Mẹ và Con - Đau xương mu là một tình trạng thường gặp ở các mẹ bầu. Các cơn đau này có thể kéo dài suốt 9 tháng thai kỳ và gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của mẹ.

Nhiều mẹ bầu cảm thấy đau xương mu vào những tháng cuối của thai kỳ. Đây là tình trạng khá phổ biến, gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của bà bầu. Để khắc phục tình trạng đau xương mu khi mang thai, hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này nhé!

đau xương mu khi mang thai

Xương mu ở đâu?

Xương mu là một phần của xương chậu. Xương mu hai bên cơ thể hợp lại tạo thành khớp chậu phía trước, khớp này thường giãn nở trong thai kỳ để thích nghi với sự tăng kích thước của tử cung và các biến đổi khác trong khung chậu.

Phụ nữ mang thai phải đối mặt với đau xương mu xuất hiện ở hai bên bẹn và khu vực lân cận như đùi, quanh khung chậu. Đặc điểm của nỗi đau này thường là đau âm ỉ, kéo dài, đôi khi đau thành cơn ngắn, thoáng qua trong chốc lát.

Nguyên nhân đau xương mu khi mang thai

Đau xương mu khi mang thai có thể là do một hoặc nhiều nguyên nhân phối hợp đồng thời tạo ra. Khi cảm thấy tình trạng đau càng ngày càng nhiều, mẹ bầu nên tới bác sĩ chuyên khoa thăm khám để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé.

Biến đổi hormone

Khi mang thai, cơ thể của người phụ nữ có nhiều sự biến đổi trong đó bao gồm cả sự thay đổi của các hormone sinh dục. So với bình thường, phụ nữ mang thai có hàm lượng progesterone trong máu cao hơn. Và một trong những tác dụng của hormone này là khiến các khớp xương giãn nở dẫn đến các khớp vùng chậu hoạt động không dẻo dai như trước và đau xương mu cũng xuất hiện.

Phù nề

Phù nề là tình trạng thường thấy ở các bà bầu. Thể tích tuần hoàn trong cơ thể người phụ nữ tăng cao trong thai kỳ và sự phân bố thay đổi theo hướng tập trung vào tuần hoàn nhau thai để nuôi dưỡng thai nhi. Chính điều này đã khiến hệ tuần hoàn của phần dưới cơ thể hoạt động quá mức gây phù nề, chèn ép và đau xương mu.

Tư thế thai nhi trong tử cung

Vào những tháng cuối của thai kỳ (bắt đầu từ tuần thứ 28 của thai kỳ) thai nhi bắt đầu có sự chuyển dịch bên trong tử cung theo hướng về phía dưới âm đạo để sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ. Chính điều này khiến xương mu chịu nhiều áp lực hơn, đặc biệt thai nhi càng có trọng lượng lớn thì mẹ sẽ càng cảm thấy đau hơn. Đau xương mu cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn chuyển dạ, khi thai nhi phải lọt qua âm đạo trước khi chào đời.

đau xương mu

Đa thai và đa sản

Phụ nữ mang đa thai hoặc đã sinh con nhiều lần đều có nguy cơ trải qua vấn đề đau xương mu khi mang thai. Khi mang thai lần thứ hai trở lên, phụ nữ hầu như đều có cơ bụng mềm hơn và thai nhi cũng ở vị trí thấp hơn nên chịu xương mu cũng chịu áp lực nhiều hơn. Tình trạng đau xương mu xuất hiện nhiều lần với mức độ nặng nề hơn khi người phụ nữ phải hoạt động thể lực nhiều.

Thai nhi vận động

Những đứa trẻ hiếu động, cử động quá mạnh cũng có thể khiến mẹ bị đau xương mu nhiều hơn khi mang thai, nhất là khi thai đã lớn.

Thai lớn

Thai lớn là những thai nhi có trọng lượng từ 4.000 gram trở lên. Trọng lượng thai nhi càng lớn sẽ càng gây áp lực lên khớp mu của mẹ. Tuy nhiên, tùy vào thể trạng cũng như cân nặng của mẹ để xác định thai lớn hay không. Bạn nên thăm khám thai thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi và đánh giá phù hợp với thể chất.

