Mẹ&Con – Lồng ruột ở trẻ nhỏ là một cấp cứu ngoại khoa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là 5 – 9 tháng, đặc biệt những trẻ bụ bẫm. Trẻ trên 2 tuổi, tỷ lệ mắc chỉ vào khoảng 15% và tỷ lệ này càng giảm khi trẻ lớn lên.
Thạc sĩ, Điều dưỡng Chu Thị Hoa – Khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi Trung ương cho biết, lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận.
Nếu trẻ được đưa đến viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng bằng hơi. Nếu trẻ đến muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp.
Hiện nay, nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em vẫn chưa xác định rõ, tuy nhiên một số giải thích được đưa ra do sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột hoặc sau viêm đường hô hấp cũng có thể liên quan đến lồng ruột.
Biểu hiện khi trẻ bị lồng ruột
Khi trẻ bị lồng ruột, phụ huynh có thể dễ dàng nhận thấy các biểu hiện bất thường như: trẻ khóc thét vì đau bụng, nôn mửa, bỏ bú, sau đó bụng trướng căng, đại tiện phân máu lẫn nhầy và có thể toàn máu tươi.
Các triệu chứng có thể dịu bớt trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó lại xuất hiện với mức độ nặng hơn: trẻ la hét, khóc thét từng cơn sau đó mệt lả, da xanh tái, tiểu ít, sốt cao, lờ đờ, hôn mê, dấu hiệu mất nước nặng cộng với các biểu hiện của nhiễm khuẩn nhiễm độc hoặc sốc do mất nước hay sốc nhiễm khuẩn.
Trẻ bị lồng ruột có thể nguy hiểm tính mạng
Khi một đoạn ruột chui vào lòng một đoạn ruột khác sẽ dẫn tới tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn phía trên khối lồng (hay hiện tượng tắc ruột, bán tắc ruột). Thêm nữa, các đoạn ruột luôn kèm theo là các mạch máu nuôi dưỡng nên khi lồng ruột xảy ra thì thường các mạch máu cũng bị tắc nghẽn theo.
Đoạn ruột bị tắc sẽ nhanh chóng giãn to, mạch máu bị ứ trệ làm đoạn ruột bị thiếu máu, quá trình viêm nhiễm, phù nề, hoại tử, xuất huyết sẽ xảy ra. Người ta thấy rằng trước 48 giờ, chỉ có khoảng 2,5% khối lồng bị hoại tử nhưng sau 72 giờ, tỷ lệ này đã lên tới 80%. Khi ruột bị hoại tử sẽ dẫn tới hiện tượng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột gây viêm phúc mạc khiến bệnh nhi tử vong.
Cách phòng tránh
Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để điều trị kịp thời.
Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện của bệnh, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Các thầy thuốc chuyên khoa sẽ nhanh chóng thăm khám và làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp XQ… để xác định chẩn đoán.
Khi đã chắc chắn trẻ bị lồng ruột, các biện pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi hoặc barium và thậm chí bằng phẫu thuật sẽ được thực hiện. Đồng thời với các biện pháp này, trẻ có thể được bù thêm dịch, cho kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày cho bụng đỡ trướng…
Chăm sóc trẻ sau tháo lồng bằng hơi tại nhà
ThS. Hoa cho biết, lồng ruột sau khi tháo vẫn có thể bị tái lại ngay sau một vài giờ hoặc sau đó nhiều ngày. Vì vậy cha mẹ cần phát hiện sớm các triệu chứng để đưa trẻ quay lại viện kịp thời.
Không nên cho trẻ nhún nhảy quá nhiều sau tháo lồng, cho trẻ ăn từ từ, uống thuốc theo đơn bác sĩ, theo dõi thêm các dấu hiệu lồng ruột tái phát: đau bụng đột ngột, xoắn vặn, khóc thét, nôn thức ăn…
Giữ ấm cơ thể cho trẻ, hạn chế viêm đường hô hấp vào mùa đông xuân, ăn uống vệ sinh, tránh viêm hạch mạc treo dẫn đến lồng ruột.
Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột tái lại nhiều lần, trẻ sẽ được chỉ định xét nghiệm kiểm tra xem có nguyên nhân thực thể: polyp, u hồi tràng, đại tràng. Nếu có nguyên nhân thực thể trẻ sẽ được phẫu thuật điều trị nguyên nhân.
Theo Tiền Phong