Tất nhiên bước đầu bé sẽ rất vụng về. Bạn cần hết sức kiên trì để hướng dẫn con từng chút một, khuyến khích, động viên, khen ngợi bé. Cũng lưu ý là đừng vội giúp bé ngay khi con gặp “sự cố” (trừ khi sự cố ấy có khả năng gây nguy hiểm cho bé). Bạn có thể quan sát, thậm chí hướng dẫn, nhưng cứ “kệ” cho bé tự xoay xở. Sự trưởng thành của con sẽ bắt nguồn từ chính những lần xoay xở đó.

Cũng cần nói thêm một điều cuối cùng nữa là tốc độ phát triển, học hỏi kỹ năng ở trẻ rất khác nhau. Nhiều bé chỉ mới 3 tuổi đã có thể làm những việc khiến bố mẹ bất ngờ nhưng ngược lại, một số bé khác chỉ thành thạo việc này khi lên 4 – 5 tuổi. Tuy nhiên, hãy đặc biệt chú ý trong trường hợp bé không hề tò mò với bất cứ thứ gì khác lạ xung quanh, bé không muốn thử, không có ý định “tự làm” bất cứ thứ gì. Nếu việc này xảy ra, bạn cần sớm đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm lý, để có thể đảm bảo bé không gặp vấn đề gì về sự phát triển, ví dụ như hội chứng tự kỷ chẳng hạn.

Bác sĩ Phạm Khuê Anh

Tags:

Bài viết liên quan