Triệu chứng đau xương mu khi mang thai

Để biết liệu có phải bạn đang bị đau xương mu do mang thai hay không, có thể dựa vào một số triệu chứng như sau:

  • Cảm thấy đau khi ngồi hoặc nằm quá lâu
  • Khi đi lại hoặc đổi tư thế ngồi, nằm đều có cảm giác đau đớn
  • Phần trước của xương chậu thường xuyên đau nhức
  • Hông, lưng, đáy xương chậu luôn trong trạng thái nóng ran, nhức mỏi
  • Không thể nhấc chân, leo cầu thang hoặc vận động. Nếu vận động sẽ đau đớn khó chịu
  • Vùng xương mu phát ra những tiếng kêu lách cách
  • Tình trạng đau nhức diễn ra nhiều hơn vào ban đêm

triệu chứng khi bị đau xương mu

Phương pháp khắc phục đau xương mu khi mang thai

Mặc dù đau xương mu khi mang thai không gây nguy hiểm tới tình trạng sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai kỳ, nhưng lại dẫn tới nhiều phiền toái trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người phụ nữ. Hiện nay không có phương pháp nào điều trị triệt để vấn đề này nhưng có một số cách khắc phục để cải thiện tình trạng này:

Thay đổi tư thế

Một số tư thế khi nằm và ngồi cũng có thể giúp giảm áp lực lên xương mu mà chị em phụ nữ có thể áp dụng để giảm đau. Khi nằm, tư thế nằm nghiêng là tốt nhất trong thai kỳ giúp đảm bảo lưu lượng tuần hoàn để nuôi thai nhi và tạo sự thoải mái cho người mẹ.

Khi ngồi, lưu ý ngồi thẳng lưng có kèm theo gối mềm tựa phía sau, tuyệt đối không ngồi xổm hoặc khom lưng vì sẽ đè nặng vào vùng xương mu khiến mẹ cảm thấy đau hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng không nên ngồi quá lâu và cố định trong một tư thế. Hạn chế đứng dậy, nếu đứng thì không được đứng quá lâu, cần thả lỏng hai vai và dạng chân rộng tương đương vai để phân chia áp lực.

nghỉ ngơi

Mang đai đeo

Để hạn chế áp lực tác dụng lên xương mu, các bà bầu có thể sắm cho mình loại đai đeo dành riêng cho bà bầu. Đai đeo này sẽ chia sẻ áp lực với xương mu nên theo đó giúp giảm đau.

Tập thể dục

Nhiều người thường lầm tưởng rằng, phụ nữ mang thai nếu tập thể dục sẽ gây động thai, ảnh hưởng không tốt đến thai nhi và khiến vùng xương mu đau hơn. Theo thông tin chính xác từ các bác sĩ, phụ nữ mang thai không được vận động quá mạnh hoặc nặng nhọc, nhưng nếu luyện tập những bài tập nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ mang thai có thể giúp hệ xương cơ thêm chắc khỏe. Vì thế, các bà bầu có thể tham gia các lớp yoga để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

yoga

Nghỉ ngơi đúng cách

Nghỉ ngơi chính là một giải pháp đơn giản để bạn có thể giảm thiểu tình trạng đau mỏi khi mang thai. Không chỉ vùng xương mu mà cả lưng, tay, chân của bạn cũng sẽ đỡ nhức mỏi hơn rất nhiều, nếu bạn nghỉ ngơi đúng cách.

Khi mang thai, phụ nữ không nên vận động quá sức hoặc luyện tập các môn thể thao nặng. Khi xuất hiện những cơn đau xương mu nên ngồi hoặc nằm xuống nghỉ ngơi. Việc xây dựng một thời gian biểu hợp lý để nghỉ ngơi sẽ giúp mẹ bầu giảm các triệu chứng đau xương mu này.

Không mang giày cao gót

Tuy giày cao gót là một trong những vũ khí tối thượng của hội chị em trong việc giúp bạn có vóc dáng cao ráo hơn, xinh đẹp hơn, nhưng trong 9 tháng mang thai, hãy tạm nói không với đôi giày này bạn nhé! Các bác sĩ khuyến khích phụ nữ không nên mang giày cao gót khi mang thai. Đặc biệt vào những tháng cuối của thai kỳ, việc di chuyển với giày cao gót sẽ khiến trọng lượng cơ thể tập trung vào phần dưới dẫn tới các triệu chứng đau xương mu nặng nề hơn. Do đó, phụ nữ khi mang thai không nên đi giày cao gót để giảm nguy cơ té ngã và bảo vệ vùng xương mu của bản thân.

giày cao gót

Đau xương mu khi mang thai là nỗi đau mà hầu như người mẹ nào cũng phải trải qua. Mặc dù chưa có cách chữa trị triệt để, song mẹ cũng có thể giảm cơn đau khi thực hiện những phương pháp trên. Đặc biệt, mẹ cần lưu ý ở tháng cuối của thai kỳ nếu cơn đau xương mu chuyển thành cơn đau thắt mạnh vùng tử cung kèm theo dịch nhờn thì nên đến gặp bác sĩ để thăm khám bởi đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm đấy! 

Bài viết liên quan