Mẹ&Con – Đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu là hiện tượng khá phổ biến. Đầy bụng khiến mẹ bầu ăn uống kém, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và làm cách nào để khắc phục? Mời mẹ cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây.

Nguyên nhân đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu

Mang thai, các mẹ bầu hay có tâm lý bồi bổ thật nhiều. Vì vậy, các mẹ thường có chế độ ăn uống không hợp lý: ăn nhiều món lạ, tăng số lượng thức ăn, nạp thức ăn nhiều gia vị, đường, tinh bột, dầu mỡ… Sự thay đổi đột ngột này khiến hệ tiêu hóa chưa kịp thích nghi, do đó dễ gây đầy bụng, khó tiêu.

Tuy đầy bụng không gây nguy hiểm nhưng lại khiến bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và chán ăn. Tình trạng này kéo dài làm cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Khắc phục đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu

đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu

Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Như đã nói trên, chế độ ăn uống chính là “thủ phạm” dẫn tới chứng đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu. Vì vậy, để “đánh bay” triệu chứng này, mẹ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng của mình sao cho hợp lý và khoa học.

Mẹ bầu có thể tăng cường chất xơ từ cà rốt, táo, đu đủ chín, rau xanh… để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Đồng thời, mẹ cần tạm ngưng các món ăn vặt đóng gói, nhiều đường, dầu mỡ hay thức uống đóng hộp, nhiều khí ga, vì chúng là tác nhân khiến chứng đầy hơi thêm trầm trọng.

Chia nhỏ bữa ăn

Mẹ cần tránh việc nạp quá nhiều thức ăn cùng một lúc sẽ gây áp lực lớn cho hệ tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng. Thay vì ăn 3 bữa lớn, mẹ có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ (khoảng 5 – 6 bữa/ ngày). Như vậy, thức ăn nạp vào cơ thể sẽ dễ tiêu hóa hơn, giúp giảm chứng đầy hơi thai kỳ hiệu quả. Mẹ chú ý khi ăn cần nhai kỹ, từ từ, chậm rãi, đồng thời tránh vừa ăn vừa uống, tốt nhất là uống trước hoặc sau bữa ăn 30 phút.

Uống đủ nước

Để hệ tiêu hóa hoạt động tốt và giảm tình trạng chướng bụng, mẹ cũng cần bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày. Lượng nước mẹ bầu cần một ngày là khoảng 3 lít, tương đương với 10-12 ly nước. Ngoài nước lọc, mẹ có thể uống thêm sinh tố trái cây (chuối, bơ, dâu tây, xoài, cam…) xay với sữa chua. Sinh tố trái cây kết hợp với sữa chua không chỉ tốt cho đường tiêu hóa của mẹ mà còn bổ sung phong phú các loại vitamin và khoáng chất có lợi cho sự phát triển của bé cưng.

Tập thể dục

Một giải pháp tuyệt vời nữa để giúp mẹ giải quyết chứng đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu là tập thể dục hàng ngày. Vận động cơ thể nhẹ nhàng bằng cách đi bộ hay bơi lội ít nhất 30 phút mỗi ngày sẽ kích thích hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn, giảm bớt lượng khí khó chịu trong đường ruột.

Đặc biệt, mẹ bầu bị đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu tuyệt đối không nằm ngay sau bữa ăn. Thay vào đó, mẹ nhớ cố gắng vận động nhẹ nhàng, tốt nhất là đi bộ sau bữa ăn khoảng 10 – 15 phút và 1 giờ sau đó mới nằm.

Hạn chế lo âu, căng thẳng

Tâm trạng không tốt cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng đầy hơi, khó tiêu. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, hệ thần kinh trung ương kiểm soát quá trình tiêu hóa. Khi rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc lo lắng kéo dài, hệ thần kinh bị tổn thương sẽ ngừng lưu thông máu dẫn tới co cơ từ đó gây cản trở cho hệ tiêu hóa và dạ dày tạo nên chứng khó tiêu. Vì vậy, bạn hãy cố gắng giữ tinh thần tích cực và lạc quan để góp phần “tạm biệt” chứng đầy bụng khi mang thai 3 tháng đầu.

Bài viết liên quan