Dấu hiệu “báo động” trẻ đang thiếu máu do thiếu Sắt
– Mau mệt, hay thở gấp: Chỉ cần lên cầu thang hoặc đi bộ một chút, bạn đã thấy trẻ thở dốc, hổn hển, ra vẻ rất mệt mỏi. Thiếu Sắt khiến ôxy tới các mô ít hơn, vì thế cơ thể bị cạn kiệt nguồn năng lượng cần thiết.
– Xanh xao: Nếu bạn nhận ra da con có vẻ trắng xanh, hãy thử chú ý thêm đến vùng môi, nướu răng và thử vạch mắt bé để xem vùng bên trong mi mắt. Nếu chúng đều có màu nhợt nhạt, ít đỏ hồng như người bình thường thì cần nghĩ ngay đến thiếu Sắt.
Thiếu sắt cơ thể bé mệt mỏi
– Đau đầu: Cơ thể bị thiếu Sắt sẽ ưu tiên dành ôxy cho não trước, nhưng ngay cả như vậy thì não vẫn không nhận được đủ ôxy ở mức tối ưu. Điều này dẫn đến tình trạng con bạn thường hay than đau đầu, kể cả khi trẻ không phải học nhiều.
– Khó nhớ lâu, lơ đãng: Khi bạn dạy cho con một bài thơ hay một bài hát ngắn, bạn nhận ra con rất lơ đãng, ít tập trung và mất rất nhiều thời gian mới thuộc được. Con cũng hay buồn ngủ và lúc nào cũng có vẻ lừ đừ như thiếu ngủ.
– Rụng tóc, móng tay giòn: Thiếu máu do thiếu Sắt sẽ khiến tóc bé bị rụng nhiều hơn. Ngoài ra, móng tay bé cũng yếu (giòn, dễ gãy).
Nếu xuất hiện những triệu chứng được mô tả ở trên, trẻ đã thiếu máu do thiếu Sắt ở mức độ khá nặng, kéo dài. Không có cách khắc phục tích cực và kịp thời để tình trạng tiếp diễn, trẻ sẽ chậm phát triển thể chất và khả năng vận động, dễ thấp bé so với bạn bè đồng tuổi, trong khi đây là giai đoạn rất quan trọng để phát triển chiều cao của trẻ. Trẻ cũng giảm chỉ số thông minh, kém tập trung dẫn đến kết quả học tập giảm sút, để lại hậu quả nặng nề về sau cả về thể chất lẫn trí tuệ.
Cũng cần lưu ý thêm rằng ở những trẻ thường thích vận động thể chất, chơi đùa chạy nhảy, nhu cầu Sắt hàng ngày có thể sẽ cao hơn, để bù đắp cho lượng Sắt bị mất trong lúc ra mồ hôi và hỗ trợ kịp thời cho cơ thể trong các hoạt động thể chất.
Nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng thiếu Sắt ở trẻ em. Nhưng đây là 4 nguyên nhân cơ bản mà bạn cần lưu ý.
1. Cung cấp Sắt thiếu
Cung cấp Sắt thiếu chủ yếu là do chế độ ăn thiếu Sắt, dinh dưỡng không đúng cách, trẻ không bú sữa mẹ mà bú sữa ngoài (vì Sắt trong sữa mẹ được hấp thu đến khoảng 49%, trong khi Sắt trong sữa bò chỉ được hấp thu 10%). Cho trẻ ăn dặm quá trễ hoặc cho trẻ ăn không đủ chất, cho trẻ ăn kiêng khi bị bệnh kéo dài, bữa ăn hàng ngày thiếu thức ăn nguồn gốc động vật… cũng đều là các nguyên nhân dẫn đến thiếu Sắt ở trẻ.
Riêng với những trẻ sinh non, thiếu cân hoặc do sinh đôi, lượng Sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn nhau thai ít; mẹ mang thai bị thiếu máu, thiếu Sắt không cung cấp đủ Sắt cần thiết cho thai nhi cũng sẽ dẫn đến bé bị thiếu máu, thiếu Sắt từ lúc mới sinh.
2. Hấp thu Sắt kém
Kém hấp thu cũng là nguyên nhân gây thiếu sắt
Trẻ có thể mắc các bệnh lý của đường tiêu hóa làm giảm khả năng hấp thụ Sắt như: giảm độ toan dạ dày, suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài (làm ruột không hấp thu được thức ăn), hội chứng kém hấp thụ, dị dạng dạ dày – ruột, nhiễm giun sán…
3. Mất Sắt quá nhiều
Mất máu nhiều thường do các nguyên nhân chảy máu từ từ, mạn tính như các bệnh ở đường tiêu hóa (giun móc, loét dạ dày tá tràng, polyp ruột, trĩ), chảy máu cam, chảy máu sinh dục tiết niệu. Sắt chứa trong các tế bào máu đỏ, vì vậy nếu mất máu sẽ mất đi một số lượng Sắt.
4. Nhu cầu Sắt cao hơn lượng được cung cấp
Khi nhu cầu Sắt tăng mà không được cung cấp Sắt kịp thời, trẻ cũng rơi vào tình trạng thiếu Sắt. Chẳng hạn như trẻ vận động rất nhiều, thích chạy nhảy chơi đùa ngoài trời, đổ nhiều mồ hôi trong khi chỉ ăn uống như bình thường. Vào các giai đoạn chuyển biến của cơ thể, trẻ đang lớn nhanh, trẻ vào giai đoạn tiền dậy thì…, lúc này sẽ rất dễ xảy ra thiếu máu.
Bổ sung Sắt cho trẻ có khó không?
Sắt là vi chất rất quan trọng với cơ thể và cần được bổ sung đều đặn cho trẻ mỗi ngày. Song, rất may mắn khi việc bổ sung Sắt đầy đủ theo khuyến nghị không hề khó, chỉ cần mẹ kiên trì và làm đúng cách. Ở bài Dinh dưỡng của chuyên đề này, bạn sẽ tìm thấy một số hướng dẫn cụ thể về việc làm thế nào đảm bảo cung cấp đủ Sắt cho cơ thể thông qua bữa ăn.
Gan giàu chất sắt
Tuy nhiên, mẹ cần chú ý thêm, đề phòng thiếu máu do thiếu Sắt nên thực hiện ngay từ khi trẻ ở thời kỳ bào thai, đặc biệt cần quan tâm đến những trẻ có nguy cơ như trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ dưới 3 tuổi, trẻ bị thiếu sữa mẹ… vì đây là những đối tượng trẻ nhỏ rất dễ thiếu Sắt.
Theo các chuyên gia, trong những năm đầu đời, trẻ cần nhiều Sắt cho quá trình tăng trưởng và tạo máu. Tuy nhiên do chế độ ăn hàng ngày của trẻ không cung cấp đầy đủ hay mất cân bằng các chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, khi mang thai, nguy cơ người mẹ thiếu máu khá cao nên sinh ra các thế hệ trẻ thiếu máu.
Đối với trẻ vị thành niên, đặc biệt là vào giai đoạn dậy thì, cơ thể các em đang phát triển rất nhanh nên cần nhiều chất dinh dưỡng hơn, đặc biệt là chất Sắt để tạo máu. Các em gái tuổi dậy thì dễ bị thiếu máu thiếu Sắt do mất máu qua kinh nguyệt.
Cũng cần chú ý đến vấn đề vệ sinh cho trẻ, vì nếu trẻ bị nhiễm giun móc thì chính giun cũng có thể gây ra tình trạng thiếu Sắt kéo dài.