Ngồi sai tư thế, căng cơ lưng, bong gân,… đều có thể dẫn đến tình trạng đau lưng không đứng thẳng được, ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt hằng ngày.
Đau lưng không đứng thẳng được là gì?
Đau lưng không đứng thẳng được là tình trạng người bệnh cảm thấy đau lưng dữ dội, đặc biệt là sau khi thay đổi tư thế, làm cho người bệnh không thể đứng thẳng được mà phải khom lưng mới có cảm giác cơn đau được thuyên giảm. Hiện nay, tình trạng lưng đau, không đứng thẳng được không chỉ gặp ở người cao tuổi mà ngay cả thanh thiếu niên cũng có thể mắc phải.
Nguyên nhân gây đau lưng không đứng dậy được
Cơn đau lưng không đứng thẳng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
Bong gân hoặc căng cơ lưng
Tình trạng căng cơ lưng xảy ra do cơ lưng hoặc dây chằng bị rách khi bạn hoạt động mạnh quá mức, nằm hoặc ngồi sai tư thế, căng thẳng,… Còn bong gân có thể là do thực hiện động tác mạnh, không vận động thường xuyên hoặc cử động sai tư thế,… Lúc này, bạn sẽ cảm thấy vùng lưng đau nhói, không thể hoặc khó có thể đứng thẳng hoàn toàn mà phải khom lưng. Tùy theo tình trạng chấn thương có nghiêm trọng hay không mà người bệnh có thể được điều tri tại nhà hoặc cần phải đến cơ sở y tế để được điều trị.
Đau thần kinh tọa
Các dây thần kinh ở phần dưới cột sống, đặc biệt là dây thần kinh hông bị chèn ép sẽ dẫn đến tình trạng đau lưng không đứng thẳng được. Cơn đau thần kinh tọa sẽ gây nên cơn đau ở cột sống thắt lưng và lan ra ngoài mặt đùi, đi dọc xuống đến tận các ngón chân. Khi bị đau thần kinh tọa, bạn sẽ khó có thể đứng thẳng lưng và còn có cảm giác tê rần ở vùng lưng bị đau.
Thoát vị đĩa đệm
Nhân nhầy đĩa đệm của cột sống thoát ra khỏi vị trí ban đầu trong vòng sợi và đi xuyên qua các dây chằng, gây chèn ép ống sống hoặc rễ dây thần kinh gọi là thoát vị đĩa đệm. Bất kỳ vị trí nào của cột sống cũng có nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Trong đó, 2 vị trí phổ biến nhất là ở vùng cột sống thắt lưng và cổ. Khi bị thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng, bạn sẽ cảm nhận được những cơn đau lưng không đứng thẳng được, các cơn đau buốt diễn ra theo từng cơn, ưỡn lưng hay cúi thấp lưng cũng vô cùng khó khăn.
Hẹp ống sống
Hẹp ống sống hay hẹp đốt sống là tình trạng không gian bên trong ống sống bị thu hẹp và tạo áp lực lên tủy sống cũng như các rễ thần kinh và tủy sống đi qua cột sống. Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm hoặc có khối u ở tủy sống là những nguyên nhân gây hẹp ống sống. Ngoài ra, một số trường hợp đặc biệt, bạn còn có thể bị hẹp ống sống bẩm sinh.
Khi ống sống bị hẹp thì bạn sẽ cảm thấy đau ở lưng dưới, những cơn đau diễn ra theo từng cơn ở nhiều mức độ khác nhau. Nếu không điều trị kịp thời, cơn đau do hẹp ống sống sẽ ngày càng nghiêm trọng và dẫn đến tình trạng đau lưng không đứng thẳng được.
Viêm khớp dạng thấp
Tình trạng các khớp xương, khớp sụn bị viêm nhiễm có thể khiến bạn bị đau lưng không thể đứng thẳng người được, kèm theo những cơn nhức đầu và mất ngủ kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Gai cột sống
Các khớp xương bị lão hóa làm cho một vài phần xương mọc nhô ra khỏi cột sống và hình thành nên gai cột sống, đâm vào một số dây thần kinh và gây đau lưng nghiêm trọng.
Cách điều trị đau lưng không đứng thẳng được
Đau lưng không đứng thẳng được vẫn có thể khỏi nếu được điều trị đúng cách. Khi bị đau lưng và cảm giác đau tăng lên khi đứng thẳng, bạn có thể áp dụng các biện pháp điều trị sau đây:
Chườm nóng và lạnh
Có nhiều cách giảm đau lưng. Trong đó, chườm nóng và lạnh là hai phương pháp phổ biến và cả hai đều là những cách hiệu quả để giảm đau lưng không đứng thẳng được. Chườm nóng trên lưng trong 10-15 phút, trong khi chườm lạnh trong 3-5 phút. Kỹ thuật chườm nóng và chườm lạnh hoạt động bằng cách cải thiện lưu thông máu, thúc đẩy quá trình chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến lưng, giảm viêm và sưng ở vùng lưng bị đau.
Thuốc
Khi bạn bị đau lưng không thể đứng thẳng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để cải thiện cơn đau. Cần lưu ý không được tự ý sử dụng thuốc mà nên uống theo chỉ định của bác sĩ, tuân thủ liều lượng được đề nghị để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Sau khi dùng thuốc, những cơn đau lưng không đứng thẳng được có thể được cải thiện sau khoảng 3 – 4 tuần dùng hoặc nhanh hơn. Bạn sẽ thấy vùng lưng đỡ đau nhức, nóng buốt hơn hoặc có khả năng hết hẳn.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu có thể bao gồm một số bài tập và phương pháp điều trị khác nhau để giúp giảm đau lưng không đứng thẳng được. Việc tập vật lý trị liệu không chỉ giúp cải thiện cơn đau lưng mà còn hạn chế cơn đau quay trở lại. Do đó, nếu bạn đang bị đau lưng mãn tính kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ vật lý trị liệu để đánh giá và được tư vấn cách giảm đau lưng, giúp bạn duy trì chất lượng cuộc sống.
Nếu tình trạng đau lưng nghiêm trọng, do các bệnh lý nguy hiểm gây ra thì bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến người bệnh.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Khi bị đau lưng không đứng thẳng được, người bệnh không nên chủ quan mà hãy thực hiện các biện pháp để khắc phục cơn đau. Khi thấy cơn đau không thuyên giảm mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, đi kèm với các triệu chứng bất thường khác như yếu chân, cứng cột sống, sốt, ớn lạnh, tiêu tiểu không tự chủ,… thì nên đến cơ sở y tế thăm khám ngay lập tức.
Ngoài ra, trường hợp đau lưng không đứng thẳng được sau khi bị chấn thương, chẳng hạn như ngã cầu thang hoặc tai nạn xe thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra càng sớm càng tốt.
Xem thêm:
- Đau lưng khi mang thai có nguy hiểm không?
- Đau lưng dưới gần mông ở phụ nữ có nguy hiểm không và cách khắc phục
Đau lưng không đứng thẳng được có thể gây nhiều bất tiện trong cuộc sống hằng ngày của bạn và nếu không điều trị sớm thì bệnh sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, với những cơn đau lưng ảnh hưởng đến tư thế cử động, hãy chủ động thăm khám sớm để tìm ra hướng điều trị phù hợp nhất.